Thứ Tư tuần I mùa Vọng

Suy niệm Mát-thêu 15:29-37

 

Người cầm lấy bảy cái bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông.  (Mát-thêu 15:36)

 

          Ruth Stull là phụ nữ có một lý tưởng về những người bản địa Peru.  Sinh sống tại Ohio, Ruth đã rời đó đến Peru để chia sẻ Tin Mừng với dân chúng tại đây.  Đấy không phải là một ơn gọi dễ dàng, nên có nhiều lần bà đã cảm thấy mình như bị bẻ ra tựa tấm bánh Chúa Giê-su cầm trong tay trong bài Tin Mừng hôm nay.  Nhưng Ruth đã nhận ra một niềm hy vọng và an ủi lớn lao trong câu chuyện này, chứ không phải là một dịp để lo lắng về bản thân.  Đã có lần bà nói:  “Cuộc đời tôi có bị bẻ ra để dâng cho Chúa Giê-su, thì chính là vì những miếng bánh nhỏ kia đã nuôi sống cả đám đông dân chúng, còn chiếc bánh để nguyên thì chỉ làm no bụng một mình đứa bé mà thôi”.

          Quả là một viễn tượng tuyệt vời!  Dĩ nhiên rất ít người trong chúng ta được gọi đi chia sẻ Tin Mừng nơi rừng già Peru, nhưng tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được thế nào là bị gian nan thử thách, giống như bị bẻ thành trăm mảnh, đang khi chúng ta thi hành thánh ý Chúa.  Bậc cha mẹ thì cảm thấy như vậy khi họ hy sinh tất cả cho con cái.  Linh mục cũng cảm nghiệm không khác khi phục vụ anh chị em giáo dân trong xứ đạo.  Ai ai đều cảm nghiệm tình trạng ấy trước những đòi hỏi của cuộc sống thường ngày!  Chúng ta biết mình có thể làm cho rất nhiều người cảm động nếu chúng ta để cho mình “được bẻ ra và chia sẻ” thay vì cứ yên ổn nấp trong cái lâu đài của mình.

          Tất cả chúng ta đều phải đối phó với những tình huống khiến mình cảm thấy mỏng giòn hoặc không chắc chắn, làm như liệu có đủ chỗ cho chúng ta xoay sở hay không.  Nhưng đây là phép lạ và nghịch lý.  Nếu chúng ta có thể phó mình trong tay Chúa Giê-su đang khi tiếp tục tiến tới, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh và an ủi nơi Người, rồi kết quả là chúng ta sẽ sinh được nhiều hoa trái hơn cả chúng ta tưởng.

          Có thể chúng ta nghĩ rằng mình chỉ có thể giúp đỡ người khác khi nào mình mạnh mẽ và có khả năng.  Rồi thực ra chúng ta cũng cần phải lo lắng cho mình để đừng bị kiệt quệ hoặc mất tinh thần.  Nhưng đã biết bao lần, chính khi chúng ta cảm thấy mình yếu đuối lại là lúc Chúa hoạt động mạnh mẽ nhất qua chúng ta.

          Bà Ruth Stull đã học “vui vẻ tự hào” về những yếu đuối của bà (2 Cô-rin-tô 12:9).  Chúng ta cũng vậy.

          Hôm nay, bạn hãy tiếp tục lập lại những lời đơn sơ này:  “Khi tôi cảm thấy yếu đuối thì Chúa Giê-su sẽ mạnh mẽ ở trong tôi”.  Đó không phải là một nghịch lý.  Nhưng đó là một khẳng định giản dị về lòng tin vào ân sủng và sức mạnh của Thiên Chúa.

 

          “Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để con hăng say làm việc, bình an để con chu toàn các bổn phận và lòng ao ước để quảng đại hiến thân vì tha nhân”.