THA THỨ

Chúa Nhật 24 Thường Niên năm A : Mt 18, 21-35.

Suy niệm

Khi lầm lỗi, tự thâm tâm ai cũng mong mỏi được cảm thông và tha thứ. Bản thân mình cảm thấy xứng đáng được tha thứ hơn, khi có những lý do sâu xa mà người khác không thể nào hiểu được. Sự việc xảy ra thường không đơn giản như những gì ta nhìn thấy. Sự hiểu biết hay phán đoán vội vàng chỉ gây thêm thương tổn cho nhau. Đứng trước sự xúc phạm thì đầu tiên phải là thái độ cảm thông. Thiếu sự cảm thông đồng nghĩa với việc thiếu hiểu biết gì về cuộc sống làm người, và như vậy mọi sự hiểu biết khác đều phải đặt lại vấn đề. Sự hiểu biết tách rời với tình thương là sự hiểu biết hủy diệt.

Tuy nhiên để tha thứ trong những trường hợp nghiệt ngã thật là khó khăn, vì tâm hồn ta bị tổn thương nặng nề. Nhưng không tha thứ được thì vết thương vẫn không lành, cuộc sống vẫn không yên. Cần đặt mình vào tình trạng của người xúc phạm, để ta không chỉ thông cảm mà còn biết đồng cảm, thì sẽ dễ tha thứ hơn. Nhiều khi người phạm lỗi bộp chộp, dễ bức xúc và nóng nảy nhất thời chứ không cố ý đả thương ta. Có khi họ đã quen cộc cằn và thô lỗ như vậy từ một gia đình thiếu văn hóa, và coi đó là chuyện thường tình. Không thể đòi người khác phải biết cư xử nhưng đòi mình phải biết tha thứ. Dù sao, tha thứ vẫn là điều không thể bởi tự sức mình, mà cần nhờ đến ơn thánh Chúa.

Tha thứ đã khó khăn nhưng mở miệng xin tha thứ còn khó khăn hơn. Ít ai dám nhận mình lầm lỗi, nên cũng ít ai thành thật xin lỗi. Ađam -  Eva chỉ đổ lỗi cho nhau mà không hề cùng nhau nhận lỗi. Phải chăng mầm móng kiêu căng đã nhập vào con người từ thuở nào? Cơ chế phòng vệ quá đáng đã làm chết nghẹt chân tâm của con người, vì ai cũng muốn biện minh và bao phủ quanh mình bằng sự bề thế của cái “Tôi”. Đức Gioan Phaolô II đã từng mở lời xin lỗi với cả thế giới về những lầm lỗi của Giáo Hội trong quá khứ. Trước khi ngài làm việc này, nhiều vị khác đã ngăn cản, vì nghĩ rằng làm như thế là hại đến uy tín của Giáo Hội. Tuy nhiên sau khi Đức Giáo Hoàng làm việc đó thì người ta chẳng những không chê cười, trái lại còn ca ngợi Ngài; uy tín của Giáo Hội chẳng những không giảm sút mà còn tăng thêm.

Tuy nhiên, tha thứ là phẩm tính của Thiên Chúa và cũng là phẩm chất của con người, nên vẫn phải tha thứ dù người khác không xin thứ tha. Cũng chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vào tù thăm viếng và tha thứ cho kẻ ám sát mình, dù kẻ sát nhân không hề xin tha thứ. Tha thứ không phải chỉ vì mình hay vì người khác, mà còn vì bản chất đời sống chúng ta là máng chuyển thông ơn tha thứ của Thiên Chúa, để ai cũng được hưởng bình an và bắt đầu lại đời sống mới.

Còn cảnh tượng nào đẹp đẽ và thánh thiện hơn là lúc Chúa Giêsu bị treo trên thập giá mà trái tim vẫn bao dung rộng mở, vẫn nói lên lời tha thứ cho những kẻ bất nhân đang hành hình mình:“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của Thiên Chúa, vẻ đẹp của Đấng cứu thế, cũng là vẻ đẹp của tâm hồn con người. Chẳng có vẻ đẹp nào cao vời cho bằng vẻ đẹp của lòng từ bi nhân hậu. Đó là dung nhan của Thiên Chúa, mà chúng ta đang trở nên giống Người, để làm nên một thế giới an vui, hòa bình, huynh đệ. Đó là một thế giới mà người ta phải thấy được ngay trong đời sống của Giáo hội, trong các Giáo xứ, trong từng cộng đoàn, ngay trong các Dòng tu và Chủng viện.

Ước chi mỗi người chúng ta trở nên nhân chứng sáng ngời về tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, trong một thế giới còn đầy hận thù và giết chóc lẫn nhau, một thế giới mà nhân loại chưa có một ngày bình yên vì không thể tha thứ cho nhau, cho dù nguồn ơn tha thứ và cứu chuộc của Đức Kitô đã được ban xuống cho loài người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Con luôn lãnh nhận ơn tha thứ,
nhưng rồi mấy khi con biết thứ tha.

Con nài van Chúa mở lòng,
nhưng lòng con lại không mở,
Con xin Chúa xử khoan dung,
nhưng con lại xử quá hẹp hòi.

Khi lòng bao dung bị bỏ quên,
tôn giáo sẽ lầm lạc, chân lý sẽ thất lạc,
đạo hạnh sẽ sai lạc, con người ra lệch lạc.
Khi đó giáo thuyết chỉ là mớ bòng bong,
và đức tin chỉ còn là ảo vọng.

Mỗi khi tha thứ cho người khác,
tâm con nhẹ nhàng và thanh thản biết bao.
cớ vì sao con phải luôn chấp nhất,
làm hại tinh thần và đánh mất niềm vui?

Thiên đàng hay hoả ngục
là ở chính tâm hồn con,
khi tha thứ hay không tha thứ;
khi bao dung hay bất bao dung.

Tuy tha thứ con phải chịu thiệt thòi,
giống như kẻ bị coi là dại khờ yếu nhược,
nhưng con tin tình thương sẽ chiến thắng,

quả tim chai đá phải tan chảy trước thứ tha.

Xin cho con biết luôn tha thứ,
tha thứ hoài, tha thứ mãi,
như những cánh hoa mỗi ngày
lại tỏa ngát hương thơm,
cho dù gió mưa hay nắng sớm,
hoa vẫn nở tươi để tô thắm cuộc đời. 

Xin cho đời con mãi là lời tha thứ,
lời bao dung như Chúa rất nhân từ,
làm đẹp sáng tình yêu trên thập tự. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

 


Suy Niệm Đời Chúa