TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN  (Ngày 9 – 15 tháng 9 năm 2018)

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Giá trị thiêng liêng của trí tưởng tượng

Trí tưởng tượng thường bị tố cáo là đi ra ngoài thực tại.  Nhưng thực ra trí tưởng tượng là khả năng nhận biết được một thực tại khác đằng sau thực tại.  Trí tưởng tượng là chìa khóa để lèo lái, giải mã và vượt qua thực tại mắt thấy, để chúng ta có thể nhận biết thực tại vô hình.  Trí tưởng tượng không phải là sự điên rồ.  Albert Einstein xác nhận rằng “trí tưởng tưởng quan trọng hơn cả kiến thức”.  Khi một bà mẹ trẻ hỏi Einstein bà nên đọc gì cho đứa con để khi lớn lên nó có thể trở thành một tư tưởng gia danh tiếng như ông, ông trả lời:  “Chuyện thần tiên”.  Khi bà hỏi bà phải đọc cho nó nghe điều gì tiếp theo đó, Einstein trả lời:  “Cứ đọc thêm chuyện thần tiên!”  Rồi Einstein nói:  “Khi xét mình và xét những phương pháp suy tư của tôi, tôi đi tới kết luận rằng tài năng tưởng tượng có ý nghĩa đối với tôi hơn bất cứ tài năng nào về những cái trừu tượng cũng như suy tư tích cực.

          Trí tưởng tượng nằm ngay trung tâm của sứ điệp Tin Mừng.  Nếu bất cứ phần nào của Tin Mừng có thể được gọi là sứ điệp cốt lõi của Chúa Giê-su, thì đó phải là Bài giảng trên núi, một diễn từ dài đầy tràn những ý niệm tưởng tượng mà đỉnh cao chính là Tám Mối phúc.  Phải tưởng tượng rất nhiều người ta mới có thể nhận ra những mối phúc nghèo khó, kiến tạo hòa bình, hiền lành, than khóc, đói khát sự công chính và bị bách hại vì lẽ công chính.  Phải tưởng tượng rất nhiều bạn mới có thể giơ má kia cho kẻ khác tát, yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại bạn.  Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng đó chính là thực tại Nước Thiên Chúa – một thực tại đang ở giữa chúng ta mặc dù chúng ta không trông thấy.  Bằng chính sự hiện hữu của Người, tức là sự Nhập thể, Chúa Giê-su đã biến thực tại vô hình của Nước Thiên Chúa thành một thực tại hữu hình.

-  Joe Paprock, 7 Keys to Spiritual Wellness

 

 

Sự hiện diện của Chúa

Càng kêu xin Chúa, chúng ta càng có thể cảm nhận được sự hiện diện của Người.  Ngày qua ngày chúng ta được lôi kéo đến gần trái tim yêu thương của Thiên Chúa hơn.

 

Sự tự do

Tôi được tự do.  Khi tôi nhìn những từ này được viết xuống, dường như những chữ này tạo nên trong tôi một cảm nghĩ kinh ngạc.  Phải, một cảm nghĩ tuyệt vời về tự do.  Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa.

 

Ý thức

Lạy Chúa, xin giúp đỡ con biết ý thức hơn sự hiện diện của Chúa.  Xin Chúa dạy con nhận biết sự hiện diện của Chúa nơi người khác.  Xin cho tâm hồn con được tràn đầy lòng biết ơn vì nhiều lần Chúa đã tỏ tình yêu của Chúa cho con qua việc chăm sóc của những người khác.

 

Lời Chúa

Lời Chúa đến với chúng con qua Kinh Thánh.  Xin Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con để con biết đáp lại những giáo huấn của Tin Mừng.  (Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những trang tiếp theo.  Những điểm gợi ý đã có sẵn nếu bạn cần sử dụng.  Khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Cuộc tâm sự đòi hỏi cả nói lẫn lắng nghe.

Khi nói với Chúa, tôi cũng học dừng lại và lắng nghe.

Tôi hình dung ra vẻ dịu dàng trong ánh mắt Chúa và tình yêu trong nụ cười của Chúa.

Tôi có thể hoàn toàn thành thực với Chúa Giê-su khi nói với Người về những lo lắng và quan tâm của tôi.

Tôi sẽ mở tâm hồn cho Chúa Giê-su khi nói với Người về những sợ hãi và nghi ngờ của tôi.

Tôi sẽ xin Chúa giúp tôi đặt mình trọn vẹn trong sự chăm sóc của Người, biết rằng Người luôn luôn muốn điều tốt cho tôi.

 

Kết thúc

Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần,

Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng.  A-men.

 

Tuần 23 Thường niên

 

Chúa Nhật, ngày 9 tháng 9

Mác-cô 7:31-37

 

Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh.33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra!35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."

 

*  Chúa Giê-su chữa lành người này ở một nơi riêng, trong khi với những cuộc chữa lành khác thì Người làm công khai.  Tại sao Chúa lại đem anh ta ra một chỗ riêng?  Người này có những nhu cầu nào mà những người khác không nhận ra được?  Tôi cầu xin cho mình có khả năng mỗi ngày một hơn để quan tâm đến người khác, nhất là những người tôi đang cố gắng giúp đỡ họ.

*  “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả”.  Điều này khiến chúng ta nhớ đến câu chuyện tạo dựng trong sách Sáng Thế:  Thiên Chúa đã làm nên mọi sự tốt đẹp.  Giờ đây cuộc tạo dựng mới đang ló rạng nơi Chúa Giê-su, và tôi là một người đang được tái tạo.  Nếu việc này không đem lại cho tôi niềm vui, thì sẽ ra sao?

