LÀM CHỨNG

Chúa Nhật 33 năm A. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam : Mt 10, 17-22

Suy niệm

Chúa Giêsu không ngần ngại cảnh báo cho các môn đệ biết một thực tế rất phũ phàng và cay đắng,họ sẽ bị bách hại, và có thể kết thúc một cách bi thảm, để những ai muốn theo Ngài phải cân nhắc. Một khi đã quyết định chọn lựa thì phải dấn thân đến cùng, và “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”. Chúa Giêsu đã đi bước trước, Ngài là vị tử đạo đầu tiên vì Tin Mừng mà Ngài rao giảng. Ngài là con đường dẫn đến sự sống đích thực, nhưng thế gian lại yêu sự tối tăm hơn ánh sáng. Các môn đệ cũng thế, không hơn Thầy, bị thù ghét vì danh Thầy, và cuối cùng cũng phải hiến mạng vì Thầy để trở thành lời nhân chứng cho sự thật.

Không một tôn giáo nào bị bách hại nặng nề, lâu dài và thảm thương như Kitô giáo. Cho dù có những thế lực thù địch quyết loại trừ Kitô giáo bằng mọi cách, nhưng đạo thánh Chúa vẫn không bị tiêu diệt, mà trái lại còn tăng trưởng mạnh mẽ cả về phẩm chất lẫn số lượng. Đó là những bí ẩn của lịch sử không thể lý giải bằng lý lẽ tự nhiên, nhưng chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng đức tin. Ngay từ những năm tháng đầu tiên loan báo Tin Mừng, Hội Thánh đã trải qua 300 năm bị bách hại dưới thời các hoàng đế La-Mã. Rồi từ đó, Phúc Âm được rao giảng ở đâu, thì ở đó sớm muộn gì các Kitô hữu cũng bị bách hại.

Lịch sử Hội Thánh là một lịch sử đầy những cuộc tử đạo, ở khắp mọi miền trên thế giới, vào hết mọi thời kỳ trong lịch sử. Ngay trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này, 117 vị thánh đã được phúc tử đạo. Dĩ nhiên đây chỉ là con số tiêu biểu cho hơn 100.000 các tín hữu phải chết vì đạo. Đó là chưa kể bao nhiêu tín hữu phải sống cảnh màn trời chiếu đất, vì cuộc bách hại kéo dài đến 117 năm (1745 -1862). Điều này cho thấy sự ác liệt và thảm khốc, cũng như sức chịu đựng kiên cường và lòng trung thành đối với đức tin mà cha ông chúng ta đã lãnh nhận.

Thật là khó hiểu đối với những người không có đức tin. Vui tươi trước những may lành và thành công thì ai cũng muốn làm; hãnh diện giàu sang sung sướng thì ai cũng ham được, nhưng vui tươi trong gian nan, thử thách, đau khổ, chết chóc là một điều hết sức kỳ lạ, khác thường, không thể hiểu được. Nhưng lại rất dễ hiểu đối người Kitô giáo, vì nó phát xuất từ một đức tin mãnh liệt và tình yêu mến sâu xa đối với Thiên Chúa và con người.

Chết vì đạo chính là chết vì tình yêu, vì sự thật, vì sự thiện, nên phải có một sức mạnh của ơn thánh Chúa chứ không do sức riêng của con người. Chết mà không hận thù oán ghét, không than trách buồn phiền hay bất mãn. Trái lại, vẫn hân hoan vui sướng vì Chúa, vẫn đầy tình thương và tha thứ đối với những kẻ hành hình mình. Tử đạo như thế khác xa với mọi thứ tử đạo khác: do sự cuồng tín tôn giáo; do sự cuồng ngạo văn hóa; hoàn toàn khác với những thứ anh hùng liệt sĩ phát xuất từ các phe nhóm chính trị, xã hội hoặc đảng phái.

Ngày nay, tuy không còn phải chịu những bách hại như trong quá khứ, nhưng chúng ta đang phải đối diện với một cuộc tấn công khác có thể còn nguy hiểm gấp bội, đó là sức mạnh của tiền bạc, địa vị, khoái lạc, tự do buông thả, nhất là trong những xã hội mà người ta muốn loại trừ Thiên Chúa khỏi đời sống con người. Những sức mạnh này đã làm cho nhiều tín hữu gục ngã, mất đức tin và xa rời Hội Thánh.

Các vị tử đạo đã làm chứng bằng cái chết. Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống. Làm chứng nào cũng đòi phải hy sinh, mất mát, thiệt thòi, vì đòi ta lội ngược dòng với thế gian tội lụy. Làm sao cho tất cả mọi hành vi, thái độ và ứng xử của chúng ta luôn tỏa chiếu ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng, tạo nên một sức hấp dẫn đối với những người chung quanh, để Chúa ngày càng được nhận biết và yêu mến.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Để làm nhân chứng cho Chúa,
đời sống con phải như các tông đồ:
là người đã từng sống bên Chúa,
cảm nhận được tình thương Chúa,
ngỡ ngàng trước quyền năng Chúa.

Nhân chứng đích thực không dựa vào lời,
nhưng dựa trên cuộc đời mình đang sống,
giống như cha ông của chúng con,
dám hiến thân để tình mến vẹn tròn.

Người ta đã chán nghe những lý thuyết,
triết thuyết, giáo thuyết hay học thuyết,
người ta cũng không nghe những lý chứng,
mà chỉ muốn thấy những nhân chứng.

Những nhân chứng thì phải có dấu chứng,
là dấu vết của Chúa in đậm trên cuộc đời,
một cuộc đời chân thật và thánh thiện,
làm lộ diện một tính cách linh thiêng,
là sự sống Phục Sinh của chính Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần!
Xin Ngài luôn tác động và soi chiếu,
dẫn bước con đi trên mọi nẻo đường đời,
dám dấn thân theo lời mời của Chúa,
không để đức tin bị héo úa tiêu điều.

Con chẳng có tài năng hay đức độ gì nhiều,
con góp phần và làm việc chẳng bao nhiêu,
nhưng con quyết sống tình yêu là trên hết,
để làm nên những dấu vết trong đời,
là lời chứng âm thầm con muốn ngỏ,
trong sự hy sinh và từ bỏ mỗi ngày,
nêu cao đời công chính thẳng ngay,
cho niềm vui ơn cứu độ dâng đầy,
và Chúa là tất cả kể từ đây. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

 

 

 

 


Suy Niệm Đời Chúa