Thứ Ba tuần 24 Thường niên

Suy niệm Gio-an 19:25-27

Lễ Đức Mẹ Sầu bi

 

Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.  (Gio-an 19:27)

 

          Có thể chúng ta có nhiều biểu tuợng nhắc nhớ về Mẹ Ma-ri-a ở trong nhà chúng ta như:  i-côn, ảnh tượng, tràng hạt.  Nhưng bạn thử nghĩ xem biểu tượng nào diễn tả được sự kiện Gio-an đưa Mẹ Thiên Chúa về nhà mình!  Chắc chắn sống với Mẹ Ma-ri-a là một cảm nghiệm rất sâu xa đối với người môn đệ yêu dấu.  Nhất định mối tương quan với Mẹ đã giúp ông đồng hành với Chúa sát hơn và phát huy khả năng chia sẻ Chúa Giê-su cho thế giới.

          Thực là một cơ hội tuyệt vời cho Gio-an để hiểu biết Chúa Giê-su là ai!  Mẹ Ma-ri-a đã biết Chúa hơn bất cứ ai khác.  Cho dù Mẹ rút lui vào bóng tối sau khi Chúa Giê-su ra đời, chúng ta cũng biết Mẹ vẫn luôn học hỏi về Người.  Như thánh Lu-ca nói, Mẹ “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lu-ca 2:19).

          Chắc chắn Gio-an và Mẹ Ma-ri-a đã cùng nhau cầu nguyện và suy niệm về đời sống và cái chết Con của Mẹ.  Khi Gio-an kể lại những kinh nghiệm lúc đi theo Chúa Giê-su thì Mẹ Ma-ri-a đã giúp ngài hiểu ý nghĩa những kinh nghiệm ấy, soi sáng cho những biến cố quan trọng trong đời Chúa Giê-su:  Giáng Sinh, sống ẩn dật tại Na-da-rét, thi hành sứ vụ, và cả cuộc Thương khó của Người nữa.  Thay vì đọc kinh Mân Côi thì thánh Gio-an đã có chính Mẹ Ma-ri-a hiện diện để giải thích những mầu nhiệm đức tin của chúng ta.

          Dưới chân Thánh giá, Mẹ Ma-ri-a là Đức Mẹ Sầu bi, nhưng sự buồn phiền của Mẹ hòa lẫn với niềm vui khi Mẹ suy nghĩ về ơn cứu độ mà Con mình đã đem lại cho toàn thể nhân loại.  Trong suy nghĩ này, Mẹ dạy chúng ta rằng ngay trong những buồn phiền lớn lao nhất của chúng ta, vẫn có niềm hy vọng của một Đấng Cứu Độ và lời hứa sự sống vĩnh cửu dành cho hết những ai giữ vững đức tin và biết đặt tín thác nơi sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa.

          Làm sao chúng ta rước Mẹ Ma-ri-a vào nhà chúng ta?  Bằng cách chúng ta có thể cùng với Mẹ suy nghĩ về những mầu nhiệm của Chúa Giê-su.  Chúng ta có thể đem đến cho Mẹ  những kinh nghiệm, những bối rối lo lắng và cả những xét đoán nửa vời của chúng ta để xin Mẹ soi sáng cho.  Chúng ta có thể cầu xin Mẹ giúp chúng ta biết yêu thương các con cái của Mẹ, những người đôi khi chúng ta thấy khó mà yêu thương.  Vì Mẹ Ma-ri-a là Mẹ của toàn Giáo Hội, nên chúng ta hãy để Mẹ làm mẹ chúng ta nữa.

 

          “Lạy Mẹ Ma-ri-a, chúng con kính mời Mẹ xuống chia sẻ cuộc sống của chúng con.  Xin Mẹ kết hợp những nỗi vui buồn của chúng con với những vui buồn của Mẹ, biến đổi chúng nhờ sự hiện diện của Con Yêu Dấu mà Mẹ hằng ấp ủ trong lòng”.