Chúa Nhật tuần 26 Thường niên

Suy niệm Phi-líp-phê  2:1-11

 

Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.  (Phi-líp-phê 2:5)

 

          Bạn thử làm bài tập nhé!  Điều gì làm cho niềm vui của thánh Phao-lô được “trọn vẹn” (2:2)?  Lòng khiêm nhường đem lại điều gì cho những mối tương quan của chúng ta (2:3)?  Thánh Phao-lô nghĩ điều gì là cốt lõi cho đời sống trong Giáo Hội?  Nếu bạn trả lời đó là sự hiệp nhất trong Chúa Ki-tô cho cả ba câu hỏi thì bạn trả lời đúng.

          Thánh Phao-lô sử dụng cụm từ “trong Đức Ki-tô” hơn 170 lần.  Ngài sử dụng cụm từ ấy để nói về cách thức giúp chúng ta biết được tình yêu và lòng thương xót của Chúa Giê-su.  Ngài sử dụng cụm từ ấy để dạy rằng chúng ta được cứu chuộc nhờ tin vào Đức Ki-tô.  Rồi ngài sử dụng cụm từ ấy để diễn tả đường lối giúp chúng ta tìm được sự hiệp nhất trong gia đình, Giáo Hội và thế giới.  Sự hiệp nhất giữa chúng ta với nhau nhất định sẽ phát triển khi chúng ta phát triển trong sự kết hợp với Đức Ki-tô.

          Giáo Hội tại Phi-líp-phê đang phải đau khổ sao đó vì nạn chia rẽ.  Không rõ nguyên nhân có phải là do thiếu sự hiệp nhất giữa những người trong giáo hội hay do những người bên ngoài khuấy động.  Nhưng điều ấy thực sự không quan trọng.  Giải pháp của thánh Phao-lô là cùng một giải pháp nhưng áp dụng cho cả hai trường hợp:  hãy lấy sự hiệp nhất với nhau làm mục tiêu tối cao của các bạn.

          Giờ đây, thánh Phao-lô không nói rằng mọi người đều phải suy nghĩ cùng một đường lối như nhau.  Có những ý kiến khác biệt nhau là điều lành mạnh, vì nó giúp chúng ta mở rộng tâm trí.  Đồng thời chúng ta phải chắc chắn rằng những ý kiến khác biệt ấy không gây ra đau khổ và chia rẽ.  Chúng ta phải cẩn thận đừng để cho những khác biệt này lấn át tình thương yêu của chúng ta, nhất là trong phạm vi gia đình.  Nếu xảy ra như vậy, chúng ta phải dừng lại, để tâm hồn lắng dịu và hãy nhớ đến mục đích cao cả hơn.

          Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm một cuộc giằng co nội tâm giữa tính vị kỷ và vị tha, giữa kiêu căng và khiêm nhường.  Tất cả chúng ta đều phải “chết đi cho mình” và sống cho Thiên Chúa.  Càng chiến thắng trong cuộc chiến này, chúng ta càng có thể yêu thương và sống hòa hợp với nhau hơn.

          Vậy bạn hãy cố gắng ý thức đừng để cho những cảm xúc chia rẽ thắng thế.  Nhưng hãy cố lắng nghe mọi người bạn gặp và đối xử với họ như anh chị em.  Tóm lại, “anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Phi-líp-phê 2:5).

 

          “Lạy Chúa, xin biến con thành một sức mạnh cho sự hiệp nhất”.