Thứ Hai tuần 3 Thường niên

Suy niệm Mác-cô 3:22-30

 

Nước nào tự chia rẽ, nuớc ấy không thể bền.  (Mác-cô 3:24)

 

          Đau buồn nhớ đến quyết định của Tối cao Pháp viện năm 1973 mở đường hợp luật hóa cho việc phá thai, giáo hội Hoa-kỳ đã ấn định hôm nay như là ngày sám hối và cầu nguyện.  Vậy chúng ta được kêu gọi hãy thống hối về điểm gì?  Đó là “những xúc phạm đối với phẩm giá con người đã thể hiện qua những hành vi phá thai”.  Và chúng ta được kêu gọi hãy cầu nguyện cho điều gì?  Đó là cho “việc phục hồi toàn diện bảo đảm pháp luật đối với quyền sống của con người”.

          Thật là điều hay khi nhận thấy Giáo Hội kêu gọi hết thảy chúng ta hãy sám hối, chứ không riêng những kẻ trực tiếp nhúng tay vào việc phá thai.  Đó là lời kêu gọi tất cả chúng ta hãy tự xét lương tâm xem chúng ta đã góp phần cách nào vào thứ văn hóa không tôn trọng phẩm giá con người.  Điều này quả thực là lời kêu gọi khiến người ta phải hổ thẹn,vì nó chống lại não trạng ta-chống-họ là não trạng thường tìm cách đi vào những tranh luận các đề tài về sự sống.  Lời kêu gọi ấy thách thức chúng ta hãy tự hỏi về thái độ dễ dàng đứng về phía văn hóa sự sống, rồi cứ cho rằng văn hóa sự chết ở đâu đó bên ngoài chúng ta.

          Tuy nhiên thực tế là tất cả chúng ta đều mang những dấu vết của cả hai mặt cuộc tranh luận bên trong tâm hồn chúng ta.  Là những người tội lỗi, mỗi người chúng ta mang một mặt tối, là những cách thức chúng ta làm mất đi giá trị của đời sống con người hoặc không tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa dạy phải yêu thương và quý trọng nhau như Chúa yêu thương và quý trọng mỗi người chúng ta.  Có thể chúng ta không đóng vai trò tích cực trong một vụ phá thai, nhưng Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng nếu chỉ nói “Tôi đâu có giết ai” thôi thì chưa đủ.  Nhưng Người còn cảnh cáo chúng ta rằng “Ai giận anh em mình thì phải bị đưa ra tòa” (Mát-thêu 5:22).  Nếu như vậy thôi, thì chắc chắn tất cả chúng ta đều phải sám hối rồi!

          Chúng ta hãy làm cho ngày hôm nay thành ngày ân sủng.  Chúng ta hãy xét tâm hồn và xem ở những điểm nào chúng ta cần phải hướng về Chúa.  Nhờ sám hối và cầu nguyện, chúng ta có thể đổi ngược tình thế trong gia đình, cộng đồng, quốc gia và thế giới.  Chúng ta có thể bắt đầu một cuộc cách mạng hòa bình và khiêm tốn nhân danh mọi trẻ em vô tội và không thể tự bảo vệ.  Nếu chúng ta bắt đầu từ trong tâm hồn mình, sự thay đổi sẽ chiếu tỏa ra ngoài và để cho sóng triều ân phúc và hiệp nhất dâng cao.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin tha thứ tội lỗi tất cả chúng con!  Lạy Chúa, xin hãy phục hồi chúng con, để chúng con trở thành một dân tộc hợp nhất dưới bóng cờ của Chúa, bóng cờ của sự sống và yêu thương!”