Thứ Ba tuần V Phục Sinh

Suy niệm Gio-an 14:27-31

 

Anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi.  (Gio-an 14:27)

 

          Các môn đệ đã có quá đủ lý do để sợ hãi.  Chúa Giê-su bảo họ rằng Người sắp rời họ và “thủ lãnh thế gian” đang tới (Gio-an 14:30).  Tuy nhiên đang khi các môn đệ sợ hãi thì Chúa Giê-su lại vui mừng.  Người biết sự ra đi của Người sẽ đem lại bình an cho họ.  Ngự bên hữu Chúa Cha, Chúa Giê-su có thể đổ tràn Thánh Thần Người xuống tâm hồn họ, rồi Thánh Thần ấy sẽ tỏ cho họ biết tình yêu của Thiên Chúa qua những cách thức mới mẻ hơn và sâu xa hơn.  Như vậy tâm hồn bối rối của họ sẽ được nghỉ ngơi.

          Vậy làm sao chúng ta biết được tình yêu Thiên Chúa theo cách giống như vậy?  Làm sao chúng ta có thể được thứ bình an Chúa Giê-su đã hứa ban cho các môn đệ?  Chìa khóa nằm ở trong việc cầu nguyện năng động.  Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy chúng ta rằng cầu nguyện cần phải sử dụng “tư tưởng, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn” (GLHTCG, số 2708).  Tận dụng những khả năng Chúa ban theo cách này có thể đem lại những chân lý đức tin cho đời sống và dẫn chúng ta đi sâu hơn vào trong trái tim Thiên Chúa.  Cầu nguyện sẽ hữu hiệu khi chúng ta xin Chúa Thánh Thần đưa trí tưởng tượng tự nhiên của chúng ta lên và ban cho chúng ta những soi sáng thiêng liêng.

          Thánh I-nhã Loyôla thường dựa vào trí tưởng tượng khi ngài cầu nguyện.  Với một cuốn Kinh Thánh trước mặt, ngài sẽ hình dung ra khung cảnh và thời gian của bất cứ câu chuyện nào trong Tin Mừng, rồi tưởng tượng như mình đang hiện diện trong khung cảnh ấy.  Đang khi tưởng tượng, ngài sẽ chú tâm đến những chi tiết và hỏi Chúa Giê-su những câu hỏi về những gì đang diễn tiến.  Đặc biệt thánh I-nhã thích tưởng tượng mình đang ở trong Bữa Tiệc Ly, ở trên núi Tám Mối phúc, hoặc tại Canvariô khi ngài ngắm nhìn Chúa Giê-su đang hy sinh mạng sống mình vì chúng ta.

          Vậy bạn hãy thử xem.  Bạn hãy tưởng tượng mình đang ở tại một trong những cảnh thánh I-nhã ưa thích nhất, hoặc cảnh nào bạn thích nhất.  Chúa Giê-su đang nói gì, làm gì?  Gương mặt của Chúa biểu lộ thế nào?  Tiếng của Người nghe như thế nào?  Bây giờ bạn hãy tưởng tượng Chúa Giê-su đang nói với chính bạn khi khung cảnh ấy đã kết thúc.  Sứ điệp nào Người đã để lại cho bạn hôm nay?  Bạn có thể đáp lại lời Người sao cho tốt nhất?  Thật tuyệt vời khi bạn cảm nghiệm được bình an!  Chúa Giê-su có thể làm cho tâm hồn lo lắng của bạn được êm lắng, giống như Người đã làm cho các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly vậy!

 

          “Lạy Cha, con muốn biết Cha nhiều hơn nữa.  Xin Cha tỏ cho con biết uy phong, tình yêu và niềm vui của Cha.  Nhờ con được biết Cha, xin Cha phá tan mọi lo lắng và sợ hãi của con”.