TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN  (Ngày 17 – 23 tháng 1 năm 2021)

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Đối với Ki-tô hữu, cầu nguyện là sống mối tương quan với Chúa và đặc biệt là với Chúa Giê-su.  Cầu nguyện là chính việc bạn mở lòng sâu xa nhất ra với Chúa.  Cầu nguyện là lắng nghe Chúa trong sự hiện diện của Người.  Cầu nguyện là được Chúa yêu thương và nói với Chúa trong niềm tin tưởng nơi Người.  Khi cầu nguyện, mọi thứ mặt nạ sẽ bị lật ra.  Chúa đến với bạn chỉ khi nào bạn muốn được Chúa nhận biết con người chân thực của bạn mà thôi.  Có khi bạn cảm thấy hạnh phúc, nhưng cũng có lúc bạn thấy buồn bã.  Có thể bạn sẽ giận dữ với Chúa và với người khác.  Cũng có thể bạn sẽ biểu lộ sự giận dữ khi bạn cầu nguyện.

        Cầu nguyện không phải là bẩm sinh đâu.  Nhưng đó là điều bạn cần học hỏi.  Rất may là bạn không cần phải tự mình phát minh ra việc cầu nguyện.  Các Ki-tô hữu đã cầu nguyện từ hơn hai ngàn năm nay rồi.  Cho nên hiểu biết thế nào là cầu nguyện là điều đã được khai triển từ lâu.  Nếu bạn đi kiếm tài liệu để giúp mình cầu nguyện thì tốt nhất bạn hãy để mình được soi sáng bằng chính việc cầu nguyện.

        Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cách cầu nguyện.  Có những người thích cầu nguyện bằng sách vở, hoặc sử dụng Kinh Thánh hay là không.  Có những người lại thích cầu nguyện không lời nói.  Bạn có thể cầu nguyện một mình hoặc cùng với người khác.  Tại một nơi riêng rẽ và yên tĩnh hoặc ngay giữa những ồn ào náo nhiệt nơi thị thành.  Có người thích cầu nguyện lâu giờ.  Người khác cầu nguyện ngắn hơn nhưng tốt hơn.  Một cách cầu nguyện tốt đó là cách mà ngay lúc cầu nguyện thì chính cầu nguyện sẽ giúp bạn liên kết với Chúa hơn.  Việc này có thể thay đổi dần dần.  Điều giúp bạn đến với Chúa hôm nay có thể sẽ không giúp bạn ngày mai.  Cầu nguyện không có gì xa lạ.  Cầu nguyện sẽ cứ như thế hầu như suốt đời mình vậy.

-  Nikolaas Sintobin SJ, Did Jesus Really Exist? And 51 Other Questions

 

Sự hiện diện của Chúa

“Hãy thinh lặng và biết rằng Ta là Thiên Chúa!”  Lạy Chúa, lời Chúa dẫn chúng con đến với vẻ thinh lặng và cao cả của sự hiện diện Chúa.

 

Sự tự do

Mọi sự đều có khả năng đưa tôi đến với một cuộc sống và tình yêu trọn vẹn hơn.  Tuy nhiên mọi ước muốn của tôi thường là cố định và vướng mắc vào những ảo tưởng thành công.  Tôi cầu xin Chúa để nhờ sự tự do của tôi, Người sẽ sắp xếp mọi ước muốn của tôi cho phù hợp với sự hài hòa sống động.

 

Ý thức

Tôi đang sống trong một mạng lưới những mối tương quan với thiên nhiên, với người khác và với Chúa.  Tôi xét lại những tương quan này, để cảm tạ Chúa vì đời tôi diễn ra qua những tương quan ấy.  Một số tương quan bị bóp méo hoặc đổ vỡ.  Tôi có thể cảm thấy hối tiếc, giận dữ hoặc thất vọng.  Tôi xin ơn biết chấp nhận và tha thứ.

