HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG

Chúa Nhật XIV Thường Niên : Mt 11, 25-30.

Suy niệm

Đoạn Tin Mừng ghi lại lời nguyện của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha, trong tâm tình vui mừng và cảm tạ, vì Cha đã đặc biệt yêu thương những người bé mọn, đơn sơ, và mạc khải cho họ những điều sâu nhiệm. Tiếp đến, Chúa Giêsu mời gọi tất cả những ai vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến với Ngài để tìm sự nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Chỉ nơi Chúa, chúng ta mới tìm lại sức mạnh, an vui và thanh thản cho tâm hồn mình. Nhưng để được như vậy, Chúa muốn chúng ta hãy mang lấy "ách" và "gánh" của Ngài, nghĩa là học nơi Ngài sự hiền lành và khiêm nhường.

Hiền lành. Thánh Matthêu dùng từ Hy lạp là Praus: có nghĩa là lòng từ bi, bác ái, bao gồm thái độ hiền hoà, dịu dàng và bao dung đối với mọi người. Điều này trái ngược với tính thô bạo cứng cỏi, cũng không yếu nhược hay nhát đảm. Chúa Giêsu hiền lành nhưng không im lặng trước sự dữ. Ngài đã từng lên án gắt gao thói giả hình của nhóm biệt phái, đã xô đuổi con buôn ra khỏi đền thờ, dám vì công lý mà chịu thiệt thân, không oán hận, còn xin Chúa Cha thứ tha cho họ. Sự hiền lành của Chúa Giêsu còn là sự cảm thông sâu xa với người tội lỗi. Ngài đến gặp gỡ, đối thoại, và đồng bàn với họ. Ngài mở cho họ một con đường để tiến tới sự sống mới. Ngài giúp họ làm lại cuộc đời như Madalena, như Giakêu, hay như người thiếu phụ bên bờ giếng Giacóp. Dụ ngôn người Cha nhân hậu nói lên tấm lòng hiền lành sâu thẳm của Ngài.

Khiêm nhường. Thánh Matthêu dùng từ Hy lạp là Tapeinos. Chữ này có nghĩa là chấp nhận "đứng thấp", "ở dưới". Căn bản của khiêm nhường là biết mình như thế nào thì sống như thế ấy, không tự ti cũng không tự tôn, không tỏ ra hơn cái mình "là". Người khiêm nhường luôn mở rộng tâm hồn để đón nhận, học hỏi và thay đổi, không bao giờ sợ bị tổn thương hay mất mát. Các bậc chân nhân là những người đã sống khiêm nhường sâu xa, không muốn tỏ lộ gì ra bên ngoài, nhưng âm thầm kín đáo bên trong: “Chân nhân bất lộ tướng”Tuy nhiên, bài học khiêm nhường ở đây không chỉ theo nghĩa từ ngữ hoặc là tính cách cao đẹp của các hiền nhân, mà còn là tấm gương độc nhất của Chúa Giêsu, Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế… (Pl 2,6-10).

Khiêm nhường là hàng rào bảo vệ tốt nhất cho chúng ta tránh khỏi bờ vực của thói kiêu căng, tự mãn. Người kiêu căng là người vượt quá cái “là” của mình, bị coi là người “việt vị” trong bóng đá, vì đã vượt quá vị trí của mình. Sách Châm Ngôn cho biết: “Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào”(16,18). Đức Gioan Phaolô I nói rằng:“Trên thiên đàng không thiếu những người thu thuế và gái điếm, nhưng chắc chắn không có kẻ kiêu ngạo”. Chỉ trong sự khiêm nhường, ta mới thực sự là chính mình và mới có khả năng đạt tới cùng đích của đời mình.

