TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN  (Ngày 23 – 29 tháng 9 năm 2018)

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Tìm thấy ngọn lửa của Chúa

Vì sự sống thiêng liêng là hoàn toàn sống theo Thánh Thần, nên chúng ta phải hỏi:  ngọn lửa nào ở nơi Chúa đã được thắp sáng lên?  Tôi nghĩ rằng ngọn lửa nơi Chúa được thắp sáng lên chính là tình yêu vị tha.  Lòng thương xót.  Lòng nhân từ.  Đức công chính.  Tưởng tượng về Thiên Chúa mở ra viễn tượng cho thấy một thế giới trong đó kẻ đói được ăn no, người khát được uống nước, kẻ bệnh tật được chăm sóc, người không nhà có nơi trọ, kẻ bị tù được viếng thăm, người trần truồng có quần áo mặc và kẻ xa lạ được đón tiếp.  Một linh đạo lành mạnh thúc giục chúng ta hãy hiện diện với những người túng thiếu, giúp họ có cơ hội nhận ra sự hiện diện của Chúa là sự hiện diện đã bị che khuất bởi đau khổ trong cuộc đời họ.  Bà Dorothy Day nhấn mạnh rằng mọi điều một người đã được rửa tội cần phải thực hiện đều liên kết trực tiếp hay gián tiếp với Mười bốn điều thương xác và thương linh hồn (kinh Thương người có Mười bốn mối).  Bà biết ngọn lửa của Thiên Chúa có thể gặp thấy trong những hành vi thương xót đó.  Nếu bạn tìm Chúa – mục đích của linh đạo – thì có những nơi để tìm Người.  Như bài thánh ca cổ truyền Ubi caritas (Đâu có tình yêu thương) nhắc nhở chúng ta:  “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”.

          Thiên Chúa mà chúng ta tìm kiếm đang bừng cháy, Người có một sứ mệnh và Người mời gọi bạn cùng tôi hãy tham gia vào sứ mệnh ấy.

          Bạn thử tưởng tượng sứ mệnh ấy xem thế nào.

-  Joe Paprocki, 7 Keys to Spiritual Wellness

 

Sự hiện diện của Chúa

Hiện diện nghĩa là đến bằng chính con người của mình và mở tâm hồn ra cho người khác.

Trong lúc này, đang khi tôi ở đây, Chúa hiện diện và đang chờ đợi tôi.

Chúa luôn đến trước tôi, mong liên kết với tôi, thậm chí còn hơn cả một người bạn chí thiết.

Tôi dành một lúc để chào hỏi Thiên Chúa yêu dấu của tôi.

 

Sự tự do

Để mặc tôi nơi đây / một mình trong phòng tối / Xin đừng bao giờ nói / một lời nào với tôi.  Hãy để cho thinh lặng / giải phóng tôi một đời.

-  Trích bài thơ Chân phước Titus Brandsma viết đang khi ngài là tù nhân trong trại tập trung Dachau

 

Ý thức

Tôi đang ở đâu với Chúa?  Với người khác?

Tôi có gì để cảm tạ Chúa không?  Và tôi cảm tạ Chúa.

Có điều gì khiến tôi phải hối hận không?  Và tôi xin ơn được tha thứ.

 

Lời Chúa

Tôi dành thì giờ để đọc chậm chậm lời Chúa, đọc đi đọc lại vài lần, để tôi có thể dừng lại ở điểm nào đánh động tôi.  (Xin lấy phần Kinh Thánh ở những trang tiếp theo.  Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần.  Khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Lời Chúa đã đánh động tôi như thế nào?  Có để cho tôi nguội lạnh không?

Lời Chúa có an ủi tôi hoặc thúc đẩy tôi hành động một cách mới mẻ không?

Tôi tưởng tượng Chúa Giê-su đang đứng hoặc ngồi bên cạnh tôi;  tôi đem chia sẻ với Người những cảm nghĩ của tôi.

 

Kết thúc

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.

Tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu vạn đại.  A-men.

 

Tuần 25 Thường niên

 

Chúa Nhật, ngày 23 tháng 9

Mác-cô 9:30-37

 

Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết,31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại."32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? "34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người."36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói:37 "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."

 

*  Thật trớ trêu, sau khi Chúa Giê-su báo trước Người sẽ bị giết chết thì các môn đệ lại tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất.  Tranh cãi thế để làm gì?  Có phải họ chỉ muốn tránh né đề tài về cái chết của Chúa Giê-su không?  Hay họ thắc mắc không biết ai sẽ thay thế Chúa?  Rõ ràng họ vẫn nghĩ Nước Thiên Chúa là điều giống như một tổ chức trần thế.

*  Thay vì là một vương quốc có phẩm trật và quyền lực, Nước Thiên Chúa phải phát triển về lòng nhân ái, cởi mở, khiêm nhượng, và các tâm hồn không thèm khát quyền lực, nhưng sẽ đồng hóa với trẻ em.  Vậy có đức tính nào nổi bật trong cuộc sống của tôi không?  Khi nào là lúc tôi gần như rơi vào quan điểm của người đời, coi trọng vinh dự và ảnh hưởng hơn là biết quan tâm và sống nhân ái với người khác?

_______________

 

 

Thứ Hai, ngày 24 tháng 9

Lu-ca 8:16-18

 

"Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.17 Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.18 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất."

