Thứ Ba tuần III mùa Chay

Suy niệm Mát-thêu 18:21-35

 

Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.  (Mát-thêu 18:22)

 

          Kể dụ ngôn là cách giảng dạy hữu hiệu nhất của Chúa Giê-su.  Là một người kể chuyện đại tài, Chúa đã có thể lôi cuốn sự thích thú của người nghe và đem họ vào trong khung cảnh của câu chuyện.  Nhưng Chúa Giê-su không chỉ kể những câu chuyện lý thú mà thôi, Người còn sử dụng chúng để mặc khải về tình yêu Thiên Chúa và những giá trị của vương quốc Người.

          Để rút ra một bài học mạnh mẽ khi người ta về nhà, Chúa Giê-su thường dùng lối nói phóng đại, một kiểu nói thông dụng của văn hóa Sê-mít, hoặc cách tương phản như khôn ngoan ngược với khờ dại, quảng đại với hà tiện.  Chắc chắn không có thí dụ nào rõ ràng hơn về sự phóng đại như trong bài Tin Mừng nói về tên đầy tớ không biết tha thứ.  Một người được tha bổng món nợ kếch xù, tương đương với tiền công của 150 ngàn năm làm việc, lại không chịu xóa nợ cho kẻ nợ hắn món nợ chỉ tương đương với tiền công một trăm ngày làm việc, tức mới chỉ bằng một phần hai mươi ngàn của một phần trăm món nợ của hắn.  Dù tên đầy tớ biết rõ chính hắn cần đến lòng thương xót, nhưng hắn vẫn không chịu để cho lòng thương xót làm cho trái tim hắn mềm lại.  Hậu quả dành cho hắn quả là thảm hại!

          Cái kết tang thương của câu chuyện này thách thức chúng ta hãy tha thứ cho người khác như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.  Câu chuyện cũng nhấn mạnh đến điều Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ trong Bài giảng trên núi:  “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em.  Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mát-thêu 6:14-15).  Nếu chúng ta không hết sức cố gắng có lòng thương xót, cảm thông và tha thứ, chúng ta sẽ thấy khó mà cầu nguyện hoặc cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Chúa trong đời sống chúng ta.

          Mùa Chay cho chúng ta thời gian đặc biệt để ý thức nhu cầu cần đến lòng thương xót và hãy để cho lòng Chúa thương xót làm mềm mại trái tim chúng ta và ảnh hưởng trên cách thức chúng ta đối xử với người khác trong cuộc sống.  Chúa không muốn chúng ta giữ thù hận hoặc đối xử không tốt với kẻ “mắc nợ” chúng ta.  Người không muốn thấy tâm hồn chúng ta bị u ám do sự chua cay hoặc thù hận.  Trái lại, Người muốn bình an của Người chủ trị chúng ta và qua chúng ta đến với mọi người chung quanh.  Vậy bạn chẳng muốn điều ấy sao?

 

          “Lạy Chúa Giê-su, con cám ơn Chúa vì bao lần Chúa đã tha thứ tội lỗi con.  Xin Chúa giải thoát con khỏi mọi chai đá tâm hồn khi con đối xử với người khác, và xin lấy lòng nhân từ khôn lường của Chúa mà dạy con biết sống lòng thương xót”.