Thứ Tư tuần 28 Thường niên

Suy niệm Rô-ma 2:1-11

 

Vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình.  (Rô-ma 2:1)

 

          Các nhà tâm lý học từ lâu đã nhận ra một thứ hành vi được thánh Phao-lô nói đến ở đây.  Họ gọi hành vi này là “dự phóng”, và đó là một phản ứng tự vệ chúng ta sử dụng để cố gắng che lấp đi những lỗi lầm của mình.  Thay vì nhìn thẳng vào lầm lỗi của mình, chúng ta có khuynh hướng quy chiếu lầm lỗi ấy vào người khác.  Thí dụ, khi chúng ta tốn quá nhiều thì giờ để xét đoán một người là tham lam, lười biếng hoặc không kiên nhẫn, thì có thể là vì chính chúng ta đang có những tính xấu ấy và cố gắng không muốn lưu ý đến chúng.  Những điều chúng ta không thích nơi người khác lại thường nói lên những gì chúng ta không thích nơi chính mình.

          Tuy nhiên, đây là điều khác biệt giữa thánh Phao-lô và các nhà tâm lý tân thời.  Thánh Phao-lô quan tâm hơn đến việc khích lệ người ta hãy nhìn lên Thiên Chúa thay vì chỉ đơn thuần nhìn vào tâm trí họ.  Ngài muốn dạy người ta rằng không ai đủ tốt lành để có thể xét đoán người khác, vì mọi người đều có tội.  Ngài có thể nói qua kinh nghiệm bản thân.  Đã có lúc ngài nghĩ mình là công chính vì tuân thủ Lề Luật, nhưng ngài đã biết là thực ra “mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rô-ma 3:23).

          Vậy chúng ta có thể rút ra bài học gì từ phương pháp “trị liệu thực tế” của thánh Phao-lô?  Có phải hết thảy chúng ta đều là những kẻ tội lỗi tuyệt vọng chịu số phận hư mất đời đời không?  Không phải vậy đâu!  Tất cả cách lý giải của thánh Phao-lô khi trình bày thân phận của chúng ta là nhằm đưa chúng ta đến với Chúa Ki-tô.  Tin buồn là tất cả chúng ta đều có tội.  Nhưng tin vui là chúng ta không phải tự mình sửa chữa vấn đề đó.  Chúng ta có một Đấng Cứu Độ đầy uy quyền để dẫn dắt chúng ta ra khỏi ngục tù tội lỗi và đưa vào một cuộc sống mới đầy ân sủng.

          Vậy lần tới khi bị cám dỗ xét đoán người khác, bạn hãy đến thẳng với Chúa Giê-su và lắng nghe Người nói với bạn điều gì về chính bạn.  Người sẽ cho thấy một lãnh vực u tối nào đó trong tâm hồn bạn?  Tốt!  Bởi vì giờ đây bạn có thể chạy vào trong ánh sáng của Người và được ôm ấp trong đức từ bi của Người.  Lòng từ bi ấy không những đủ mạnh mẽ để chữa lành bạn, mà còn làm cho trái tim bạn mềm mại để đối xử với người khác nữa.  Vậy bạn hãy đến với Người và để cho những tư tưởng xét đoán của bạn qua đi!

 

          “Lạy Chúa, xin giúp con nhìn mọi người với lòng từ ái và tình yêu của Chúa.  Xin cho con luôn sẵn sàng nhận biết sự yếu đuối của mình và đến lãnh nhận lòng thương xót của Chúa”.