TUẦN I MÙA GIÁNG SINH  (Ngày 30 tháng 12 năm 2018 – 5 tháng 1 năm 2019)

 

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Năm ngoái, giữa các bài đọc, ánh sáng và thánh ca của mùa Vọng, linh mục đã đọc gia phả của Chúa Giê-su.  Có lẽ bạn nghĩ rằng một danh sách gồm bốn mươi mốt tên tuổi sẽ làm cho phụng vụ trở nên rất nhàm chán, nhưng đối với tôi đó lại là cao điểm.  Vị linh mục đã đọc đoạn gia phả theo từng khúc một.  Ở những khoảng cách giữa các lời nguyện và các bài thánh ca, từ trên gác ca đoàn lại nổi lên một hồi trống đồng, rồi xướng tên những người thuộc một vài thế hệ, tên mỗi người được trịnh trọng đọc lên, tựa như đọc tên một người đã chết.  Người ta có cảm tưởng giống như tang lễ dành cho mọi người.  Người ta có thể cảm thấy tuyệt vọng, nhưng vào lúc hồi trống cuối cùng vang lên thì bất ngờ có sự xuất hiện không phải của một người đã chết và đã ra đi, nhưng là sự xuất hiệm của Chúa Giê-su, Đấng được gọi là Ki-tô.

-  Amy Andrews, 2017: A Book of Grace-Filled Days

 

 

Sự hiện diện của Chúa

“Hãy thinh lặng và biết rằng Ta là Đức Chúa!”  Lạy Chúa, xin thần khí Chúa dẫn dắt con đi tìm kiếm sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa mỗi lúc một hơn, nhưng chính trong sự hiện diện ấy con tìm được sự nghỉ ngơi bồi dưỡng giữa thế giới bận rộn này.

 

Sự tự do

Nhờ ơn Chúa, tôi được sinh ra để sống trong tự do.  Tự do để hưởng những thú vui Chúa đã tạo dựng cho tôi.  Lạy Chúa, xin ban cho con biết sống như Chúa muốn, hoàn toàn tin tưởng vào sự chăm sóc yêu thương của Chúa.

 

Ý thức

Hôm nay tôi thế nào?

Tôi đang ở đâu với Chúa?  Với người khác?

Tôi có điều gì để cảm tạ Chúa không?  Vậy tôi cám ơn Chúa.

Có điều gì tôi hối hận không?  Vậy tôi xin Chúa thứ tha.

 

Lời Chúa

Chúa nói với riêng từng người chúng ta.  Tôi cần lắng nghe, nghe điều Chúa nói với tôi.  Bạn hãy đọc đoạn Kinh Thánh vài lần;  rồi lắng nghe.  (Xin lấy phần Kinh Thánh ở những trang tiếp theo.  Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần.  Khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Lời Chúa đã đánh động tôi thế nào?  Tôi có cảm thấy nguội lạnh không?

Lời Chúa có yên ủi tôi hoặc thúc giục tôi hành động một cách mới mẻ không?

Tôi tưởng tượng Chúa Giê-su đang đứng hoặc ngồi bên cạnh tôi.

Tôi hướng về Người và chia sẻ những cảm nghĩ của tôi với Người.

 

Kết thúc

Tôi cảm tạ Chúa về những lúc Chúa với tôi đã cùng ở với nhau và về những soi sáng Người giúp tôi hiểu về đoạn Kinh Thánh.

 

 

Tuần I mùa Giáng Sinh

 

Chúa Nhật, ngày 30 tháng 12

Lễ Thánh Gia Chúa Giê-su, Mẹ Ma-ri-a và thánh cả Giu-se

Lu-ca 2:41-52

 

Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! "49 Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? "50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.

 

*  “Trong nhà của Cha con”.  Tôi có tin rằng nhà Cha có thể gặp thấy ngay trong con người tôi không?  Nếu đúng thế, tôi có thể mở lòng ra để đón nhận một điều lạ lùng hơn, đó là “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.  Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Gio-an 14:23).

