Ngày 26 tháng 12

Suy niệm Mát-thêu 10:17-22

Lễ thánh Tê-pha-nô, tử đạo tiên khởi

 

Không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.  (Mát-thêu 10:20)

         

          Cố gắng theo Chúa có thể là thách đố đáng sợ.  Chúng ta không biết tương lai ra sao, và Chúa thì khó mà đoán trước được về Người.  Người muốn chúng ta làm gì?  Làm một hy sinh vĩ đại như Chúa Giê-su đã thực hiện?  Chịu đựng một nỗi ưu phiền không sao chịu nổi?  Phải mang một chứng bệnh kéo dài?  Chúng ta không biết liệu mình có thể đương đầu nổi với tất cả những gì cuộc sống đem lại hay không.

          Nhiều khi Kinh Thánh dường như cũng chẳng giúp được gì cả.  Như trong bài đọc Tin Mừng hôm nay, chúng ta được hứa là sẽ chịu bách hại, những chia rẽ đau đớn và đến cả việc phải tử đạo nữa.  Hôm nay khi chúng ta mừng lễ thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi, lòng chúng ta có thể khiến chúng ta nghi ngờ về viễn tượng phải trải qua những đau khổ như vậy.

          Vấn đề là chúng ta có khuynh hướng đọc những đoạn Kinh Thánh này theo chọn lựa của mình.  Nghĩa là chúng ta nghe thật rõ những lời tiên báo ấy, nhưng lại không nghe được lời an ủi và ân sủng kèm theo những lời tiên báo kia.  Chúa hứa đi hứa lại sẽ ở lại với chúng ta.  Thánh Tê-pha-nô là một chứng minh rõ rệt về chân lý này.  Ngài nhận được một thị kiến huy hoàng về Chúa Giê-su đang ngự bên hữu Thiên Chúa.  Chỉ một thoáng ân sủng như vậy cũng quá đủ để giúp ngài trung thành với Chúa cho đến chết.

          Thánh Tê-pha-nô đã học được lòng trung thành ấy ở đâu?  Và chúng ta cũng có thể học được ở đâu?  Từ Thiên Chúa đấy, vì chính Người tự nhận là “giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xuất Hành 34:6).  Công việc thánh Tê-pha-nô làm cho Giáo Hội sơ khai như phục vụ người nghèo, rao giảng Tin Mừng, chăm sóc anh chị em tín hữu, tất cả đều giúp ngài xác tín rằng Thiên Chúa sẽ luôn luôn chiến thắng, bất kể tình huống thế nào.

          Đôi khi sợ hãi của chúng ta nổi lên khi chúng ta nhìn thấy một người bạn hoặc người trong gia đình chịu đau khổ.  Lo lắng khi thấy như thế, chúng ta nghĩ “Tôi hy vọng Chúa chẳng bao giờ đòi tôi phải chịu như vậy!”  Nhưng nếu chúng ta dành thì giờ để nói chuyện với những người ấy, chúng ta thường được nghe họ kể lại những câu chuyện của ân sủng và hy vọng.  Chúng ta khám phá ra rằng Chúa đang hành động mạnh mẽ trong cuộc sống họ ngay giữa những thử thách của họ.

          Bạn hãy nghĩ về một hoặc hai nỗi sợ hãi bạn đang phải đối phó.  Bạn hãy dành ra chút thời giờ để nói với Chúa về những sợ hãi ấy.  Hãy xin Người cho bạn thấy Người gắn bó với bạn như thế nào.  Hãy nghỉ ngơi trong sự hiện diện của Người và để cho chân lý về lòng trung thành của Người giúp tâm hồn bạn trầm tĩnh.  Thiên Chúa của bạn luôn ở với bạn, và tình yêu của Người có sức mạnh làm tan đi mọi hãi sợ của bạn (1 Gio-an 4:18)!

 

          “Lạy Cha, xin cho lòng trung tín của Cha giúp con thắng vượt được mọi sợ hãi”.