Thánh Gio-an Mai-san Tu sĩ, Op*

(Ngày 16-9)

Thánh Gio-an Mai-san[1] với tên gốc tiếng Tây-ban-nha là Juan de Arcas Sánchez, và sau đó được gọi là Juan Macías, sinh vào ngày mồng 02 tháng 03 năm 1585 tại Ribera del Fresno, Tây-ban-nha, trong một gia đình quý tộc bị phá sản. Ngay từ lúc chưa tròn 5 tuổi, Gio-an Mai-san đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Vì thế, người cậu của Gio-an đã nhận Gio-an về nhà mình tại Palencia và nuôi nấng cậu. Người cậu này đã giao cho Gio-an việc chăm sóc đàn cừu. Do đó, Gio-an được gọi là Juan Macías (một số tài liệu Việt ngữ phiên âm thành Gio-an Mai-san) theo cách gọi dành cho các mục đồng. Tương truyền kể lại rằng, Gio-an là người rất đứng đắn và đạo đức. Cậu có lòng mến mộ Đức Mẹ cách đặc biệt và rất siêng năng lần Chuỗi Mân Côi. Cậu thường lần hạt ba lần mỗi ngày để cầu nguyện cho bản thân, cho những người tội lỗi và cho các linh hồn trong luyện ngục.

Cũng theo tương truyền, khi lên 8 tuổi, và lúc đang chăn cừu, Gio-an đã có một thị kiến. Trong thị kiến đó, Gio-an đã  được gặp Thánh Gio Tông Đồ dưới hình dạng một em bé. Vị Thánh này nói với Gio-an rằng: „Tôi phải đưa cậu tới những vùng đất xa xôi hẻo lánh“. Vì thế, vào năm 1605, tức lúc đúng 20 đuổi, Gio-an đã lên đường để đi tới Jerez de la Frontera, tại đó Gio-an đã trở nên rất thân thiết với các Tu Sĩ Dòng Đa-minh. Và vào năm 1616, Gio-an đã lên một chiếc tàu buôn, và cùng với một thương gia, đi tới Cartagena, Cô-lôm-bi-a. Tại đây, Gio-an đến làm việc cho một cửa hàng chuyên buôn bán gia xúc. Trong lúc làm việc tại cửa hàng này, Gio-an vẫn sử dụng các giờ rảnh để cầu nguyện và lần Chuỗi Mân Côi. Sau đó, Gio-an rời Cô-lôm-bi-a và đi tới Ê-cu-a-đo, rồi lại đi tiếp tới Pê-ru. Vào năm 1622, Gio-an đi tới Lima, tức thủ đô của Pê-ru. Tại đây, Gio-an đã gặp Thầy Martin de Porres – Tu Sĩ Dòng Đa-minh thuộc Tu Viện Rất Thánh Mân Côi. Vị Tu Sĩ này đã giới thiệu cho Gio-an một công việc tại ngôi làng gần nhà Dòng của Thầy.

Trong thời gian làm việc tại Li-ma, càng ngày Gio-an càng cảm thấy mình có ơn gọi dâng mình vào đời sống Thánh Hiến để dấn thân phục vụ người nghèo. Qua một thị kiến, Gio-an đã xác định được ơn gọi của mình, và quyết định gia nhập Dòng Đa-minh trong Tu Viện Thánh Maria Madalena tại Li-ma, Pê-ru, với bậc Trợ Sĩ.

Suốt 23 năm từ khi nhập Dòng cho tới lúc qua đời, Thầy Gio-an đã được trao nhiệm vụ giữ cổng Tu Viện. Công việc này đã tạo nhiều cơ hội cho Thầy Gio-an giúp đỡ những người hành khất, những người nghèo, các bệnh nhân và những người cô thế cô thân. Thầy đã trao cho họ rất nhiều sự an ủi, sự cảm thông và kể cả hơi ấm tình người. Mặc dầu hầu như Thầy không được đào tạo về Thần Học, nhưng Thầy vẫn có khả năng giảng giải về những chân lý Đức Tin cho bất cứ ai đến gặp Thầy, giống như thể Thầy được linh hứng cách đặc biệt để nói về những chân lý đó. Thầy luôn khuyên nhủ người ta sống Đức Ái, mến Chúa, yêu người, nhẫn nhục, chịu đựng, và thực hành các nhân đức khác của Ki-tô giáo. Thầy đã nâng đỡ, vấn an, chia sẻ với những người bị tù đày áp bức, những người bị gạt ra bên lề xã hội. Thầy còn bày tỏ lòng yêu thương nồng nhiệt đối với các bệnh nhân và những người nghèo khổ: “Mỗi ngày thầy nuôi dưỡng 200 người, tận tâm phục vụ họ với tất cả tấm lòng, an ủi họ khi thì bằng những phần quà, khi thì quần áo hay tiền bạc nhặt nhạnh từ những cuộc lạc quyên; ân cần giúp đỡ họ bằng những công việc khiêm tốn“[2]. Một trong những đức tính đặc biệt mà Thầy Gio-an đã có ngay từ khi còn nhỏ, tức trước khi nhập Dòng, đó là việc siêng năng lần Chuỗi Mân Côi. Ngoài thời gian thi hành các việc bổn phận và giúp đỡ những người nghèo ra, Thầy Gio-an luôn dành thời gian còn lại để cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, để cầu cho những người đã qua đời.

