Chúa Nhật tuần V Phục Sinh

Suy niệm Gio-an 13:31-35

 

Anh em hãy yêu thương nhau.  (Gio-an:34)

 

          Nếu như bạn chỉ còn sống được một ngày nữa thôi, bạn sẽ nói gì?  Những lời sau hết một người hấp hối nói với chúng ta là điều họ quan tâm nhất và là điều quan trọng nhất đối với họ.  Khi Chúa Giê-su dạy các môn đệ hãy yêu thương nhau, thì Người biết mình chẳng còn bao nhiêu thời gian còn lại.  Cho nên “điều răn mới” này phải là điều quan trọng nhất đối với Chúa (Gio-an 13:34).

          Chúa Giê-su có biết các tông đồ là những kẻ tội lỗi không?  Người có biết họ hết thảy đều có những yếu đuối không?  Dĩ nhiên Người biết chứ!  Tuy nhiên Người truyền cho họ và cả chúng ta nữa, hãy thi hành một điều mà tội lỗi, sự yếu đuối và tính ích kỷ khó mà thi hành nổi, đó là hãy yêu thương nhau.  Tại sao điều này lại quan trọng đối với Chúa Giê-su như thế?  Bởi vì điều Người quan tâm là người khác mới quan trọng nhất.  Chúng ta đừng giữ lại tình yêu hoặc chỉ yêu thương người nào chúng ta thích.  Nếu Chúa Giê-su chỉ yêu thương những người nào suy nghĩ giống như Người thôi, thì những người như Phê-rô, Ma-ri-a Mác-đa-la, Gio-an và Gia-cô-bê đều bị loại bỏ hết.

          Chúng ta cũng đừng để cho những sai lỗi do người khác xúc phạm đến chúng ta khiến chúng ta không còn muốn yêu thương người khác nữa.  Giả như Chúa Giê-su giữ lại tất cả những gì người ta đã làm cho Chúa, thì Chúa sẽ thấy chẳng còn lý do gì để Người phải hy sinh thân mình trên thập giá nữa.  Nhưng Người đã gạt đi mọi ý muốn trả thù và đã chọn sống trong yêu thương, tình yêu sâu đậm nhất và vĩ đại nhất chúng ta chẳng bao giờ biết được.

          Tình yêu sẽ thay đổi mọi sự và Chúa Giê-su biết rõ như vậy.  Người biết rằng mọi tội lỗi trên thế giới và mọi chia rẽ đều từ tội lỗi mà ra, bởi vì tình yêu đã không được đặt đúng chỗ hoặc đã mất.  Vì thế, Chúa Giê-su mới xin chúng ta hãy yêu thương để có thể chiến thắng tội lỗi.

          Không ở đâu lời kêu gọi yêu thương lại sống động hơn là ở ngay trong gia đình chúng ta.  Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói:  “Không có gia đình, cuộc sống càng trống rỗng”.  Vậy hôm nay, bạn hãy quyết định làm một sự thay đổi trong gia đình bằng cách biểu lộ tình yêu của bạn.  Đừng để cho những bất đồng lấn át mọi sự.  Hãy cố gắng đem mọi người trong nhà trở lại với nhau.  Chỉ cần biểu lộ được tình yêu và lòng ưu ái ở trong gia đình là chúng ta thấy những khó khăn sẽ tan biến đi!

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa đưa con trở lại với tình yêu thương!”

 

 

 

 

 


Thứ Hai tuần V Phục Sinh                                                    Suy niệm Mác-cô 16:15-20

Lễ thánh Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng

 

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.  (Mác-cô 16:15)

 

          Thật là một bức tranh đẹp!  Chúa Phục sinh khải hoàn trong chiến thắng, truyền lệnh cho các môn đệ hãy đi rao giảng tận các miền xa xôi.  Và đó cũng là điều họ đã thi hành.  Họ đi đến những vùng thế giới quen thuộc, rao giảng Tin Mừng.