 

*  Các nhà chú giải đã rất vất vả khi giải thích đoạn Tin Mừng ngắn này.  Riêng bạn nghĩ gì về đoạn này?  Bạn làm cách nào để cầu nguyện với đoạn Kinh Thánh này?

*  Bạn có ý thức mình được kêu gọi làm ánh sáng cho người khác, một thứ ánh sáng mời gọi để dẫn người ta đến với Chúa Ki-tô không?  Đâu là phản ứng của bạn khi được trao phó trách vụ ấy?  Bạn hãy xin Chúa giúp bạn nhận biết và lãnh nhận vai trò ấy.

_______________

 

 

Thứ Ba, ngày 25 tháng 9

Lu-ca 8:19-21

 

Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông.20 Người ta báo cho Người biết: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy."21 Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."

 

*  Thực đáng để chúng ta so sánh đoạn Tin Mừng này với những đoạn song song trong Tin Mừng Mát-thêu và đặc biệt là trong Tin Mừng Mác-cô.  Ở đây gia đình Chúa Giê-su được ca tụng, còn trong Mác-cô gia đình Người lại bị gác qua một bên.  Thái độ đối với Mẹ Ma-ri-a và gia đình của Chúa Giê-su đã được khai triển trong thời Tân Ước;  đó là gia đình mang sắc thái đặc biệt ở điểm luôn lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

*  Bạn hãy xin Chúa giúp bạn nhận ra những cách tốt nhất để lắng nghe và thực hành Lời Chúa cũng như những cách giúp bạn phát huy khả năng lắng nghe và mau mắn bước theo Chúa.

_______________

 

 

Thứ Tư, ngày 26 tháng 9

Lu-ca 9:1-6

 

Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.2 Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.3 Người nói: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.4 Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi.5 Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ."6 Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

 

*  “Anh em đừng mang gì đi đường!”  Đức Giáo Hoàng Phanxicô mơ ước có một Giáo Hội cho người nghèo.  Giống như các môn đệ trong khung cảnh Tin Mừng, Giáo Hội ngày nay phải tùy thuộc vào Thiên Chúa, chứ không phải vào tài sản, quyền lực hoặc thế giá.  Những tài nguyên duy nhất quan trọng, đó là những tài nguyên của Tin Mừng.

*  Các môn đệ ngày nay cần phải đơn thuần chú tâm vào Thiên Chúa;  chỉ khi ấy sức mạnh của ân sủng Chúa mới được tự do để tác động qua chúng ta mà không hề bị giới hạn.  Theo cách ấy, chúng ta sẽ mang Tin Mừng đến với một thế giới đang lạc đường và chúng ta sẽ chữa lành bệnh tật khắp nơi.

_______________

 

 

Thứ Năm, ngày 27 tháng 9

Lu-ca 9:7-9

 

Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: "Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy."8 Kẻ khác nói: "Ông Ê-li-a xuất hiện đấy! " Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại."9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói: "Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? " Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

 

*  Hê-rô-đê là một người Do-thái, nhưng được lợi trong vai trò là một ông vua.  Điều ấy có nghĩa ông là một người được đế quốc Rô-ma đặt làm người cai trị dân Do-thái.  Hê-rô-đê đã ra lệnh chém đầu Gio-an Tẩy Giả, dấu hiệu chứng tỏ ông chỉ lo lắng khư khư giữ lấy địa vị hơn là tìm kiếm những lợi ích thiêng liêng.

*  Bạn phản ứng thế nào trước thái độ lo lắng của Hê-rô-đê?  Hãy để phản ứng ấy thúc giục bạn đặt một câu hỏi căn bản:  “Chúa Giê-su là ai đối với tôi?”

_______________

 

 

Thứ Sáu, ngày 28 tháng 9

Lu-ca 9:18-22

Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai? "19 Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại."20 Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa."21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

 

22 Người còn nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."

 

*  Đoạn Tin Mừng công khai đề ra một câu hỏi căn bản:  Chúa Giê-su là ai đối với tôi?  Câu hỏi ấy của đoạn Tin Mừng không phải chỉ mang ý nghĩa về sự hiểu biết, nhưng là về tương quan cá nhân.  Vậy Chúa Giê-su là một lãnh tụ, một người bạn, một ông quan tòa, một thầy dạy, một người cha, hay bao gồm tất cả những danh xưng trên?

*  Bạn hãy cầu nguyện về điều này, xin Chúa làm rõ ràng cảm nhận của bạn về Chúa Giê-su và xin Chúa củng cố sự cam kết của bạn với Chúa Giê-su.

_______________

 

 

Thứ Bảy, ngày 29 tháng 9

Gio-an 1:47-51

 

Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối."48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi? " Đức Giê-su trả lời: "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi."49 Ông Na-tha-na-en nói: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! "50 Đức Giê-su đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa."51 Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."

 

*  Chúa Giê-su đã chứng kiến một phương diện nào đó của ông Na-tha-na-en làm cho Người ngạc nhiên;  vậy cũng có những phương diện giấu ẩn và bí mật trong cuộc sống tôi đã được Chúa biết đến và quý trọng.

*  Chúa Giê-su đã giúp cho Na-tha-na-en thay vì nhìn vào những điều thường ngày thì ngước mắt nhìn lên và suy nghĩ những điều trên trời.  Tôi có thể suy xét về thân phận đầy hy vọng của tôi, nhờ đó những lo lắng thường ngày của tôi được soi sáng và được nhìn dưới một chiều kích khác.

 

 

 

 

 

 

 


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space