Thế gian coi sự hiền lành và khiêm nhường là một thái độ sống yếu nhược. Thế nhưng sự thật nơi họ lại ẩn chứa một nội lực thâm sâu, một tính khí anh hùng, vì dám nhẫn nhục và kiên trì đến cùng trước mọi nghịch cảnh. Vương Thông đã định nghĩa như sau: ANH là người tự biết mình. HÙNG là người tự thắng mình. Những người hiền lành và khiêm nhường là những người anh hùng, vì họ đã đã biết mình và đã thắng được chính mình, thắng được tính nóng nảy và kiêu căng của mình. Thánh nhân là gì nếu không phải là người đã chiến thắng được chính mình, không còn nô lệ cho đam mê và dục vọng của mình nữa, nên hoàn toàn có tự do để sống cho Thiên Chúa và tha nhân.

Người hiền lành và khiêm nhường là dấu chỉ của Chúa Cứu thế. Trong một xã hội cạnh tranh, giữa những lối sống phô trương và loại trừ, họ biết sống âm thầm lặng lẽ và chia sẻ nỗi đau của người khác. Họ giống như những tia sáng nhỏ trong bóng tối mênh mông, nhưng đủ để làm sáng lên một dấu chỉ nhiệm mầu. Xưa Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong con người khiêm hạ của Đức Kitô, thì nay, Chúa cũng đang tỏ mình ra trong những thân phận bé nhỏ, nhưng ít ai nhận ra. Trong mọi hoàn cảnh, họ vẫn sống an vui, là dấu chỉ của niềm hy vọng vào Chúa. Đó cũng là những ý nghĩa tuyệt vời của đời Kitô hữu, khi ta biết sống hiền lành và khiêm nhường như Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Trong một thế giới đầy xung đột và tranh chấp,
phân chia cao thấp, kẻ mạnh được kẻ yếu thua,
thắng thì làm vua, thua làm giặc.

Sự thật và lẽ phải trong tay người quyền thế,
nên người hiền lành bị áp chế và xử tệ,
khiêm nhường bị coi là yếu nhược, bất tài,
cả hai xếp loại như “phường giá áo túi cơm”.

Thế nhưng đối với Chúa,
người hiền lành mới chân thành, đạo đức,
kẻ khiêm nhường mới yêu thương vâng phục,
nên mới đáng là những người được chúc phúc,
vì đem lại an bình cho thế tục nhiễu nhương.

Chúa đã sống hiền lành và khiêm nhượng,
để con noi gương mà tiến bước theo Ngài,
không dựa vào địa vị hay tiền tài mà ỷ lại,
không xem thành bại để quyết đoán đúng sai,
nhưng biết xử khoan thai ôn hòa và độ lượng,
luôn kiên trì và nhẫn nhục để yêu thương.

Hiền lành không phải không nóng giận,
nhưng cũng phải tỏ ra những lúc cần,
vì sống tình thân nhưng vẫn nói lên sự thật,
cho dù gặp khốn khó hay có những nguy cơ,
như Chúa đã trả giá khi thanh tẩy đền thờ.

Khiêm nhường không phải là thỏa hiệp,
để cho sự ác cứ nối tiếp hoành hành,
nhưng tích cực tạo môi trường lành mạnh,
cũng không thể giả vờ mà lờ đi sự dữ,
nhưng góp phần dẹp những thứ xấu xa.

Con sống hiền lành và khiêm nhượng,
không phải là cúi đầu im lặng cho qua,
trước những tha hóa xảy ra trong cuộc sống,
hoặc đứng bên lề trước những bất công,
nhưng hành động với tấm lòng nhân ái,
để cuộc đời giảm bớt những họa tai.

Noi gương hiền lành và khiêm nhu như Chúa,
con coi thường những được mất hơn thua,
không tranh đua nhưng quên mình vì công ích,
luôn phục vụ cho dù mang thương tích,
dám chịu thiệt thân, làm sáng đẹp tinh thần,
để gian trần nhận ra Chúa từ nhân. Amen.

(Trích sách: Lời nguyện của người trẻ, số 25)

Lm. Thái Nguyên




Suy Niệm Đời Chúa