Thầy Gio-an coi Thầy Martin de Porres như một gương sáng đặc biệt. Vì thế, noi gương vị Tu Sĩ củng Dòng nhưng hơn mình 16 tuổi này, Thầy Gio-an đã sống một cuộc đời rất khổ hạnh với việc ăn chay, mặc áo nhặm, đánh tội phạt xác bằng roi sắt, và thường thức khuya để đọc kinh cầu nguyện.

Sau một đời sống vô cùng nhiệm nhặt nhưng được ghi đậm dấu ấn bởi Tình Yêu đối với Thiên Chúa và Đức Ái đối với tha nhân, Thầy Gio-an đã trút hơi thở cuối cùng trong Tu Viện của mình tại Lima, Pê-ru vào ngày 16[3] tháng 09 năm 1645, hưởng thọ 60 tuổi.

Sau khi qua đời, Thầy Gio-an đã được mai táng ngay trong Tu Viện của mình tại Lima, Pê-ru. Ngôi mộ của Thầy đã mau chóng trở thành điểm hành hương của những người nghèo và của những người cùng khổ. Rất nhiều người đã nhận được những ơn trợ giúp đầy nhiệm màu khi đến viếng mộ Thầy. Điều đặc biệt là thân xác của Thầy vẫn còn nguyên vẹn cho tới ngày nay.

Ngay khi còn sinh thời, Thầy Gio-an đã được nhiều người coi như một vị Thánh. Và sau khi qua đời, với rất nhiều những phép lạ xảy ra xung quanh ngôi mộ của mình, nên Thầy Gio-an còn được nhiều người tôn kính và mến mộ hơn. Vì thế, vào ngày 22 tháng 10 năm 1837, Thầy Gio-an Mai-san đã được Đức Thánh Cha Grê-gô-ri-ô XVI tôn phong lên bậc Chân Phúc. Và vào ngày 28 tháng 09 năm 1975, Chân Phúc Gio-an Mai-san đã được Đức Thánh Cha Phao-lô VI tôn phong lên bậc Hiển Thánh.

Giáo hội Công giáo mừng kính Thánh Gio-an Mai-san vào ngày 16 tháng 09, tức ngày Ngài qua đời, với bậc Lễ nhớ không buộc, tức Lễ bậc IV. Còn tại Giáo phận Mérida-Badajoz và Dòng Đa-minh thì mừng Lễ Thánh Gio-an Mai-san vào ngày 18[4] tháng 09 với bậc Lễ Nhớ buộc, tức Lễ bậc III.

 

Lời tổng nguyện trong Lễ Kính Thánh Gio-an Mai-san:

Lạy Chúa là Đấng yêu thương và cứu chuộc nhân loại, Chúa đã thôi thúc thánh Gio-an Mai-san hết lòng phục vụ mọi người. Vì lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, xin ban cho chúng con luôn gắn bó với mầu nhiệm lòng từ bi Chúa, và sẵn sàng hy sinh của cải cũng như mạng sống vì anh em. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô con Chúa là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở, muôn đời Amen.[5]

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

 

Chú thích:

 

*Bài viết này tham khảo nhiều tại liệu khác nhau, trong đó có cả bài viết của Nt. Maria Chinh Anh tại đường link sau đây: daminhtamhiep.net/2014/09/thanh-gioan-maisan-op-2/

[1] Chúng tôi sử dụng cách phiên âm có sẵn của Nt. Maria Chinh Anh và của nhiều tài liệu Việt ngữ khác

[2] Xc. bài viết trên của Nt. Maria Chinh Anh.

[3] Nt. Maria Chinh Anh cho rằng vào ngày 17.09.1645

[4] Nt. Maria Chinh Anh cho rằng vào ngày 19 tháng 09.

[5] Xc. bài viết trên của Nt. Maria Chinh Anh.

 

 

 


Hạnh Các Thánh