 

Lời Chúa

Tôi chậm chậm đọc đi đọc lại Lời Chúa vài ba lần, rồi tôi lắng nghe điều Chúa nói với tôi.  (Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những trang tiếp theo.  Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu muốn.  Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Lạy Chúa Giê-su, Chúa phán dạy con qua những lời trong Tin Mừng.  Hôm nay xin Chúa cho con biết đáp lại tiếng Chúa gọi.  Xin Chúa dạy con nhận ra bàn tay Chúa hành động trong cuộc sống hằng ngày của con.

 

Kết thúc

Tôi cám ơn Chúa về những lúc Chúa và tôi cùng ở lại với nhau và về những ơn Người soi sáng giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.

 

Tuần 2 Thường niên

 

Chúa Nhật, ngày 17 tháng 1

Gio-an 1:35-42

 

Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông.36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa."37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su.38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế? " Họ đáp: "Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? "39 Người bảo họ: "Đến mà xem." Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.40 Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su.41 Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a" (nghĩa là Đấng Ki-tô).42 Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: "Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha" (tức là Phê-rô).

 

*  Đâu là những thổn thức ước ao sâu xa nhất trong tâm hồn xao động của tôi?  Tôi đang nhắm tới và cố gắng làm điều gì từ cuộc sống tôi?  Rất thường tôi chỉ nghe nửa vời tiếng Chúa Giê-su mời gọi hãy đến gần Người hơn nữa, hãy cùng Người sống chung một nhà.  Con người, giáo huấn và lối sống của Chúa làm cho tôi khó chịu tận xương tủy.

*  Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con rằng “Con sẽ chẳng đi tìm Thầy nếu Thầy đã không gặp con trước”.  Xin Chúa giúp con tìm thấy Chúa mỗi lúc một sâu xa hơn trong những lần con cầu nguyện.

_______________

 

Thứ Hai, ngày 18 tháng 1

Mác-cô 2:18-22

 

Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? "19 Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được.20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.21 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm.22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!"

 

*  Có một truyền thống là người ta ăn chay khi đang đánh mất điều gì đó, để nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta đang chờ đợi Chúa trong cuộc sống chúng ta, hoặc để xin ơn nào đó hay để được cứu chữa trong những lúc hiểm nguy.  Ở đây Chúa Giê-su tuyên bố rằng Đấng người ta đang chờ đợi đã đến rồi.  Cho nên thay vì ăn chay đền tội thì vui mừng sẽ là cách đáp trả thích hợp hơn.  Lúc nào đó trong tương lai sẽ là thời gian để người ta ăn chay;  những người nghe Chúa giảng thắc mắc không hiểu Chúa nói gì.  Còn chúng ta, chúng ta biết cuộc đời là một nhịp điệu chết và phục sinh, cùng với những lúc vui mừng và những khi buồn thảm.  Chàng rể đã đến rồi:  đó là Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa.  Điều này chính là sự an toàn của chúng ta trong những lúc gian nguy sẽ tới.

*  Cuộc sống của những người đạo hạnh luôn mở ra để suy xét và nhìn lại từ bên ngoài.  Tôi cầu xin cho lối sống của mình phù hợp với những giá trị Tin Mừng.  Tôi ý tứ giữ mình đừng xét đoán thiếu bác ái về lối sống của người khác.

*  Chúa kêu gọi tôi hãy lớn lên và có đời sống mới.  Tôi cầu xin cho mình biết lãnh nhận mọi sự tốt lành Chúa ban cho, là được đổi mới theo hình ảnh Thiên Chúa.

_______________

 

Thứ Ba, ngày 19 tháng 1

Mác-cô 2:23-28

 

Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa.24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: "Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép! "25 Người đáp: "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng?26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế."27 Người nói tiếp: "Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát.28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát."

