BÀI THỨ 039

CÁC NHÀ BÁC HỌC DÂNG LỄ VẬT

 

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Dù đề tài xem ra quá quen thuộc, nhưng chúng ta có thấy ở đây nhiều điều hay và hữu ích qua ý nghĩa của các lễ vật của các nhà bác học dâng lên Chúa.

Đấng mà họ cống hiến chính là Hoàng Đế, là Thiên Chúa và là một nạn nhân của bao nhiêu ghen tương ghét bỏ. Lễ vật họ dâng chính là tình yêu, kinh nguyện và hy sinh là ba nhân đức của đời sống Kitôâ hữu. Tôi sẽ để ý tìm hiểu cách thức thực thi các nhân đức đó, và tìm cách điểm tô chúng trở nên những lễ vật xinh đẹp hầu có thể mang hiến dâng dưới chân Chúa Giêsu Hài Đồng.

Lạy Chúa Giêsu, nếu chính mắt con được xem thấy Chúa bé bỏng nằm trong bức khăn và mỉm cười với con, thì con sẽ sẵn sàng dâng hiến bản thân con và mọi sự của con cho Chúa như Chúa đã ban chính Chúa cho con!

 

NGUYỆN NGẮM

 

DÂNG HIẾN LỄ VẬT

Sấp mình thờ lạy Chúa Hài Đồng được một hồi lâu, các nhà bác học ngẩng đầu lên nhưng còn giữ nguyên ở thế quỳ gối như lúc đầu. Họ thích bộ điệu này vì nó diễn tả được lòng cung kính và tình yêu mến theo phong tục Á Đông của họ. Quỳ như thế họ cảm thấy gần gũi với Hài Nhi đang nằm dưới máng cỏ hơn. Các gia nhân đem đến cho họ những cái rương bằng gỗ bách diệp chứa đầy lễ vật. Lúc lên đường họ đã được linh hứng lờ mờ về Hài Nhi sắp gặp nên họ đã chọn vàng, nhũ hương và mộc dược làm lễ vật. Vàng là lễ vật nói lên ý nghĩa vương quyền của Chúa Giêsu: vì chỉ các Vua chúa mới được cống hiến vàng. Nhũ hương tuyên xưng Thiên Tính của Ngài: vì người ta chỉ dâng hương cho Thiên Chúa mà thôi. Mộc dược xác nhận nhân tính nơi Chúa Giêsu và đồng thời tiên báo cái chết của Ngài: chúng ta sẽ gặp nhũ hương tại mồ thánh.

Ôi lạy Chúa Hài Đồng, hồn con sung sướng, đức tin con hãnh diện khi thấy những lễ vật đầy ý nghĩa này dưới chân Chúa. Chúng là những bằng chứng đầu tiên nói lên sự cao sang giấu ẩn trong Chúa. Rồi muôn đời chúng sẽ là những chứng nhân, vì lần lượt các giáo phái ly khai sẽ phủ nhận những vẻ cao sang này. Người ta không những chỉ phủ nhận Thiên Tính của Chúa thôi mà còn chối bỏ cả sự thực của thân xác chí thánh Chúa nữa. Con rất thích thú khi nhìn thấy tất cả giáo lý của Hội Thánh, các Tông Đồ, các thánh Giáo phụ và của các nhà thần học hiện đại đã được diễn tả qua những biểu vật đơn sơ ấy! Suy về những hiến vật huyền diệu này, con thấy chúng như một hạt giống chân lý vươn nở và được các thánh quảng diễn trong các sách giáo lý. Chúng như bông hoa thu mình trong hạt giống để nối liền dĩ vãng với hiện tại khác chi sự duy nhất tuyệt hảo của công trình Thiên Chúa. Đáng khen thay các nhà bác học: họ là những nhà vua thánh thiện, là những vị tiền hô và tiên tri của Chúa!

