Chúa Nhật tuần II mùa Vọng

Suy niệm Mác-cô 1:1-8

 

Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.  (Mác-cô 1:8)

 

          Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho mọi sự thay đổi.  Ông Gio-an đã rao giảng một phép rửa sám hối tội lỗi, nhưng ông cũng hứa rằng một Đấng “quyền thế hơn tôi” sẽ đến, Đấng sẽ làm cho chúng ta được tràn đầy Thánh Thần (Mác-cô 1:8).  Vậy sự thay đổi đó thế nào?

          Phép rửa của ông Gio-an chú trọng đến quá khứ và việc tha thứ tội lỗi đã phạm.  Ông muốn dân chúng hãy bỏ lại sau lưng quá khứ của họ.  Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần lại chú trọng tới tương lai.  Người đến để uốn nắn chúng ta và dẫn chúng ta vào Nước Trời.

          Phép rửa của ông Gio-an nhắm một mục tiêu:  để chúng ta được tha thứ.  Còn Chúa Thánh Thần có nhiều mục tiêu khác nữa.  Người mặc khải cho chúng ta biết tình yêu Thiên Chúa yêu thương chúng ta.  Người giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh.  Người dạy chúng ta sống như anh chị em.  Người gắn bó Giáo Hội lại với nhau và thúc giục chúng ta làm việc cho Nước Thiên Chúa.  Còn rất nhiều điều khác nữa.

          Khi được rửa tội trong Chúa Ki-tô, chúng ta được cả hai ân phúc. Tội lỗi chúng ta được thanh tẩy, đồng thời chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần.  Chúa Giê-su không muốn để chúng ta mất mát bất cứ điều gì!  Tất cả được gói ghém trong một ân huệ mà chúng ta gọi là “hạt giống đức tin”.  Nếu chúng ta muốn thấy những phúc lành này triển nở trong đời sống, chúng ta cần phải chăm sóc và nuôi dưỡng hạt giống này.

          Một so sánh đơn giản có thể giúp ích.  Lý do chính khiến hầu hết chúng ta áp dụng chế độ ăn kiêng là để giảm cân, nhưng có thật nhiều lợi ích khi chúng ta thay đổi thói quen ăn uống.  Phải, sức nặng giảm xuống.  Độ cao mỡ cũng tốt đẹp.  Hệ thống miễn nhiễm được củng cố.  Chúng ta cảm thấy năng động hơn và giấc ngủ tốt hơn.  Tuy chúng ta chỉ muốn giảm cân, nhưng toàn bộ đời sống chúng ta lại được thay đổi.

          Đó là điều xảy ra khi chúng ta chăm sóc hạt giống đức tin.  Không những chúng ta cảm nghiệm được sự tha thứ của Thiên Chúa, mà còn xin Chúa Thánh Thần đến hoạt động trong mọi lãnh vực khác của cuộc sống chúng ta.  Chúng ta cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa.  Chúng ta thêm lòng yêu thương hơn.  Chúng ta muốn đến với những người đang bị thương tổn.  Chúng ta tìm được sức mạnh để từ chối cám dỗ.  Tóm lại, chúng ta trở nên một tạo vật mới.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, con cám ơn Chúa đã ban cho con hồng ân Chúa Thánh Thần!  Lạy Chúa, xin giúp con làm cho đức tin được phát triển”.