 

*  Lạy Chúa, khi con người khốn khổ kêu xin Chúa, thì lề luật chỉ còn là thứ yếu.  Hiển nhiên là luật lệ và ngày sa-bát được tạo nên cho con người chứ không phải ngược lại.  Nhưng người ta phải can đảm và sáng suốt để nói lên sự hiển nhiên này.

_______________

 

Thứ Tư, ngày 20 tháng 1

Mác-cô 3:1-6

 

Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay.2 Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người.3 Đức Giê-su bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra giữa đây! "4 Rồi Người nói với họ: "Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi? " Nhưng họ làm thinh.5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: "Anh giơ tay ra! " Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.

 

*  Lạy Chúa, khi Chúa tuân giữ ngày sa-bát bằng cách chữa lành bệnh tật, những người Pha-ri-sêu lại phản ứng bằng cách âm mưu giết Chúa.  Chúa nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không muốn làm cho cuộc sống chúng con thành khó khăn hơn và Người không đặt những luật lệ độc đoán trên chúng con.

*  Điều răn trọng đại là luật yêu thương.  Vậy những ai quen biết tôi có thể nói rằng tôi đang thực hành luật yêu thương không?

_______________

 

Thứ Năm, ngày 21 tháng 1

Mác-cô 3:7-12

 

Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê,8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: "Ông là Con Thiên Chúa! "12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

 

*  Ở đây người ta nhận ra sức lôi cuốn của Chúa Giê-su.  Những người bình thường và không quan trọng đã nồng nhiệt đón nhận Chúa.  Họ đến gần Người với một ước ao là được chạm đến Người và được chữa lành.  Một năng lực đầy yêu thương tỏa ra từ Chúa Giê-su.

*  Tôi có sẵn sàng gia nhập đám dân chúng nhiệt thành gồm những kẻ khốn khổ không?  Tôi có thừa nhận rằng mình cũng cần chạm đến Con Thiên Chúa để được chữa lành không?  Tôi có tỏa ra năng lực chữa lành cho người khác không?

______________

 

Thứ Sáu, ngày 22 tháng 1

Mác-cô 3:13-19

 

Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng,15 với quyền trừ quỷ.16 Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô,17 rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-,18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích,19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.

 

*  Tôi nghĩ có thể mình đã chọn Chúa Giê-su, nhưng thực ra là Chúa đã tuyển chọn tôi.  Giống như các tông đồ, tôi được chọn riêng để tham dự vào sứ mệnh của Người.  Bạn hãy tưởng tượng các tông đồ sau khi được chọn đang nhìn vào nhau, rồi Gia-cô-bê và Gio-an quay sang An-rê và hỏi “Anh chàng Ta-đê-ô kia là ai vậy?”  Có thể họ không cảm thấy thoải mái khi sánh vai với một tên thu thuế được đổi mới như Mát-thêu hoặc với một kẻ quá khích như Si-môn.

*  Việc Chúa tuyển chọn môn đệ có thể khiến tôi ngạc nhiên, rồi nhiều lần tôi bực bội về họ, nhưng thực ra họ đã được tuyển chọn cùng với những thiếu sót của họ, giống hệt như tôi vậy.

_______________

 

Thứ Bảy, ngày 23 tháng 1

Mác-cô 3:20-21

 

Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

 

*  Sự hăng say và đam mê của Chúa Giê-su khi sống và phục vụ đã khiến cho gia đình Người phản ứng mạnh mẽ đến nỗi họ kêu lên:  “Ông này mất trí rồi”.

*  Có thể bạn thích dành thời giờ cầu nguyện với Chúa Giê-su, suy nghĩ về sự nhiệt thành của Chúa trong đời bạn, về cách Người trân trọng con người bạn đối với Người và về việc thể hiện giấc mơ của Người về bạn.  Vậy bạn hãy nói với Chúa về những điều này và nói với Người rằng điều này khích động bạn, nhưng cũng cảnh giác bạn giống như đã cảnh giác gia đình Chúa vậy.

 

 

 

 

 

  

 


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space 2021