*  Tôi hãy từ từ đi vào khung cảnh này.  Chúa Giê-su càng thêm tuổi, bước vào tuổi thiếu nhi, rồi trở thành một học trò hăng say đặt câu hỏi với các thầy dạy.  Đối với việc mẹ Người đi tìm kiếm Người – “cha con và mẹ đây” – Người dịu dàng nói về một người Cha khác:  “Con có bổn phận ở nhà của Cha con”.  Không có khung cảnh nào khác trong các sách Tin Mừng cho thấy một sự phát triển rõ ràng về ý thức sứ mệnh của Chúa hơn là khung cảnh này.  Tôi hãy chiêm ngưỡng khung cảnh ấy.

_______________

 

 

Thứ Hai, ngày 31 tháng 12

Gio-an 1:1-18

 

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.  Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. 2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. 3Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người,thì chẳng có gì được tạo thành.Điều đã được tạo thành4 ở nơi Người là sự sống,và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. 5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. 6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. 7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. 9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. 11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.        12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.  Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: "Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi."16 Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. 17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;  nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

 

*  Lời Chúa không chỉ là sự thông đạt hoặc là sứ điệp đến từ Thiên Chúa;  nhưng đơn thuần đó là việc Thiên Chúa tự tỏ mình ra (và không phải chỉ ở một trình độ mà thôi).  Lời – hoặc “Đức Khôn Ngoan” – là việc ngôi vị hóa của Thiên Chúa và của Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng (tức là nhờ Người mà thế giới được hiện hữu) và là nguồn mạch mọi ánh sáng cùng sự sống.

*  Việc Thiên Chúa chia sẻ chính mình lại còn trải rộng tới Lời của Người là Chúa Giê-su, Đấng nhập thể làm người phàm.  Chúa Giê-su đã tham dự vào bản tính nhân loại chúng ta.  Nên bản tính nhân loại chúng ta được tham dự vào thiên tính cùng vinh quang của Người.

_______________

 

 

Thứ Ba, ngày 1 tháng 1 năm 2019

Lễ Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa

Lu-ca 2:16-21

Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

 

*  Điều kỳ diệu được mặc khải trong câu chuyện này là việc Thiên Chúa tỏ mình như tình yêu không phải là mặc khải riêng cho một số người, nhưng là cho bạn và cho tôi.  Sự cao trọng của Mẹ Ma-ri-a là điều hiển nhiên qua sự kiện Mẹ đã dành thì giờ để suy đi nghĩ lại trong lòng việc mặc khải này, không chỉ trong trí khôn mà còn trong tâm hồn Mẹ nữa.

*  Khi cầu nguyện, bạn có thể xin Mẹ Ma-ri-a nói cho bạn biết câu chuyện những gì đã xảy ra, rồi bạn cùng suy niệm với Mẹ.

_______________

 

 

Thứ Tư, ngày 2 tháng 1

Gio-an 1:19-28

 

Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: "Ông là ai? "20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Đấng Ki-tô."21 Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không? " Ông nói: "Không phải." - "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? " Ông đáp: "Không."22 Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? "23 Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu.25 Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ? "26 Ông Gio-an trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người."28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

 

*  Sứ mệnh của thánh Gio-an Tẩy Giả là phải đề cao tầm quan trọng của Chúa Giê-su lên trước bản thân mình.  Điều này trở thành một đặc nét quan trọng trong giáo huấn của Chúa Giê-su, tức là đức khiêm nhường.  Ý nghĩa điều này là phải đối diện với hai thực tại về bản thân mình:  có một phần rất nhỏ thuộc con người chúng ta là hữu hạn và tội lỗi, nhưng thực tại này không ngăn cản chúng ta nhận ra phần lớn lao hơn nhiều của con người chúng ta, tức là tự bản chất chúng ta được ban ân sủng và còn hơn thế nữa.

