Thứ Tư tuần 27 Thường niên

Suy niệm Ga-lát 2:1-2.7-14

 

Khi ông Kê-pha đến An-ti-ô-khi-a, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt.  (Ga-lát 2:11)

 

          Chúng ta phải nghĩ sao về câu truyện này?  Ở đây thánh Phao-lô công khai cự lại thánh Phê-rô, vị đứng đầu các Tông đồ, về một điều Phao-lô coi như là gương xấu và giả hình.  Có phải ngài thiếu khôn ngoan và kính trọng đối với Phê-rô không?  Đây có phải là một thí dụ nữa nói lên tính khí nóng nảy của Phao-lô không?  Hay cách đối xử của ngài đã nảy sinh từ lòng yêu mến Chúa sâu xa và nhiệt thành dấn thân cho chân lý Tin Mừng?

          Một nhóm tín hữu người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem đã đến An-ti-ô-khi-a và đòi các Ki-tô hữu gốc Dân ngoại phải chịu cắt bì và buộc phải giữ lề luật Do-thái về vấn đề ăn uống.  Thậm chí Phê-rô cũng cảm thấy bị áp lực nên đã ngưng tiếp xúc với anh em Dân ngoại.   Nhưng Phao-lô đã thấy giáo huấn này đi ngược lại cốt lõi của Tin Mừng và cần phải được giải quyết cách mạnh mẽ.

          Dĩ nhiên chúng ta nên khâm phục Phao-lô về lòng can đảm và dấn thân không ngừng của ngài đối với Tin Mừng.  Tuy nhiên chúng ta cũng phải cẩn thận học hỏi từ những khuyết điểm và lỗi lầm của ngài.  Chân lý bất kể quan trọng thế nào cũng không thể đứng đơn độc như một cột trụ lẻ loi chống đỡ toàn thể tòa nhà Giáo Hội.  Không, nhưng chân lý phải liên kết với tình yêu.  Chúng phải được đặt cạnh nhau với tiếng gọi của tình đồng đạo và hiệp thông.  Chắc chắn Phao-lô có thể tìm thấy cách tốt hơn và kính trọng hơn để sửa lỗi Phê-rô.  Chắc chắn ông có thể tìm thấy cách thức làm sao bảo tồn được sứ điệp tin Mừng lẫn sự hiệp nhất giữa các Tông đồ!

          Cũng như Phê-rô và Phao-lô, chúng ta phải làm mọi sự có thể để cùng nhau hoạt động phục vụ chân lý và hiệp nhất.  Khi Phê-rô ứng phó với áp lực theo đường lối của ông, ông đã để lại cho tín hữu An-ti-ô-khi-a một cảm nghĩ không đúng về Ki-tô giáo.  Còn khi Phao-lô phản ứng quá đáng trước tình huống, ông đã đưa Giáo Hội đến gần thảm cảnh chia rẽ.  Chỉ sau khi họ nhìn lại toàn bộ vấn đề cùng với các Tông đồ khác – trong hành động hiệp nhất và tin tưởng – thì khi ấy mới có sự giải quyết bình an (Công Vụ Tồng Đồ 15:1-31).

          Cũng như Phê-rô và Phao-lô, chúng ta có thể tìm được con đường hiệp nhất trong các cộng đoàn và trong gia đình chúng ta.  Đó là phải khiêm tốn quyết tâm hỗ trợ nhau khi cùng làm việc với nhau để tôn kính những chân lý của Chúa.  Chúa có thể làm cho chúng ta hợp nhất nên một!

 

          “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa về chân lý Tin Mừng của Chúa.  Xin Chúa hãy kết thúc những chia rẽ giữa chúng con.  Xin hiệp nhất hết thảy chúng con trong tình yêu khi chúng con đang nỗ lực phụng sự Chúa trong chân lý”.