Thứ Hai tuần 21 Thường niên

Suy niệm 2 Thê-xa-lô-ni-ca 1:1-5,11-12

 

Chúng tôi hãnh diện về anh em trước mặt các Hội Thánh của Thiên Chúa.  (2 Thê-xa-lô-ni-ca 1:4)

 

          Lời nói có thể gây nên tai hại kinh khủng và lâu dài.  Một học sinh trung học dọa sẽ sử dụng bạo lực vì những lời sỉ nhục anh được đưa lên mạng.  Tiếng tăm của một chính trị gia bị hủy hoại do những lời người ta nói về ông ta còn tai hại hơn cả chính những việc ông ta đã làm.  Một cha xứ bị công chúng chế giễu vì đứng về phía khuynh tả đối với một vấn đề luân lý.  Như thánh Gia-cô-bê cho thấy, “cái lưỡi thì không ai chế ngự được:  nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người” (Gia-cô-bê 3:8).

          Nhưng ngược lại với những lời nói làm tổn thương kia là những lời chúng ta gặp thấy trong lời chào của thánh Phao-lô gửi đến tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.  Đây là một cộng đoàn gồm những tín hữu mạnh mẽ đang phải chịu đựng những thử thách và bách hại.  Thánh Phao-lô nói với họ về ân sủng và bình an của Chúa Giê-su.  Ngài kể ra mọi điều tốt lành đã xảy ra cho họ:  Họ đã trưởng thành trong đức tin và đức ái.  Ngài khen ngợi sự chịu đựng của họ giữa khổ đau.  Phải, thánh Phao-lô nhiều khi có thể nghiêm khắc, nhưng ở đây ngài tỏ ra là một vị tông đồ nâng cao tinh thần Giáo Hội và nói những lời đầy khích lệ và hy vọng.

          Còn thái độ của chúng ta đối với Giáo Hội như thế nào?  Đối với anh chị em Ki-tô hữu đồng đạo ra sao?  Cả với những người không tin vào Chúa Ki-tô nữa?  Giống như mọi người, chúng ta hết thảy đều bị cám dỗ xét đoán và phê bình khi chúng ta gặp một người mình không tán đồng.  Nhưng nếu đã cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Ki-tô và niềm hy vọng phục sinh, chúng ta sẽ biết mình có bổn phận phải nói những lời hy vọng và yêu thương chứ không phải những lời lên án và chống đối.  Với thái độ đúng đắn của yêu thương và nhân ái, chúng ta có thể tạo nên một bầu khí giúp người khác lên tinh thần, một bầu khí chân lý được phát biểu nhẹ nhàng, dịu dàng và đầy kính trọng.

          Hôm nay, bạn hãy nghĩ tới một người mà bạn có thể khích lệ, một người có thể suy nghĩ khác với bạn hoặc một người đang trải qua một thời gian đầy thử thách.  Khi gặp người ấy, bạn hãy xin Chúa Thánh Thần ban cho bạn những lời yên ủi và liên đới.  Không những các lời nói của bạn nâng đỡ họ, mà còn giúp cho trái tim của bạn được thêm nhạy cảm nữa!

 

          “Lạy Chúa, xin cho những lời thốt ra từ miệng con đem an ủi, khích lệ và hứng khởi cho những người chung quanh.  Xin cho những tư tưởng trong lòng con được giống với những tư tưởng của Chúa, đầy nhân từ và cảm thông”.