Thứ Bảy tuần 28 Thường niên

Suy niệm Lu-ca 12:8-12

 

Ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.  (Lu-ca 12:12)

 

          Đây có thể là một lời hứa tin tưởng khó chấp nhận.  Quả thực chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa.  Dường như rõ ràng Chúa Thánh Thần có thể ban cho chúng ta những điều phải nói trong những tình huống khó khăn.  Nhưng tin tưởng Thiên Chúa “ngay trong giờ đó” khiến chúng ta nghĩ là không cần phải chuẩn bị trước khi nói.  Tuy nhiên có ai lại muốn bước vào một tình huống mà không chuẩn bị gì cả?

          Chúng ta hãy xét xem, hầu hết chúng ta “chuẩn bị” bằng những lo lắng.  Thậm chí chúng ta còn quá khéo léo lo lắng nữa.  Xoay sở vượt ra khỏi những tình huống xấu không đòi hỏi quá nhiều.  Nhưng thay vì giúp chúng ta sẵn sàng đối phó với những gì có thể xảy ra, thì sự chuẩn này lại trói buộc chúng ta trong sự sợ hãi làm chúng ta tê liệt.

          Chúa Giê-su nói giản dị và nói thẳng với những sợ hãi này:  “Đừng lo… phải nói gì” (Lu-ca 12:11).  Lúc cần, Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho bạn và sử dụng lời lẽ của bạn để tạo sự thay đổi.

          Nếu bạn đang khó tưởng tượng được việc này sẽ xảy ra thế nào, bạn hãy dành một phút để suy nghĩ về những kinh nghiệm trong quá khứ.  Có lẽ bạn đã cảm nhận được sự soi sáng của Chúa Thánh Thần ngay cả khi bạn không ý thức được sự soi sáng ấy.

          Thí dụ, bạn biết mình cần phải đến với một người bạn đang gặp khó khăn, nhưng bạn không có đủ khôn ngoan để chia sẻ với họ.  Bạn có gọi điện thoại và mặc dù bạn không nghĩ mình đã nói điều gì đặc biệt, nhưng người bạn ấy bảo bạn rằng việc bạn gọi điện thoại cho họ đã là điều rất an ủi rồi.

          Hoặc một người bạn cùng sở hỏi tại sao bạn đọc kinh trước khi ăn trưa.  Bạn ngần ngại, nhưng trả lời một cách đơn sơ, nên câu trả lời ấy đã mở ra một cơ hội để tâm sự về đức tin.

          Hoặc bạn bị cám dỗ phản ứng cách giận dữ với một đứa con hư, nhưng bạn đã bình tĩnh và cầu nguyện.  Bạn nhìn con mình dưới một thứ ánh sáng mới, và điều ấy giúp bạn hiểu phải làm thế nào để giúp đỡ nó.

          Tất cả những thí dụ trên đều là những dấu hiệu của Chúa Thánh Thần đang thực hiện những điều Chúa Giê-su đã hứa.  Vậy lần tới khi bạn bắt đầu thấy mình lo lắng không biết phải nói gì hoặc làm thế nào đối phó với một khó khăn, bạn hãy nhớ lại những dấu hiệu của Chúa Thánh Thần!  Hãy tin Chúa Giê-su trung thành trong lời hứa.  Người đã thực hiện điều ấy trong quá khứ và Người sẽ không ngừng thực hiện trong lúc này.  Càng nhận ra Chúa Thánh Thần thúc giục bạn nói, rồi bạn đã nói, thì lần tới bạn sẽ càng dễ nói hơn.

 

          “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và ban cho con những lời Chúa muốn nói”.