          Hết thảy những điều ấy đều rất quan trọng phải không? Trái lại, cuộc sống chúng ta dường như lại quá bình thường.  Nhưng đó không phải là cách Chúa nhìn chúng ta.  Bạn hãy nhớ là không phải tất cả các môn đệ Chúa đều viết sách Tin Mừng hoặc đi khắp thế giới hay thiết lập các cộng đoàn đâu.  Họ có cùng một mẫu số chung:  bước theo Chúa đang khi Chúa Thánh Thần dẫn dắt họ.  Vậy mặc dủ sứ mệnh đầy mạo hiểm xem ra ở ngoài tầm tay của bạn, nhưng thực ra không phải thế.  Bạn cứ thử trung thành với vai trò Chúa trao cho bạn đi, rồi bạn sẽ thấy vô cùng phấn khởi.

          Mỗi người chúng ta đều có thể rao giảng Tin Mừng hằng ngày theo những cách nhỏ bé, cho đám người ít oi.  Mọi hành vi ưu ái đều có thể mang đến bàn tay của Thiên Chúa.  Mọi lời nói khích lệ đều có thể mang đến hơi thở của Thánh Thần.  Mọi quyết định tha thứ dù là cho những xúc phạm nhỏ bé nhất đều có thể đem lòng thương xót của Chúa đến môi trường bạn đang sống.g

          Vậy bạn đừng coi thường những nghĩa cử này!  Chúng có thể không phải làm những hành vi anh hùng như các tông đồ đã làm, nhưng bất chấp chúng tầm thường thế nào, thì “tứ phương thiên hạ” mà Chúa Giê-su đã sai bạn tới đều cần chứng từ của bạn (Mác-cô 16:15).

          Hôm nay chúng ta mừng lễ thánh Mác-cô, thánh sử viết sách Tin Mừng.  Truyền thống cho chúng ta biết rằng ngài cũng chính là Gio-an Mác-cô, người đã bỏ Phao-lô và Ba-na-bê để trở về nhà sau một ít tháng giúp công việc truyền giáo (Công vụ Tông đồ 15:36-38).  Nếu chúng ta chỉ mong đợi một vị anh hùng, thì đúng là Mác-cô đã thất bại ở thời điểm này rồi.  Nhưng ngài đâu có kết thúc như vậy.  Sau khi đã sống yên ổn tại Rô-ma, ngài trở thành một môn đệ của thánh Phê-rô và đã viết sách Tin Mừng đầu tiên.  Lúc ấy chẳng ai biết được tài liệu này quan trọng đến mức nào.  Thậm chí khi ấy chẳng ai hiểu một cuốn “Tin Mừng” là gì nữa!  Nhưng ngồi thoải mái tại bàn viết, cây bút trong tay, Mác-cô đã gây một ảnh hưởng trên Giáo Hội còn hơn cả khi ngài tiếp tục hành trình truyền giáo.  Cho nên bạn đừng hạ thấp khả năng của mình, dù có nhiều lần bạn bỏ cuộc giống như thánh Mác-cô vậy.  Cứ trở lại, cứ trung thành.  Bạn có thể tạo nên những khác biệt!

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con làm mọi hành vi ‘bé nhỏ’ trong tình yêu và nhân danh Chúa.  Lạy Chúa, con tin Chúa sẽ sử dụng chúng để làm vinh danh Chúa”.

 

 

 

 


Thứ Ba tuần V Phục Sinh                                            Suy niệm Gio-an 14:27-31

 

Anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi.  (Gio-an 14:27)

 

          Các môn đệ đã có quá đủ lý do để sợ hãi.  Chúa Giê-su bảo họ rằng Người sắp rời họ và “thủ lãnh thế gian” đang tới (Gio-an 14:30).  Tuy nhiên đang khi các môn đệ sợ hãi thì Chúa Giê-su lại vui mừng.  Người biết sự ra đi của Người sẽ đem lại bình an cho họ.  Ngự bên hữu Chúa Cha, Chúa Giê-su có thể đổ tràn Thánh Thần Người xuống tâm hồn họ, rồi Thánh Thần ấy sẽ tỏ cho họ biết tình yêu của Thiên Chúa qua những cách thức mới mẻ hơn và sâu xa hơn.  Như vậy tâm hồn bối rối của họ sẽ được nghỉ ngơi.

