PHONG HỦI

Chúa Nhật 6 Thường Niên năm B : Mc 1,40-45

Suy niệm

Thánh Marcô tiếp tục kể về sứ vụ rao giảng của Đức Giêsu ở Galilê và nhấn mạnh những “dấu chỉ” đi kèm theo, đặc biệt việc chữa lành bệnh tật, và hôm nay, Ngài chữa lành một người phong hủi.

Sách Lêvi trình bày một chương dài về “luật thanh sạch”. Tất cả những ai mắc phải những triệu chứng phong hủi, đều bị coi là những người ô uế, nên phải bị cách ly ra khỏi thành phố, làng mạc và không được tiếp xúc với bất kỳ ai. Cách ăn mặc cũng như kiểu tóc là dấu hiệu đẳng cấp xã hội. Vì thế, kẻ bị khai trừ cũng phải ăn mặc rách rưới, đầu tóc bù xù, phải che mặt và kêu lớn tiếng: “Ô uế! Ô uế!” để mọi người biết sự hiện diện của mình mà tránh. (x. Lv 13, 1-46). Đó là thân phận bi thương của những người phong hủi. Họ bị đau đớn cả thể xác và tinh thần. Khốn khổ hơn nữa về mặt tâm linh và tôn giáo: vì bị coi là người tội lỗi, ô uế, nên không được tham dự lễ tế, bị loại ra khỏi đời sống phụng vụ, và không được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ai tiếp xúc với người bệnh phong đều bị coi là người ô uế.

Có điều lạ là người bệnh phong trong bài Tin Mừng này có tâm tình thật đáng ngưỡng mộ. Anh đến gặp Chúa Giêsu và quỳ xuống với lời cầu xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Lời cầu thật nhẹ nhàng, thanh thoát, để tùy ý Chúa Giêsu chứ không dám đòi hỏi theo ý mình, dù anh rất muốn. Chúa Giêsu đã chạnh lòng trước thái độ này, Ngài đã vượt qua hàng rào luật lệ để đến gần và đưa tay chạm vào thân mình bệnh nhân. Ngài bất chấp nguy hiểm bị lây nhiễm, và vượt trên những điều bị coi là cấm kỵ của đạo Do Thái.

Khi chữa lành người phong, Chúa đã giải thoát người bệnh khỏi đau đớn cả thể xác và tinh thần, khiến anh vui mừng rạng rỡ. Những mặc cảm và tổn thương sâu nặng trong trái tim anh đã lành lặn. Anh còn được tái hội nhập vào đời sống xã hội và tôn giáo khi Chúa Giêsu bảo anh đi trình diện tư tế, để làm chứng cho người ta biết anh đã được lành sạch. Qua vị tư tế, anh được công khai đón nhận: nhân phẩm anh được phục hồi, danh dự anh được tôn trọng. Giờ đây anh có thể tự tin, ngẩng đầu lên để an vui sống cuộc đời mới của mình.

Ai cũng có những mặc cảm đè nặng trong tâm hồn, những vết thương sâu kín, những niềm đau khôn nguôi, những nỗi buồn khôn tả. Hãy đến với Chúa Giêsu để Ngài xóa đi những ký ức đau thương, chữa lành những thống khổ trong tâm, cả những hờn căm bao năm gặm nhấm trái tim ta. Hãy quỳ xuống để đón nhận lòng lân tuất Chúa, chứ đừng thử xem Chúa có thể làm được gì… Cần một thái độ tin tưởng, đơn sơ, phó thác, để Chúa có thể chạm đến chỗ sâu nhất của lòng mình.

Cũng như Đức Giêsu, ta hãy đến với những người bị bỏ rơi; an ủi những người sầu khổ; nâng đỡ những ngươi cô đơn, thất vọng; cứu giúp những người lầm than, túng thiếu, nhất là những người sa cơ lỡ bước bị đẩy ra bên lề xã hội. Tất cả đều là anh chị em con một Cha trên trời. Hãy tránh cho nhau những tổn thương và mặc cảm. Hãy sống với nhau bằng tình bác ái để xây dựng một thế giới của Thiên Chúa.

Cũng như Chúa Giêsu, ta hãy can đảm vượt lên những tục lệ cổ hủ và  quan niệm khắc nghiệt làm khốn đốn thêm đời sống con người, nhất là những người bất hạnh, họ càng phải được quí trọng và cảm thương hơn. Chúng ta cần làm rạng sáng khuôn mặt Đức Kitô nơi đời sống mình, giữa một xã hội còn đầy những bệnh phong hủi như tranh chấp, loại trừ, phân biệt, nghi kỵ, thành kiến, phe nhóm… để đem lại công bằng, bình đẳng, huynh đệ và an vui cho cuộc sống con người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu! 
Sự trưởng thành nhân bản của con,
thể hiện trước hết trong bác ái huynh đệ,
là yêu thương và đại lượng với nhau.

Muốn thế con phải dám ra khỏi mình,
để sống chân tình với hết mọi anh em,
qua đó con mới nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn,
Chúa đặt để nơi mỗi người như dấu ấn,
chỉ lộ diện khi sự thiện được khơi lên.

Con phải diễn tả đức tin bằng đức mến,
qua việc đi đến và chia sẻ với nhau,
sẵn sàng dâng trao những gì mà con có,
vì mọi sự là của Chúa ban cho.

Nhưng vết thương tâm làm con ngán ngẫm,
muốn rút lui và sống trong cô lập,
muốn co cụm lại vì thấy mình thất bại,
sống hết mình mà bị đối xử rất vô tình.

Con hoang mang khép lại trong chính mình,
trong những bất bình vì lòng dạ nhân sinh,
điều đó làm cho con già trước tuổi,
cảm thấy mình như con suối cạn khô.

Phúc cho con có Chúa là niềm vui tuổi trẻ,
là chính sự mạnh mẽ của đời con,
để con quảng đại mà không còn câu nệ,
vì dòng sông ân sủng Chúa tràn trề,
cho những ai sống trọn bề nghĩa thiết.

Xin khơi rộng trong con bầu nhiệt huyết,
biết vui lên khi anh em được thành công,
biết cảm thông khi anh em sống bất đồng,
biết đón nhận mà không buồn không giận,
luôn chân thành để sống trọn tình thân. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 


Suy Niêm & Cầu Nguyện Theo Phúc Âm, Năm B