Thứ Hai tuần 28 Thường niên

Suy niệm Rô-ma 1:1-7

 

Tôi là Phao-lô.… được gọi làm tông đồ và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.  (Rô-ma 1:1)

 

          Thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma từ lâu đã được nhìn nhận như một tuyệt phẩm thần học, nhưng sự kiện này có thể làm cho bức thư khiến người ta phải rụt rè.  Vậy khi khám phá thư Rô-ma trong một ít tuần lễ tới đây, chúng ta hãy tiếp cận với bức thư như một bức thư thật được viết do một người thật, chứ không phải như một tiểu luận về triết lý hay tôn giáo.

          Thánh Phao-lô viết thư Rô-ma đang khi ngài ở Cô-rin-tô, có lẽ vào năm 57 hoặc 58 sau công nguyên.  Ngài đang chuẩn bị đem số tiền quyên góp của các Ki-tô hữu gốc Dân ngoại tại Ma-kê-đô-ni-a và A-kai-a về giúp cho giáo hội Giê-ru-sa-lem đang gặp khó khăn về tài chánh.  Rồi từ Giê-ru-sa-lem, ngài dự định xuống tàu đi Rô-ma, tại đây ngài muốn thiết lập một cứ điểm hoạt động để nâng đỡ cho một chuyến đi truyền giáo tại Tây-ban-nha sắp tới (Rô-ma 15:26-33).  Thánh Phao-lô đã không đích thân rao giảng Tin Mừng cho Rô-ma, nên ngài viết thư này như để tự giới thiệu, hy vọng sẽ chiếm được cảm tình thân thiện của các Ki-tô hữu Rô-ma và sự hỗ trợ của họ dành cho chuyến truyền giáo tại Tây-ban-nha.

          Vậy thánh Phao-lô đã tự giới thiệu như thế nào?  Bằng cách nói lên Tin Mừng ngài đã rao giảng.  Ngài viết về việc Thiên Chúa đã làm cho chúng ta được hòa giải với Người nhờ ơn đức tin (Rô-ma 3 – 5).   Ngài viết về sự sống trong Thánh Thần mà Chúa Giê-su đã đem lại cho chúng ta nhờ thập giá và sự phục sinh của Người (Rô-ma 6 – 8).  Rồi ngài viết rằng mọi người – Do-thái hay Dân ngoại – đều có thể được biết Thiên Chúa và được vào Nước Trời của Người (Rô-ma 3:9-11).  Theo một ý nghĩa, thư Rô-ma cho chúng ta cái nhìn vào tâm trí của riêng Phao-lô.  Nó cho thấy một vị tông đồ vừa là một tư tưởng gia thâm sâu vừa là một người tin nhiệt thành, và điều này giúp chúng ta biết làm sao noi gương ngài.

          Khi bạn đọc hết thư Rô-ma trong một ít tuần lễ sắp tới, hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp bạn có lòng yêu mến Thiên Chúa, điều gặp thấy trong những chủ đề chính của bức thư.  Thư này đem tới sứ điệp giúp thay đổi đời sống của hằng triệu người qua suốt hai ngàn năm.  Đó là sứ điệp không khi nào mất đi sức mạnh thay đổi chúng ta khi chúng ta biết rằng không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta (Rô-ma 8:39)!

 

          “Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã phán dạy con qua Kinh Thánh!  Lạy Chúa Thánh Thần, xin mở tâm hồn con để tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa thấm nhập thật sâu vào linh hồn con”.