          Vậy làm sao chúng ta biết được tình yêu Thiên Chúa theo cách giống như vậy?  Làm sao chúng ta có thể được thứ bình an Chúa Giê-su đã hứa ban cho các môn đệ?  Chìa khóa nằm ở trong việc cầu nguyện năng động.  Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy chúng ta rằng cầu nguyện cần phải sử dụng “tư tưởng, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn” (GLHTCG, số 2708).  Tận dụng những khả năng Chúa ban theo cách này có thể đem lại những chân lý đức tin cho đời sống và dẫn chúng ta đi sâu hơn vào trong trái tim Thiên Chúa.  Cầu nguyện sẽ hữu hiệu khi chúng ta xin Chúa Thánh Thần đưa trí tưởng tượng tự nhiên của chúng ta lên và ban cho chúng ta những soi sáng thiêng liêng.

          Thánh I-nhã Loyôla thường dựa vào trí tưởng tượng khi ngài cầu nguyện.  Với một cuốn Kinh Thánh trước mặt, ngài sẽ hình dung ra khung cảnh và thời gian của bất cứ câu chuyện nào trong Tin Mừng, rồi tưởng tượng như mình đang hiện diện trong khung cảnh ấy.  Đang khi tưởng tượng, ngài sẽ chú tâm đến những chi tiết và hỏi Chúa Giê-su những câu hỏi về những gì đang diễn tiến.  Đặc biệt thánh I-nhã thích tưởng tượng mình đang ở trong Bữa Tiệc Ly, ở trên núi Tám Mối phúc, hoặc tại Canvariô khi ngài ngắm nhìn Chúa Giê-su đang hy sinh mạng sống mình vì chúng ta.

          Vậy bạn hãy thử xem.  Bạn hãy tưởng tượng mình đang ở tại một trong những cảnh thánh I-nhã ưa thích nhất, hoặc cảnh nào bạn thích nhất.  Chúa Giê-su đang nói gì, làm gì?  Gương mặt của Chúa biểu lộ thế nào?  Tiếng của Người nghe như thế nào?  Bây giờ bạn hãy tưởng tượng Chúa Giê-su đang nói với chính bạn khi khung cảnh ấy đã kết thúc.  Sứ điệp nào Người đã để lại cho bạn hôm nay?  Bạn có thể đáp lại lời Người sao cho tốt nhất?  Thật tuyệt vời khi bạn cảm nghiệm được bình an!  Chúa Giê-su có thể làm cho tâm hồn lo lắng của bạn được êm lắng, giống như Người đã làm cho các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly vậy!

 

          “Lạy Cha, con muốn biết Cha nhiều hơn nữa.  Xin Cha tỏ cho con biết uy phong, tình yêu và niềm vui của Cha.  Nhờ con được biết Cha, xin Cha phá tan mọi lo lắng và sợ hãi của con”.

 

 

 

 

 


Thứ Tư tuần V Phục Sinh                                                Suy niệm Gio-an 15:1-8

 

Cha Thầy là người trồng nho.  (Gio-an 15:1)

 

          Ở chương trước câu chuyện này, ông Phi-líp-phê đã xin Chúa Giê-su:  “Xin Thầy chỉ cho chúng con thấy Chúa Cha”, nên Chúa đã trả lời ông:  “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Gio-an 14:8,9).  Bây giờ là đến bài học bổ túc, trong đó Chúa Giê-su dạy chúng ta biết không những Chúa Cha là Đấng nào, mà còn dạy chúng ta biết Người muốn chúng ta làm điều gì nữa.

          Với chỉ một chút tưởng tượng, bạn có thể hình dung ra khung cảnh:  Sau khi ăn lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su và các môn đệ đã đi tới vườn Ghết-sê-ma-ni.  Khi các ngài đi qua một vườn nho, Chúa Giê-su đưa ngón tay vuốt ve những cành nho đầy lá và những chùm quả mịn màng.  Mắt Chúa ánh lên niềm cảm hứng, Người quay lại nhìn Phi-líp-phê và các môn đệ khác và diễn tả về Chúa Cha như sau:  “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (Gio-an 15:1). 