_______________

 

 

Thứ Hai, ngày 10 tháng 9

Lu-ca 6:6-11

 

Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải.7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người.8 Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây! " Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó.9 Đức Giê-su nói với họ: "Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt? "10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: "Anh giơ tay ra! " Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường.11 Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.

 

*  Chúa Giê-su quở trách các kinh sư và Pha-ri-sêu vì đầu óc hẹp hòi và cách tuân thủ Lề Luật cứng ngắc.  Việc sống đạo của họ thiếu lòng cảm thông và tình yêu là những nguyên tắc chủ yếu của sứ điệp Tin Mừng.

*  Tôi rút ra bài học nào từ câu chuyện này?  Tôi xin Chúa soi sáng cho tôi hiểu về những người Pha-ri-sêu.  Đâu là những điểm xấu của họ?  Và đâu là những điểm tốt nơi họ?

_______________

 

 

Thứ Ba, ngày 11 tháng 9

Lu-ca 6:12-19

 

Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

 

*  Chúa Giê-su đã cầu nguyện thâu đêm cho quyết định quan trọng này là tuyển chọn mười hai tông đồ. Rồi Chúa chữa lành rất nhiều người từ xa tụ tập lại.

*  Theo cách nào tôi nhìn chính mình là một tông đồ?  Tôi cần loại chữa lành nào?  Tôi có thể chạm đến Chúa Giê-su cách nào?

_______________

 

 

Thứ Tư, ngày 12 tháng 9

Lu-ca 6:20-26

Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:
"Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
21 "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
"Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
vì anh em sẽ được vui cười.
22 "Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

24 "Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.
25 "Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.
"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.
26 "Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.

 

*  Tôi nói với Chúa về phản ứng của tôi đối với đoạn Tin Mừng này.  Ý nghĩa đoạn Tin Mừng này có phải là thế giới này không khác nào một phòng đợi dành cho người khác và người tốt hơn không?  Có thực người ta muốn đừng có những điều tốt đẹp của lúc này và nơi này, bởi vì những điều ấy khiến tôi không còn tha thiết tìm kiếm những gì là vĩnh cửu nữa không?

*  Tôi có thể nhận ra được kho tàng vĩnh cửu là gì không?  Tôi có thể buồn phiền về những của cải tôi đang có và vì chúng thường làm cho tôi kém nhạy cảm trước những thiếu thốn của người khác không?

_______________

 

 

Thứ Năm, ngày 13 tháng 9

Lu-ca 6:27-38

"Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em,28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế.34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.36 "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."

 

*  Lạy Chúa Giê-su, một lần nữa Chúa lại đảo lộn lối suy nghĩ của chúng con!  Yêu kẻ thù là điều rất trái nghịch với bản chất con người chúng con, nhưng đó lại là điều Chúa đòi hỏi chúng con.  Tuy nhiên con lại là kẻ tội lỗi Chúa kêu gọi, bởi vì khi người khác xúc phạm con thì con đóng cửa tâm hồn lại đối với họ và trừng phạt họ hết sức con có thể.

*  Giờ đây Chúa xin con hãy đem kẻ thù vào tâm hồn con và tỏ lòng nhân từ đối với họ.  Lạy Chúa, xin biến đổi tâm hồn con, nếu không con sẽ chẳng khi nào làm “con Đấng Tối Cao” được.  Xin cho con dành thì giờ suy nghĩ về lòng nhân từ Chúa đối xử với con, ngay cả khi con vô ơn và xấu xa.  Điều ấy buộc con phải dừng lại trước khi xét đoán và lên án kẻ thù con.

_______________

 

 

Thứ Sáu, ngày 14 tháng 9

Lễ Suy tôn Thánh Giá

Gio-an 3:13-17

 

Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

 

*  Nơi thập giá Chúa Ki-tô là sự tự do của chúng ta.  Theo cách nào đó chỉ có Chúa biết, cái chết này đem lại sự sống cho chúng ta.  Trước đây tôi có nghĩ về điều này không?  Giờ đây tôi dành ít phút để suy nghĩ về sự lạ lùng của điều này.

*  Thánh giá là biểu tượng cho đức tin, đức cậy và đức mến cao cả.  Khi ngắm nhìn và chiêm ngưỡng Chúa Ki-tô trên thánh giá, tôi xin Chúa ban cho tôi tình yêu chữa lành và cứu độ đang bao bọc toàn thể trần gian.

_______________

 

 

Thứ Bảy, ngày 15 tháng 9

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi

Gio-an 19:25-27

 

Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la.26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà."27 Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

 

*  Thánh Gio-an là thánh sử duy nhất kể lại Mẹ Ma-ri-a đứng dưới chân thập giá.  Ngài mô tả như vậy để nói lên quan điểm thần học cho thấy Mẹ có một chỗ đứng đặc biệt quan trọng bên cạnh “người môn đệ Chúa thương mến” dưới chân thập giá và Mẹ như người thành lập cộng đoàn môn đệ do Chúa Giê-su trối lại.

*  Mẹ Ma-ri-a là Ki-tô hữu tiên khởi đã nghe Lời, tiếp nhận Lời và sống theo Lời.  Bạn hãy xin Người chuyển cầu cho bạn để lãnh nhận được ân sủng Con của Mẹ.


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space