Thứ Hai tuần 4 Thường niên

Suy niệm Mác-cô 5:1-20

 

Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo.  (Mác-cô 5:15)

 

          Hôm nay, một lần nữa chúng ta lại được nhắc nhở về quyền năng của Chúa Giê-su chữa lành và phục hồi cho dân chúng.  Sách Tin Mừng đầy những câu chuyện như vậy, nhiều đến độ khó mà phủ nhận rằng Chúa Giê-su đã thực sự chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ.  Tuy nhiên điều người ta có thể ít chấp nhận, đó là Chúa Giê-su Phục sinh ngày nay vẫn còn tiếp tục chữa lành!

          Phải, Chúa Giê-su muốn chữa lành chúng ta, cả thể xác lẫn nội tâm.  Người muốn giải thoát chúng ta khỏi yếu đau và khỏi tội lỗi, lo âu, sợ hãi và cay đắng, những thứ đang trói buộc chúng ta và khiến chúng ta xa cách Người.  Người còn muốn thực hiện điều này nhờ chúng ta nữa.  Đúng thế, Người muốn bạn trở thành khí cụ bình an và chữa lành của Người!

          Giáo Hội dạy rằng khi được rửa tội, chúng ta được chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa.  Như thế chẳng phải là ý nghĩa khi việc này cũng cho chúng ta được chia sẻ chính quyền năng chữa lành của Chúa Giê-su hay sao?  Thánh Phao-lô còn đi xa hơn khi ngài liệt kê việc chữa lành là một trong những hồng ân Chúa Thánh Thần đổ xuống trên các tín hữu (1 Cô-rin-tô 12:9).

          Là phần tử của Nhiệm thể Chúa Ki-tô, hết thảy chúng ta đều có thể cầu nguyện cho người khác được an lành.  Đó chỉ là một kinh nguyện đơn sơ, xin Chúa Giê-su đến với những ai đang đau đớn.  Chúng ta có thể xin Người ban cho họ được bình an.  Chúng ta có thể xin Người phán những lời an ủi và chữa lành trên thân xác và linh hồn họ.  Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể đem người thân vào trong cầu nguyện và tin tưởng Chúa sẽ thực hiện một cuộc chữa lành vào đúng thời điểm của Người.

          Trong những năm vừa qua, Giáo Hội đã chứng kiến sự tăng triển đáng kể những nhóm giáo dân đang học cầu nguyện với những anh chị em đến xin ơn chữa lành.  Nhiều người khi đến đã mang theo những gánh nặng như bệnh hiểm nghèo, những trục trặc gia đình, những mối tương quan đang gặp khó khăn và những vết thương nội tâm.  Những nhóm giáo dân thi hành tác vụ chữa lành đã thận trọng tránh thái độ giải quyết vấn đề hoặc khuyên bảo.  Mục tiêu duy nhất của họ là tạo nên một môi trường tín thác để người ta gặp được Chúa Giê-su, vị Đại Lương Y của nhân loại.

          Chúa Giê-su vẫn còn chữa lành người ta hôm nay!  Như Kinh Thánh đã minh định tuyệt vời rằng:  “Chúa gần bên những kẻ tan nát cõi lòng” (Thánh Vịnh 34:19).

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết trở thành dụng cụ để Chúa chữa lành, ban bình an và phục hồi người khác”.