          Phi-líp-phê không phải là người duy nhất gặp khó khăn “thấy” Chúa Cha.  Mỗi người chúng ta cũng mong có được một mối tương quan sâu xa hơn với Người.  Chúng ta tưởng tượng rằng mình sẽ khám phá được một cuộc sống và bình an lớn lao hơn nếu chúng ta được nghỉ ngơi trong vòng tay êm ấm của Người.  Và điều ấy là thực, chúng ta có thể chứ!  Nhưng chúng ta thường cần được giúp đỡ để thấy Chúa.  Phải, chúng ta biết Chúa Giê-su và Chúa Cha là một.  Thậm chí ngay ở trần thế này, chúng ta vẫn có thể có được những người cha để chúng ta nhìn lên như gương mẫu cho mình.  Nhưng ngay cả những người cha tốt nhất cũng không hoàn toàn giống được Cha trên trời của chúng ta.  Cho nên chúng ta vẫn cảm thấy Chúa Cha ở xa hoặc chúng ta bằng lòng với cảm nghiệm hạn hẹp về Người.

          Bạn hãy nhớ đến người trồng nho!  Chúng ta quen với hình ảnh Chúa Giê-su hoạt động và hữu hình trong đời sống chúng ta.  Nhưng ở đây Chúa Cha cũng là Đấng hoạt động khi Người vun xới và chăm sóc một khu vườn.  Bạn cũng hãy nhớ khi Chúa Giê-su nói rằng Người và Chúa Cha là một, thì Người có ý nói chúng ta không thể tách rời các Ngài ra làm hai được.  Vậy khi Chúa Giê-su đến sống trong chúng ta, thì Chúa Cha cũng sống trong chúng ta!

          Do đó, mỗi khi bạn thấy Chúa Giê-su – trong Tin Mừng, trong cầu nguyện hoặc khi bạn chăm chú nhìn lên Chúa chịu đóng đinh thập giá – bạn hãy nhớ là bạn cũng đến mặt gặp mặt với Cha của bạn.  Là người trồng nho khôn ngoan, Cha bạn biết chính xác điều gì Người phải làm để giúp bạn phát triển và lớn lên.  Người sẽ tưới bạn bằng tình yêu chan chứa của Người.  Người sẽ tỉa đi nơi bạn những gì cần cắt tỉa.  Rồi Người sẽ giúp bạn sinh hoa trái phong phú nhất.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, hôm nay xin chỉ cho con thấy Chúa Cha một cách mới mẻ.  Con muốn ‘thấy’ Người yêu thương con biết chừng nào!”

 

 

 

 

 


Thứ Năm tuần V Phục Sinh                                      Suy niệm Công vụ Tông đồ 15:7-21

 

Tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa.  (Công vụ Tông đồ 15:19)

 

          Từ bao thế kỷ, dân Ít-ra-en đã được dạy rằng những người gốc dân ngoại là ô uế.  Chỉ cần bước vào nhà của một người dân ngoại cũng đủ làm cho người Do-thái trở nên ô uế và họ phải trải qua nhiều bước thanh tẩy mới có thể được sạch trở lại.

          Vậy bạn thử tưởng tượng các tông đồ hết sức ngạc nhiên khi họ ý thức rằng Chúa Thánh Thần cũng gọi những người dân ngoại vào trong Giáo Hội.  Bất ngờ lần đầu tiên trong lịch sử, Thiên Chúa đã bảo họ phải dẹp bỏ những truyền thống tránh tiếp xúc với người dân ngoại.  Đúng thế, Thiên Chúa dạy họ hãy đón nhận những tín hữu mới là những người “ô uế” và hãy gọi họ là anh chị em của mình trong Chúa Ki-tô.

          Điều ấy chắc chắn khiến các Ki-tô hữu phải rất vất vả mới thực hiện nổi và đó chính là một minh chứng cho quyền năng của Chúa Thánh Thần làm cho hai dân tộc kết hợp với nhau một cách rất hài hòa.

          Ngày nay, lý tưởng về một Giáo Hội phổ quát hình thành do các dân tộc khắp nơi trên thế giới cần phải được thành tựu.  Lại nữa, đôi khi người ta phàn nàn rằng người Công giáo có thể quá khép kín.  Có lẽ chúng ta đã một cách nào đó coi thường những Ki-tô hữu thuộc những truyền thống khác.  Có lẽ chúng ta tránh làm bạn với những người không phải là Ki-tô hữu.  Hoặc có thể chúng ta quá nhấn mạnh đến những điều phân cách chúng ta với những người khác trên thế giới, thay vì nhấn mạnh đến những điều hiệp nhất chúng ta lại.

          Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thực hiện những bước rất táo bạo nhằm giúp thắng vượt sự phân cách này.  Khi du hành, ngài thường có hai người đi theo:  một vị ráp-bi Do-thái và một người Hồi giáo, cả hai người này ngài đã quen biết khi còn sống ở Á-căn-đình.  Tình bạn này rất quan trọng đối với ngài vì nó giúp ngài giữ được tầm nhìn xa rộng và dễ đón nhận người khác.

          Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết tâm phát huy tình bạn với những người khác đạo – hoặc những người không có niềm tin nào hết – nên ngài khích lệ chúng ta hãy làm như vậy.  Hôm nay, bạn hãy xét xem mình có thể mở cuộc sống ra để đón nhận những người theo văn hóa hoặc truyền thống khác.  Bạn hãy đến với họ trong tình bạn, chứ đừng nhắm mục đích làm cho họ trở lại đạo.  Hãy trân trọng con người độc đáo Thiên Chúa đã tạo dựng và hãy để Chúa Thánh Thần kết nối các bạn lại với nhau trong tình yêu.

 

          Lạy Chúa, xin ban cho con ơn can đảm để mở lòng đón nhận những người không cùng một đức tin với con.  Xin Chúa giúp con bắt chước tình yêu Chúa yêu thương mọi người.  Lạy Chúa Giê-su, con muốn làm một người bạn của mọi người”.

 

 

 

 


Thứ Sáu tuần V Phục Sinh                                                    Suy niệm Gio-an 15:12-17

 

Chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại.  (Gio-an 15:16)

 

          To hay nhỏ?  Ăn trong tiệm hay đem theo?  Có muốn sữa và đường không?  Đó chỉ là một ít trong nhiều chọn lựa chúng ta thường làm.  Những chọn lựa ấy có vẻ rất là vô nghĩa trong một chương trình to lớn, nhưng chúng lại thực sự ảnh hưởng trên chúng ta.

          Hôm nay chúng ta hãy chú tâm đến một chọn lựa rất quan trọng mà Chúa Giê-su đã làm và chú tâm đến hiệu quả của chọn lựa ấy đối với chúng ta:  Người đã chọn chính bạn.

          Phải, Chúa Giê-su đã tuyển chọn bạn, đặc biệt là bạn.  Bạn “quý giá” và “được trân trọng” trước mặt Người (I-sai-a 43:4).  Bạn thuộc về Người như cô dâu thuộc về chàng rể hoặc anh chị em thuộc một gia đình sống gần gũi nhau.

          Tình yêu của Chúa Giê-su yêu thương bạn không cố định;  nhưng nó năng động!  Nó gợi hứng cho Chúa tạo dựng thế giới và ban thế giới cho bạn như một quà tặng.  Nó làm cho bạn hiện hữu và là động lực để Chúa Giê-su trở nên một con người vì phần rỗi của bạn.  Nó thúc giục Người sống giống như bạn trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi, Người đã chết đi và sống lại.  Người đã làm tất cả những điều ấy vì bạn.

          Vậy điều này nói cho bạn biết những gì về bạn?  Dĩ nhiên là rất nhiều!  Trước hết và quan trọng hơn cả, nó nói rằng bạn đã được ghi dấu bằng tình yêu Thiên Chúa.  Bạn đã được tràn đầy cùng một Thánh Thần, Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy từ kẻ chết.  Rồi nó cho thấy là bạn đã được tuyển chọn – chính tay Người tuyển chọn – do Thiên Chúa toàn năng, để bạn “ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái sẽ tồn tại” (Gio-an 15:16).

          Bạn thử nhìn chung quanh xem:  Chúa Giê-su đã đặt bạn ở giữa cánh đồng truyền giáo.  Bạn hãy nghĩ đến gia đình bạn.  Người muốn bạn mỗi ngày bày tỏ tình yêu của bạn đối với mọi người trong gia đình, trong lời nói, trong tư tưởng và trong hành động.  Bạn hãy nghĩ đến công ăn việc làm của bạn.  Chúa Giê-su đã đặt bạn ở đó, bất kể công việc hằng ngày của bạn quan trọng ở mức độ nào, để bạn có thể đem lại vinh quang cho Người.  Thế còn hàng xóm láng giềng của bạn, bạn bè và cả đến những người xa lạ thì sao?  Hãy cầu nguyện cho họ, và hãy phục vụ họ – rồi hãy vui mừng nhìn xem kết quả là hoa trái đến với họ.

