BÀI THỨ 020

CHÚA BỊ BỎ RƠI

 

CHÚ DẪN :Bethléem (Be Lem) có nghĩa là ‘nhà bánh.’ Danh từ ‘nhà bánh’diễn tả đặc tính phì nhiêu của vùng đất Bê Lem bé nhỏ. Thiên Chúa thấy trước rằng rồi đây danh hiệu này được chứng thực rất khít khao nơi Ngôi Lời.

Bê Lem tọa lạc trên một ngọn đồi và cách Giêrusalem 2 dặm về phía nam và xa Nazareth chừng 4 ngày đường. Ngay lối vào thành có nhiều quán trọ rộng rãi nhưng thiếu tiện nghi. Khách lữ hành nghỉ đêm ngay dưới những hành lang quanh nhà, và súc vật nằm la liệt ở sân trong.

 

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Ngày mai tôi sẽ suy ngắm câu: ‘không còn chỗ cho các Ngài trong quán trọ.’ Trước hết tôi ca ngợi thái độ hoàn toàn vô tư của Chúa Giêsu. Tôi cảm tạ Ngài đã giúp tôi biết can đảm trong những lúc bơ vơ. Suy ngắm xong, tôi phải sẵn sàng đón nhận và nếu có thể tôi sẽ yêu mến nếp sống đơn độc vì Chúa Giêsu. Làm sao tôi lại để mình Chúa chịu khinh bỉ mà đáng lý ra chỉ mình tôi phải chịu?

 

NGUYỆN NGẮM

 

MỘT BÀI HỌC

Non erat locus eis in diversorio: không còn chỗ cho các Ngài trong quán trọ.’ Đối chiếu hai cảnh tượng này với nhau, ta thấy: hoàn cầu, và mọi tinh tú đều thuộc quyền Thiên Chúa, thế mà Ngài không có lấy một chỗ trong quán trọ. Một lần nữa, chính các nguyên nhân phụ thuộc đã vô tình gây ra cảnh xua đuổi lạ lùng này: khách trọ đến quá đông! Và ở đây, chính Chúa muốn bị xua đuổi như thế. Đó là ý định của Ngài. Ý định đó như sau:

Chúa Giêsu xuống thế làm người vì chúng ta. Ngài minh chứng thái độ hoàn toàn vô vị lợi ngay khi giáng thế. Chúa không muốn xa hoa, tiện nghi như chúng ta. Ngài hy sinh đến nỗi từ bỏ cả nhu cầu cần thiết nhất: như một mái nhà để chào đời. Ngài muốn người Mẹ yêu dấu của Ngài cũng sống vô vị lợi sẵn sàng chia sẻ số phận của Ngài trong mọi cảnh huống cuộc đời.

Đến cứu chuộc chúng ta, công việc đầu tiên Ngài làm là ban bố một sắc luật mới. Sắc luật đó chính là việc phải từ bỏ những gì dính dáng đến thế tục, những gì khiến ta trở nên hèn hạ, cứng cỏi và bất công: nhất là lòng ham mê của cải đời này thái quá. Tuy nhiên Ngài cũng cho phép chúng ta hưởng dùng ít nhiều vui sướng, và tìm kiếm đôi chút danh dự. Nhưng Ngài không quên nhắc nhở mọi người rằng: đừng để trọn lòng mình ở đó. Đối với các tâm hồn quảng đại, Ngài dạy: hãy từ bỏ đến độ không còn muốn sự gì cho cá nhân nữa. Ôi, mấy ai yêu chuộng cảnh khó nghèo! Ngay cả những người quỳ bên máng cỏ thô hèn cũng vậy! Ôi, người ta xa tránh nếp sống nghèo khó, thế mà Chúa Giêsu đã muốn ôm ấp lấy nó ngay từ lúc sơ sinh.

 

MỘT GƯƠNG MẪU

Bài học khó khăn, đã có gương lành lôi kéo. Đem hy sinh làm điều kiện đầu tiên để sống đời đạo đức, Chúa Giêsu vẫn chưa hài lòng với câu nói: ‘abneget semetipsum: hãy từ bỏ mình.’ Ngài còn thêm: ‘et sequatur me: và hãy theo Ta.’ Chấp nhận những thiếu thốn do người yêu đề nghị thì dễ dàng bởi vì những thiếu thốn này phảng phất hình bóng người yêu. Tôi có yêu Chúa Giêsu đơn côi trong cảnh nghèo khó và hèn mọn không? Tôi có từ chối khi Ngài gọi tôi theo Ngài không? Hoàn cảnh cuộc sống hiện tại đang và sẽ đem lại cho tôi nhiều cơ hội. Đừng nhìn hoàn cảnh mà khiếp đảm nhưng hãy đặt hoàn cảnh vào ngày đen tối nhất được diễn tả qua câu nói: ‘Không còn chỗ cho các Ngài trong quán trọ.’ Chúa Giêsu chịu nghèo khổ, khinh miệt và bơ vơ. Tôi chưa bao giờ chịu đựng sự gì quá đáng như thế. Trái lại đã bao lần tôi than phiền vì thiếu tiện nghi hay bị quên lãng! Chúa Giêsu tìm thấy niềm vui mừng khi Ngài chịu thiếu thốn vì tôi. Còn tôi lại không cảm thấy êm vui gì khi tôi có thể chịu thiếu thốn vì Ngài sao? Tôi biết tôi phải làm gì trong cuộc sống thấp hèn, cam go, trắc trở của tôi: đó là yêu và sống, vậy tôi phải luôn luôn yêu và sống với Chúa Giêsu.

Chúng ta đừng quên những điều đã suy ngắm trên đây. Chúa Giêsu còn vượt trên các thiếu thốn và thái độ quên lãng của loài người: Ngài muốn Mẹ Ngài cũng chấp nhận cảnh thiếu thốn và khinh chê nữa. Đối với tâm hồn quá yêu đương như vậy thật là cam go! Còn chúng ta, chúng ta ít khi nhận ra được vẻ đẹp thiêng liêng bên trong của vạn vật nếu nhìn từ bên ngoài. Chúng ta chỉ cảm thấy đau khổ do vạn vật gây nên, nhất là khi thấy kẻ được yêu không đáp đền tương xứng với tình yêu ban phát. Có tình hiếu thảo của người con nào đối xử với người mẹ như Chúa không?

 

ĐIỀU DỐC QUYẾT

Dù khi để tôi đau khổ và bị sỉ nhục, Chúa Giêsu vẫn không tỏ ra là độc ác. Thực ra, Ngài làm như thế là làm cho Ngài và khi tôi đau khổ, Ngài cũng khổ đau thực sự. Tôi có xác tín được như thế chưa? Tôi ngạc nhiên trước thái độ ân cần phi thường của Chúa. Ước gì từ nay thái độ này luôn nâng đỡ tôi, và một ngày kia sẽ đem lại cho tôi hạnh phúc!

 

----------o0o----------