Thứ Hai tuần 9 Thường niên

Suy niệm Tô-bi-a 1:3;  2:1a-8

 

Tôi liền chồm dậy, bỏ cả ăn, chẳng kịp nếm chút gì.  (Tô-bi-a 2:4)

 

          Có một ngành đặc biệt thuộc Không quân Hoàng gia Anh-quốc được gọi là Lực lượng báo động phản ứng nhanh chóng.  Các phi công này luôn ở trong tình trạng báo động.  Hễ có gì đe dọa là họ có thể bay lên trong ít phút.  Họ có thể bỏ cả ngủ, đánh răng hoặc ăn trưa, nhưng họ mau lẹ hành động khi còi báo động.

          Hành động này hơi giống với phản ứng lẹ làng của ông Tô-bít trong bài đọc hôm nay phải không?  Hôm ấy là ngày lễ Ngũ tuần của Do-thái, và ông đang nghỉ ngơi chờ một bữa ăn ngon.  Nhưng khi nghe nói có một người đồng bào bị giết chết, ông lập tức đi ra ngoài và chôn táng người ấy.  Đây vừa là một hành vi nguy hiểm và phản động đối với một người Do-thái như ông đang sống lưu đày tại Ni-ni-vê.  Dân Ni-ni-vê chủ tâm bài trừ những tập tục Do-thái bằng cách làm những việc như trì hoãn lại việc chôn cất người Do-thái qua đời.  Nhưng ông Tô-bít không khi nào chịu trì hoãn cả.  Ông luôn ở trong tình trạng “báo động” để thi hành ý Thiên Chúa.  Ông không cho phép mình được thoải mái hoặc an toàn.  Ông không để sợ hãi hoặc cái gọi là lẽ thường ngăn cản mình.  Một người anh em trong Chúa đã bị giết, nên người này xứng đáng được chôn cất đàng hoàng theo tục lệ Do-thái.

          Vậy làm sao chúng ta có thể đáp lời Chúa gọi giống như ông Tô-bít đã đáp lại?  Làm sao chúng ta có thể luôn tỉnh thức như các phi công Anh-quốc?  Còn trường hợp chúng ta, lời kêu gọi có lẽ không giống như chiếc còi báo động và chúng ta cũng không cần cuốc xẻng hay sức lực.  Hầu như Chúa luôn triệu gọi chúng ta qua “tiếng thì thầm nhỏ nhẹ” của Thánh Thần.

          Việc quan trọng là lắng nghe.  Cuối giờ cầu nguyện hoặc sau Thánh lễ, bạn hãy dành một vài phút để lắng nghe bằng tất cả tâm hồn.  Điều gì đến trong đầu óc bạn?  Có thể bạn cảm thấy cần phải gọi điện thoại cho một người bạn hữu đang đau khổ.  Có lẽ bạn nhớ lại một bất đồng đã có từ lâu với người hàng xóm và bắt đầu nghĩ tới việc cố gắng hòa giải.  Hoặc bạn có thể cảm thấy lòng nhiệt thành dâng lên trong tâm hồn để thúc giục bạn tham gia một sứ vụ trong giáo xứ.

          Bất kể bạn nghe thấy tiếng gọi thế nào, hãy cứ hành động!

 

          “Lạy Chúa, xin ban cho con đôi tai để lắng nghe Chúa và sự can đảm để theo Chúa, bất kể Chúa gọi con ở đâu!”