          Chung quanh chúng ta có không biết bao nhiêu cơ hội để sinh hoa trái và hoa trái tồn tại vĩnh viễn.  Tại sao?  Vì chúng ta đã được tuyển chọn – chúng ta đã được Chúa tự tay chọn và sai đi rồi lại được ban sức mạnh – do chính Chúa Giê-su.

 

          “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã yêu thương con.  Xin Chúa giúp con bắt chước Chúa mà ra đi và sinh được hoa trái tồn tại vĩnh viễn”.

 

 

 

 


Thứ Bảy tuần V Phục Sinh                                       Suy niệm Công vụ Tông đồ 16:1-10

 

Ông Phao-lô đã đem ông ấy đi làm phép cắt bì.  (Công vụ Tông đồ 16:3)

 

          Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, chúng ta thấy thánh Phao-lô làm một quyết định hiếu kỳ.  Mặc dù trong các thư, ngài hăng hái viện chứng rằng các Ki-tô hữu gốc dân ngoại không cần phải chịu phép cắt bì, thế mà ngài lại quyết định đem Ti-mô-thê đi làm phép ấy.  Thánh sử Lu-ca bảo chúng ta rằng Phao-lô muốn người bạn trẻ đồng hành với ngài sẽ có cơ hội tốt nhất để được những người mà anh tiếp xúc lắng nghe và kính trọng anh.

          Vì cha của Ti-mô-thê là người Hy-lạp và mẹ là người Do-thái, nên căn cước của anh có thể bị người ta đặt vấn đề.  Anh thực sự là người dân ngoại hay là người Do-thái?  Điều này xem ra không có gì quan trọng đối với chúng ta, nhưng nếu Ti-mô-thê muốn đến với những người Do-thái, thì quả thực đó là một hy sinh lớn khi ra đi rao giảng Tin Mừng.  Cho nên quyết định này đúng là một nỗ lực “trở nên mọi sự vì mọi người” như lời Phao-lô nói (1 Cô-rin-tô 9:22).

          Chúng ta có thể gặp thấy một phương sách tương tự  nơi thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê, một trong số những cha dòng Tên tiên khởi.  Khi đến Nhật-bản để truyền giáo, ngài đã theo cùng một cách tiếp cận đã giúp ngài thành công ở Ấn-độ:  ngài ăn mặc như một người thuộc thành phần nghèo trong xã hội của họ.  Tuy nhiên dần dần ngài hiểu ra rằng cách tiếp cận này không giúp ích mấy tại miền đất mới Nhật-bản.  Cho nên ngài quyết định tỏ ra mình là một người học thức và văn hóa cao.  Như ngài đã học, đây là cách tốt nhất để ngài làm một vị sứ giả hết sức lôi cuốn và hữu hiệu trong văn hóa quốc gia ấy.

          Có thể chúng ta không phải đến với một văn hóa khác theo cách Phao-lô, Ti-mô-thê và Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã làm, nhưng chúng ta vẫn có thể là một chứng nhân hữu hiệu.  Đó có thể là khi chúng ta sửa đổi lại cách hành động hay ăn mặc, để thích hợp với những người chúng ta đang sống với họ.  Thí dụ, nếu bạn muốn giúp việc tại một kho chứa thực phẩm dành cho người nghèo, thì đừng đóng bộ com-lê sang trọng làm gì.  Hoặc nếu bạn đang giúp cho một đoàn thể giới trẻ trong giáo xứ, có lẽ bạn nên học biết một chút về âm nhạc người trẻ thích nghe.

          Chúng ta có thể dùng đầu óc mà tưởng tượng để tìm ra những cách thức mới tiếp cận với người khác, mặc dù chúng ta vẫn không quên lấy trái tim của mình để cầu xin Chúa ban ơn khôn ngoan.  “Điều gì sẽ giúp ích nhất khi tôi mở ra cánh cửa để chia sẻ câu chuyện của tôi với người này?”  “Có những trở ngại nào tôi có thể dễ dàng dẹp bỏ không?”  Từng bước nhỏ như thế sẽ có thể giúp bạn thực hiện mọi sự thay đổi!

 

          “Lạy Chúa, xin giúp con làm một chứng nhân hữu hiệu giữa những người chung quanh con”.