Thứ Tư tuần VII Phục Sinh

Suy niệm Công Vụ Tông Đồ 20:28-38

 

Cho thì có phúc hơn là nhận.  (Công Vụ Tông Đồ 20:35)

 

          Thực là giây phút êm đềm!  Đó là cuộc chia tay cuối cùng với Phao-lô, vị tông đồ không những thành lập giáo hội Ê-phê-xô mà còn sống với họ ba năm trời.  Trong thời gian ấy, Chúa đã thực hiện những phép lạ lớn lao qua ngài và Tin Mừng tiếp tục “lan tràn và thêm vững mạnh” (Công Vụ Tông Đồ 19:20).

          Nhưng các kỳ mục tại Ê-phê-xô đã không thốt lên lời thán phục trước thành công của thánh Phao-lô.  Trái lại họ đã chảy nước mắt dấu yêu đối với người anh em.  Còn thánh Phao-lô thì quan tâm không phải về việc tiếp tục sứ vụ, nhưng về sự sống còn của đoàn chiên quý giá Chúa đã ký thác cho mình, nhất là “những người đau yếu” ở giữa họ (Công Vụ Tông Đồ 20:35).

          Giáo hội Ê-phê-xô tự hào có những vị lãnh đạo lớn như A-pô-lô, những người sáng giá mau hiểu được ý nghĩa sứ điệp thánh Phao-lô rao giảng.  Phao-lô đã thực sự vui mừng khi dạy dỗ những anh chị em tân tòng đầy nhiệt tâm ấy.  Tuy nhiên ngài không đả động gì đến khía cạnh này thuộc tác vụ của ngài.  Dường như ngài quan tâm hơn đến những người đứng phía bên kia viễn tượng sứ vụ.  Tâm hồn ngài gắn bó với những người khiêm nhường và bé nhỏ, những người đang sống tương quan mật thiết với Chúa.

          Mọi cộng đoàn, mọi đoàn thể , mọi gia đình nới rộng đều có những “phần tử yếu kém”.  Qua tất cả những bao gồm về di truyền, giáo dục, tội lỗi và cả đến những khó khăn trong cuộc sống, không phải ai cũng có thể tự lo cho mình được một cách xứng hợp.  Nhưng thánh Phao-lô đã đặc biệt nhắc đến họ.  Ngài hiểu được những lời Chúa Giê-su, là những ai được nhiều hơn thì phải chăm lo cho những người thiếu thốn.

          Triết lý ấy đi ngược lại bản chất con người.  Những ai di chuyển nhanh hơn đều thấy bực bội vì phải chậm lại để chờ những kẻ lẽo đẽo theo sau.  Thật khó cho người đầu óc lanh lẹ cứ phải giải thích tới giải thích lui cho người chậm hiểu.  Thay vì cảm thông với hoàn cảnh của người khác, chúng ta lại muốn họ phải cảm thông cho mình.  Đây không phải là đường lối của thánh Phao-lô, và chắc chắn cũng chẳng phải đường lối của Chúa Giê-su!  Vậy chúng ta hãy đáp lời Tin Mừng kêu gọi, mà yêu thương như Cha chúng ta yêu thương.  Chúng ta hãy quyết tâm nới rộng tới mọi người lòng thương xót của Chúa, lòng thương xót dành cho kẻ mạnh cũng như người yếu.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin đổ ân sủng Chúa xuống trên những anh chị em nghèo khổ thiếu thốn.  Xin cho lời kêu cứu của họ đâm thấu trái tim con.  Xin Chúa cho con thấy làm sao con sẽ là cánh tay của Chúa để giúp họ được can đảm và vực họ đứng dậy”.