 

Ý NGHĨA CÁC LỄ VẬT

Điều lôi cuốn tôi và làm tôi quan tâm hơn cả là ý nghĩa các lễ vật. Vàng chính là lòng yêu mến, đức ái, là sự nhận biết một giá trị cao sang vì nó biến đổi chúng ta và mọi việc chúng ta làm trở nên thánh thiện, xứng đáng được Chúa toàn năng đoái đến. Bản chất của vàng là không hư hỏng và không rỉ sét. Tình yêu của tôi đối với Chúa không được bền vững như thế. Nó dễ nhơ bẩn vì hay tiếp xúc quá nhiều với tình yêu trần tục. Một lớp rỉ sét bao phủ bên ngoài vì tôi đã để nó bất động lâu ngày. Nó còn bị lu mờ vì những lỗi lầm và khuyết điểm cố tình của tôi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa nghĩ gì về lễ vật của con? Nó thật là bất xứng. Xin Chúa đừng từ chối! Vàng lấy trong quặng đất, nên có nhiều cặn bẩn, cần phải gạn lọc. Vàng ròng dầu lu mờ nhưng vẫn có thể đánh sáng. Lạy Chúa Hài Đồng, xin tinh luyện tình yêu con nên thanh khiết như vàng của ba nhà bác học.

Nhũ hương tượng trưng lời cầu nguyện, nhưng xem ra có vẻ tầm thường, không hương vị, không mầu sắc. Đúng như vậy. Thế mà một khi rơi vào than hồng, nó sẽ bốc lên, lan rộng và bay lên cao. Những làn khói trắng cuồn cuộn dâng lên, và tỏa hương thơm ngào ngạt tràn lan khắp đền thờ. Hồn tôi ơi, nếu tình cảm con vẫn còn bất động, còn tầm thường, hãy ném chúng vào lò lửa nhiệt thành của kinh nguyện: con sẽ thấy nó tỏa ra, lan rộng, bốc cao và con được hưởng đầy sự dịu ngọt lành thánh.

Tôi cũng không hề bỏ qua lễ vật khác, tuy ít giá trị, nhưng không kém phần quan trọng đó là mộc dược. Không có hãm mình, nhân đức sẽ thiếu bền vững, thiếu vẻ hoạt động và tươi sáng. Tôi phải vươn lên cao với kỳ vọng vượt trên cả đời sống Kitôâ giáo lương thiện, hầu tránh khỏi thái độ tự mãn về việc đã giữ mình khỏi các nết xấu. Tôi sẽ nhẫn nại chịu đựng những thống khổ của cuộc sống và sẽ tuân giữ luật ăn chay kiêng thịt. Hồn tôi ơi, dâng lên Hài Nhi Giêsu tình trạng thiếu thốn mọi sự thế thôi thì tầm thường quá. Ai lại bày của lễ đó ra trước máng cỏ nghèo nàn, trước cảnh túng thiếu mà chính Ngài tự ý nhận lấy vì tình yêu, trước mộc dược mà sau này dùng để tẩm liệm thân xác đẫm máu của Ngài?

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế con xin dâng lên Chúa mọi hy sinh hãm mình của con, là những chứng tích tình yêu tha thiết của con đối với Chúa: sẵn sàng đón nhận đau khổ do hoàn cảnh đưa tới như Chúa, sống đời sám hối để an ủi trái tim Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Đời sống đạo của tôi không sốt sắng nhiệt thành, thiếu tình yêu nồng nàn là tại không hãm mình, phạt xác đó thôi. Bản tính con người khác chi con ngựa chạy đua nên phải thúc chân vào hông nó thì nó mới hăng hái tiến lên được. Tất cả các thánh, tất cả, không trừ một ai, đều là những người luôn sống đời hãm mình. Các ngài cũng khuyên ta như thế. Thánh Vinh Sơn đệ Phaolô nói: ‘Không có hãm mình bên ngoài, thì hãm mình bề trong chỉ là cái hồn không xác.’ Thánh Phanxicô đệ Salê quan niệm kỷ luật là phương tiện giúp ta khao khát nhân đức.

 

ĐIỀU DỐC QUYẾT

Tôi phải làm gì bây giờ? Bắt đầu lại một thói quen mới. Tôi do dự và chần chờ mãi. Đã từ lâu Chúa Giêsu chờ mong tôi dâng lên Ngài một ít mộc dược. Ngài âu yếm mỉm cười với tôi khi tôi dâng lên Ngài các hy sinh hãm mình của tôi. Ôi nụ cười ân thưởng làm cho tôi sung sướng hạnh phúc biết bao!

----------o0o----------