Thứ Sáu tuần IV mùa Chay

Suy niệm Gio-an 7:1-2,10,25-30

 

Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi;  còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.  (Gio-an 7:27)

 

          Những mâu thuẫn về xuất xứ của Chúa Giê-su đã nảy sinh do niềm tin của dân gian là Đấng Mê-si-a xuất thân từ đâu không ai biết.  Vì những người trong Đền Thờ cho rằng họ biết rõ gia đình và xứ sở của Chúa Giê-su, nên họ kết luận Người không thể nào là Đấng Mê-si-a được.  Vấn đề nằm ở điểm họ nghĩ về lai lịch trần thế và nhân loại của Chúa Giê-su, còn Chúa Giê-su lại nói về lai lịch thuộc Thiên Chúa và trên trời của Người.

          Chúa Giê-su thách thức người ta về mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến.  Nếu như họ nhận biết Chúa Cha và muốn thi hành thánh ý Người thì mầu nhiệm về lai lịch Chúa Giê-su sẽ được tỏ lộ cho họ: “Ai muốn làm theo ý Người, thì sẽ biết rằng đạo lý ấy là bởi Thiên Chúa hay do tôi tự mình giảng dạy” (Gio-an 7:17).  Rõ ràng Chúa Giê-su đang nói trên bình diện vô biên, thượng giới và thiêng liêng, trong khi ấy dân chúng lại nghe trên bình diện hữu hạn, trần thế và vật chất.

          Xung đột giữa hai bình diện này đã tạo nên nơi dân chúng sự thù nghịch với Chúa mỗi lúc một tăng.  Vì họ cố vẽ ra hình ảnh Chúa Giê-su theo lối suy nghĩ con người thôi, nên họ không mở lòng đón nhận những gì không phù hợp với cách lý giải của họ.  Vì họ chỉ dựa vào lối lý luận trần gian, nên họ đã bóp nghẹt “thần khí ban sự sống” (Gio-an 6:63).

          Giống như những người Do-thái này, chúng ta cũng có thể rơi vào cái bẫy chỉ muốn biết Chúa Giê-su qua lý giải của con người mà thôi.  Nhưng Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy biết Người trên một bình diện cao cả hơn nhờ sức mạnh của Thần Khí Người, Đấng Người sẽ ban cho những ai yêu mến và vâng lời Người.  Còn chúng ta, chúng ta có thể biết (bằng đầu óc) rất nhiều về Chúa Giê-su, nhưng chỉ nhờ Thánh Thần chúng ta mới biết Người (bằng trái tim).

          Nếu bạn muốn biết Chúa Giê-su sâu xa hơn trong mùa Chay này, bạn hãy học lấy thái độ khiêm nhường của những người như Mẹ Ma-ri-a, thánh Gio-an và thánh Phê-rô.  Khiêm nhường có nghĩa là yêu mến Chúa Giê-su hơn cả yêu chính mình.  Khiêm nhường có nghĩa là trở nên giống như trẻ nhỏ và dựa vào Thánh Thần để học hỏi qua phụng vụ, cầu nguyện, Kinh Thánh và những biến cố trong cuộc sống.  Biết Chúa quả thực là điều có thể làm được!

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con một tâm hồn khiêm nhường để con có thể hiểu được Chúa sâu xa hơn.  Xin Chúa cho con được thêm lòng yêu mến Chúa để con biết phó thác đời con cho Chúa trọn vẹn hơn”.