Thứ Hai tuần 11 Thường niên

Suy niệm Mát-thêu 5:38-42

 

Đừng chống cự người ác.  (Mát-thêu 5:39)

 

          Chúng ta đã nghe câu tục ngữ “Ác giả ác báo”, hoặc “Hình phạt phải cân xứng với tội ác”.  Nhưng bạn hãy so sánh những lời này với bài Tin Mừng hôm nay thì thấy chúng cũng tương tự như luật trả thù ngày xưa:  mắt đền mắt, răng đền răng.  Chúng ngầm hiểu rằng sự công bằng được thể hiện khi những kẻ làm điều ác lãnh nhận lại những gì họ đã gây ra cho người khác.

          Là một tư tưởng trừu tượng, điều này xem ra hoàn toàn có lý phải không?  Không có gì là nhắm vào cá nhân cả, bạn chỉ muốn cố gắng đối xử công bằng và duy trì trật tự thôi.

          Nhưng hầu hết những việc ác lại là cá nhân.  Đó không còn phải là một “biến cố” ở ngoài kia.  Mà là chính bạn đang lãnh nhận một bất công, rồi bạn bị tổn thương và phải thất vọng.  Nhất là khi bạn phải chịu một sự xúc phạm trầm trọng thì khó mà giữ được bình tĩnh và nén được cảm xúc.  Một điều gì đó nơi bạn muốn được sòng phẳng.  Và thế là cái vòng trả thù cứ tiếp tục, cái vòng chúng ta gặp thấy không chỉ trong thế giới mà ngay trong đời sống gia đình nữa.

          Vậy chúng ta phải làm gì để phá được cái vòng trả thù lẩn quẩn này?  Mặc dù những lời Chúa Giê-su dạy đừng chống cự người ác là cách nói phóng đại, nhưng chúng vẫn khiến chúng ta phải tự hỏi:  “Tôi nên đi tới mức độ nào đây?”  Chúa Giê-su muốn việc tỏ lòng thương xót là một dấu chỉ của những kẻ thuộc dân Người.  Người muốn chúng ta phải cố gắng dẹp bỏ ghen ghét, thù hận và thù nghịch, đơn thuần bằng cách thay đổi tâm hồn.

          Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta cứ nhũn như con chi chi và để cho người khác lạm dụng chúng ta.  Điều này cũng không có nghĩa là chúng ta không cần có những thẩm phán và những nhân viên hành sự pháp luật.  Nhưng xét cho cùng, một hệ thống xã hội hoặc chính trị cũng không thể mang lại một thứ chữa lành mà chỉ có một con người mới có thể làm được.  Như Đức Phanxicô hằng nhắc nhở chúng ta, chúng ta cần gặp gỡ nhau để cảm nghiệm được sức mạnh lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa.

          Đâu là bước giản dị bạn có thể bắt đầu để dẹp bỏ được cái vòng thương tổn và trả thù?  Có lẽ bạn chỉ cần một hành vi nhỏ mọn của lòng quảng đại hoặc một lời đơn sơ “Tôi tha thứ cho anh/chị”, cho dù lúc ấy bạn không cảm nhận được tất cả lòng thương xót là gì.  Bước giản dị ấy không dễ, nhưng nó có tiềm năng mở ra trái tim của một người để đón nhận ơn sủng và sự tha thứ của Chúa.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con có lòng thương xót đối với người khác như Chúa đã thương xót con”.