Thứ Bảy tuần III Phục Sinh

Suy niệm Công Vụ Tông Đồ 9:31-42

 

Ông Phê-rô  cho mọi người ra ngoài, rồi quỳ xuống cầu nguyện.  Sau đó ông quay lại về phía thi hài và ra lệnh:  “Bà Ta-bi-tha, hãy đứng dậy!”  (Công Vụ Tông Đồ 9:40)

 

          Qua sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta thấy ông Phê-rô hành động một cách tự tin nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.  Ông rao giảng những bài giảng mạnh mẽ khiến cho hàng ngàn người trở lại. Ông chữa lành một người ăn xin bị què tại cửa Đền Thờ (Công Vụ Tông Đồ 3:1-10).  Ông mạnh dạn nói với anh Ê-nê bị bại liệt:  “Anh Ê-nê, Đức Giê-su Ki-tô chữa anh khỏi.  Anh hãy đứng dậy” (9:34).  Ông Phê-rô quả là một người gây ấn tượng!

          Bài đọc hôm nay cho chúng ta một cái nhìn về những gì nằm đằng sau quyền lực lạ lùng của ông Phê-rô.  Khi các Ki-tô hữu tại Gia-phô cho người mời ông đến sau cái chết của bà Ta-bi-tha, người chị em yêu quý trong Chúa, ông Phê-rô không lập tức hành động.  Ông chú ý lắng nghe những gì cộng đoàn nói với ông về bà ấy.  Rồi ông cho mọi người ra ngoài để ông có chút thời gian ở một mình.  Trước khi làm bất cứ điều gì, ông quỳ gối cầu nguyện, tìm thánh ý Chúa.  Ông muốn biết thực sự có phải đúng đây là thời giờ cái chết của bà Ta-bi-tha hay Chúa có ý định làm điều gì đó cho bà và cho cộng đoàn rất quý mến bà.  Chỉ khi ông Phê-rô đã kết hợp với Chúa Cha, ông mới quay lại và nói với bà Ta-bi-tha, kêu bà chỗi dậy mà sống lại.

          Khi đối diện với bệnh tật và những khó khăn khác, chúng ta thường vội vàng cầu khẩn, xin người này người nọ hiệp ý với chúng ta.  Chúng ta cầu xin Chúa chữa lành một người anh, hoặc cho một đứa con hư trở về thống hối, hoặc giải quyết một cơn khủng hoảng tài chánh.  Dĩ nhiên có những mục tiêu xứng đáng và chúng ta cầu xin những điều ấy là đúng.  Nhưng chúng ta đừng quên mất một bước quan trọng.  Chúng ta phải luôn luôn dành thời giờ để kết hợp với Chúa Cha thầm thĩ xin Người cho biết thánh ý.  Chúng ta phải ở lại với Chúa để có thể đi vào tình yêu của Người dành cho kẻ mà chúng ta lo lắng cho họ.  Chúng ta phải xin Chúa mở mắt chúng ta  để thấy được lợi ích lớn lao hơn Người muốn ban cho chúng ta.

          Thời gian yên lặng cầu nguyện này có thể giúp chúng ta nhận định được vai trò của Chúa đối với chúng ta.  Không phải Chúa chỉ giúp chúng ta hiểu nên cầu nguyện như thế nào.  Người còn cho chúng ta thấy Người muốn chúng ta hãy trực tiếp hành động để phục vụ, chữa lành hay rao giảng lời ban sự sống của Người nữa.

 

          “Lạy Chúa Thánh Thần, con kiên nhẫn chờ đợi Chúa.  Xin Chúa cho con thấy đâu là thánh ý Chúa và đâu là kế hoạch của Chúa dành cho con cũng như những người mà con yêu thương hôm nay”.