Thứ Bảy tuần 12 Thường niên

Suy niệm Mát-thêu 16:13-19

Lễ kính thánh Phê-rô và thánh Phao-lô

 

Cùng nhau ta hãy cảm tạ danh Ngài.  (Thánh Vịnh 34:4)

 

          Có khi nào bạn lấy làm lạ tại sao hai vị thánh này lại được mừng kính trong cùng một ngày lễ không?  Mặc dù là những cột trụ của Giáo Hội sơ khai, Phê-rô và Phao-lô đã luôn luôn khác biệt nhau. Chúng ta nghĩ tới một Phê-rô với chìa khóa Nước Trời trong tay, thi hành quyền bính Chúa Giê-su trao cho ngài khi ngài dẫn dắt những người Do-thái trở lại Ki-tô giáo.  Rồi chúng ta tưởng tượng thánh Phao-lô đang vung lưỡi gươm của thần khí khi ngài giảng dạy lời Chúa trong thế giới và giúp cho người dân ngoại trở lại đạo.  Hơn nữa chúng ta còn mừng lễ thánh Phao-lô trở lại vào tháng Giêng và lễ kính ngai tòa thánh Phê-rô vào tháng Hai.  Vậy tại sao còn có lễ hôm nay nữa?

          Thực ra lễ trọng này đã được cử hành trong Giáo Hội ngay từ thế kỷ 3.  Bạn hãy nhớ là cả thánh Phê-rô lẫn thánh Phao-lô đều chịu tử vì đạo tại Rô-ma.  Bạn cũng hãy nhớ là cả hai vị đã là thánh bảo trợ đặc biệt của thành Rô-ma, là cột trụ của Giáo Hội sơ khai để từ đó Tin Mừng lan đi khắp thế giới.  Rồi trong một cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Rô-ma là Valeriô vào năm 258, hài cốt của cả hai vị đã được tạm thời chuyển đi nơi khác để tránh khỏi bị làm ô nhục, truyền thống cho biết đó là ngày 29 tháng 6.

          Bạn thử tưởng tượng xem Giáo Hội sẽ ra sao nếu không có thánh Phê-rô?  Và nếu không có thánh Phao-lô?  Rõ ràng Thiên Chúa đã sử dụng cả hai vị, với tài năng khác nhau, để ban cho chúng ta một bức tranh đầy đủ về sứ điệp Tin Mừng.  Chẳng phải là nức lòng hay sao khi chúng ta biết rằng không chỉ có một vị anh hùng trong Giáo Hội?  Nhưng có hơn một người, và thực ra có rất nhiều người, để mà biến đổi thế giới này.  Thiên Chúa sử dụng hết mọi người, mỗi người một cách.  Người muốn tất cả chúng ta đều là những anh hùng liệt nữ nhân danh Người!

          Vậy khi mừng kính hai vị thánh này, chúng ta hãy nhớ rằng sự thánh thiện không có nghĩa là phải giống như một người thánh thiện nào đó.  Nhưng sự thánh thiện nghĩa là đem cống hiến tất cả tài năng, ưu điểm và cả nhược điểm của chúng ta cho Nước Thiên Chúa.  Sự thánh thiện có nghĩa là trở nên những anh hùng như mục đích của chúng ta khi chào đời.  Sự thánh thiện có nghĩa là nhận ra rằng Giáo Hội sẽ nghèo nàn biết bao nếu không có chứng từ, lời cầu nguyện và việc phục vụ của chúng ta.

 

          “Lạy Cha, con thật vui mừng vì Cha sử dụng đủ mọi hạng người để xây dựng vương quốc Cha!  Không có mẫu mã cho sự thánh thiện ngoại trừ việc con yêu mến Chúa và theo Chúa suốt cuộc đời con!”