*  Trong ít phút cầu nguyện, bạn hãy ở với thánh Gio-an Tẩy Giả và để ngài nói cho bạn biết về lòng nhiệt thành của ngài đối với Chúa Giê-su.

_______________

 

 

Thứ Năm, ngày 3 tháng 1

Gio-an 1:29-34

 

Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước."32 Ông Gio-an còn làm chứng: "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần."34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn."

 

*  Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gio-an Tẩy Giả nói về Thiên Chúa là Đấng đã sai ngài đi và sai Thánh Thần như là Đấng ngự xuống trên Chúa Giê-su và ở lại với Người.  Như cha Karl Rahner đã diễn tả: “Tâm điểm của mọi nền Thần học và Tu đức học chính là ba ngôi vị của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi muốn tỏ mình ra cho bạn”.

*  Bạn hãy dành một lúc để cầu nguyện cùng với Mẹ Ma-ri-a và thánh Gio-an vì các ngài cảm nghiệm được mục đích của Cựu Ước đang mở ra trước mắt các ngài.  Đây là kế hoạch của ba Ngôi Thiên Chúa muốn tỏ mình ra cho bạn.

_______________

 

 

Thứ Sáu, ngày 4 tháng 1

Gio-an 1:35-42

 

Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông.36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa."37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su.38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế? " Họ đáp: "Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? "39 Người bảo họ: "Đến mà xem." Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.40 Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su.41 Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a" (nghĩa là Đấng Ki-tô).42 Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: "Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha" (tức là Phê-rô).

 

*  Tin Mừng Nhất lãm (Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca) trình bày ơn gọi của Ki-tô hữu được diễn tả trong những lời “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mác-cô 1:14-15).  Tuy nhiên Tin Mừng Gio-an thì coi ơn gọi của chúng ta là một sự đáp trả lời Chúa Giê-su mời gọi “Hãy đến mà xem”.  Đây là lời mời gọi hãy đến để nhận biết Chúa Giê-su là tình yêu Thiên Chúa đã trở nên hữu hình và Chúa Thánh Thần muốn dẫn bạn bước vào tình yêu ấy (Gio-an 16:13-15).

*  Nếu có thì giờ để cầu nguyện với bài Tin Mừng hôm nay, bạn có thể lắng đọng tâm hồn một lát để lắng nghe những âm thanh chung quanh bạn.  Rồi bạn hãy để Chúa Giê-su nói với bạn vài lần những lời này:  “Hãy đến mà xem”.  Bạn hãy ngừng lại để nghe giọng nói của Chúa và những nét biểu lộ trên khuôn mặt của Người.

_______________

 

 

Thứ Bảy, ngày 5 tháng 1

Gio-an 1:43-51

 

Hôm sau, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói: "Anh hãy theo tôi."44 Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô.45 Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: "Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét."46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được? " Ông Phi-líp-phê trả lời: "Cứ đến mà xem! "47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối."48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi? " Đức Giê-su trả lời: "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi."49 Ông Na-tha-na-en nói: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! "50 Đức Giê-su đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa."51 Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."

 

*  Bài Tin Mừng hôm nay hoàn toàn nói về lời triệu gọi dành cho Ki-tô hữu, về lời kêu gọi bạn hãy ở với Chúa Giê-su là người bạn thân của bạn.  Bạn hãy suy nghĩ ý nghĩa thế nào là một Ki-tô hữu hôm nay, bằng cách suy niệm về cách các sách Tin Mừng nói về Chúa Giê-su khi Người muốn làm bạn hữu để dẫn chúng ta vào mối tương quan mật thiết của Người với Chúa Cha.

*  Dưới ánh sáng của thực tại ấy, bạn hãy ở lại với Chúa Giê-su tại một chỗ yên tĩnh và hỏi Người về ước mơ Người muốn bạn trở nên bạn hữu của Người.

 

 

 

 

 

     


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space