Thứ Bảy tuần 2 Thường niên

Suy niệm 2 Sa-mu-en 1:1-4,11-12,19,23-27

 

Giô-na-than, anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh!  (2 Sa-mu-en 1:26)

 

          Giô-na-than và Đa-vít là hai người bạn rất thân, còn gần nhau hơn cả anh em ruột thịt nữa.  Vậy tại sao Giô-na-than lại ở lại với Sa-un, cha anh, kẻ thù không đội trời chung với Đa-vít?  Chắc chắn là vì Giô-na-than muốn làm một người con tốt.  Nhưng như thế có thực sự đủ lý do để anh ta đi theo đội quân thề sẽ giết bằng được người bạn thân nhất của mình không?

          Đa-vít và Giô-na-than tự nhiên thích nhau.  Họ hết sức hợp với nhau, có cùng một quan điểm và cùng một tấm lòng đối với dân tộc của họ.  Có vài lần trước mặt Chúa họ thề sẽ trung thành với nhau (1 Sa-mu-en 20:8,17,42; 23:18).  Nhưng Giô-na-than cũng biết rằng cha anh ghen tức và muốn giết Đa-vít.  Cách tốt nhất đối với Giô-na-than là làm sao giúp người bạn thân của mình được an toàn và vẫn còn đứng sau lưng ủng hộ cha mình.

          Việc này liệu có dễ dàng đối với Giô-na-than không?  Dĩ nhiên là không!  Không những lòng anh quý mến Đa-vít, mà anh còn coi Đa-vít sẽ là ông vua chính trực của Ít-ra-en nữa.  Cho nên anh đã chọn tách rời khỏi Đa-vít để bảo vệ cho Đa-vít.  Là một người lãnh đạo được tin tưởng trong quân đội của Sa-un, Gio-no-than đã lấy được tin tức nội bộ rồi chuyển lại cho Đa-vít để bảo vệ anh.  Cuối cùng chiến thuật này đã cướp đi sinh mạng Giô-na-than trong trận chiến Ghin-bô-a.  Nhưng theo một ý nghĩa nào đó, Giô-na-than đã hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu trong suốt thời gian hai người phải xa cách nhau.  Cũng như Chúa Giê-su, Giô-na-than đã tỏ ra tình yêu quên mình, đặt bạn lên trên mọi quyền lợi của mình.

          Đây chính là khuôn mặt của tình yêu.  Tình bạn đích thực sẵn sàng bỏ mình vì người khác.  Trong một thế giới người ta khuyến khích chúng ta hãy đo lường tình bạn dựa trên những gì chúng ta có được từ tình bạn ấy, thì Thiên Chúa lại muốn chúng ta hãy nhìn tình bạn dưới ánh sáng tình yêu hy sinh như đã thấy nơi Giô-na-than, và trong tình yêu toàn hảo của Chúa Giê-su.  Không phải chúng ta sẽ được gì từ những tình bạn của chúng ta.  Nhưng là chúng ta đã đem những gì vào trong những tình bạn ấy.

          Nếu điều này xem ra quá đòi hỏi, bạn đừng lo.  Chúa không đòi bạn phải luôn luôn hy sinh cho bạn hữu của bạn đâu.  Người chỉ muốn bạn hãy chắc chắn đang cho đi cũng như đang nhận lại thôi.  Người biết đây là cách tốt nhất để làm cho mọi tình bạn được đậm sâu.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết yêu thương người bạn đời, gia đình con và các bạn hữu của con giống như Chúa yêu thương con.  Xin Chúa mở mắt con để nhận ra những cách thức Chúa kêu gọi con hy sinh mạng sống cho bạn hữu”.