BÀI THỨ 082

ĐỜI SỐNG NỘI TÂM CỦA CÁC TÂM HỒN (1)

Lời Mời Gọi

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Đời sống nội tâm phải chăng là con đường độc đạo của một số tâm hồn ưu tú? Phải chăng có nhiều người không kham nổi vì nếp sống đó nghịch với sinh hoạt hằng ngày? Tôi phải tiến thoái làm sao trước những tư tưởng không mấy tốt đẹp đang làm nản chí tôi? Đó là điểm tôi phải suy niệm trước tiên ở bài nguyện ngắm ngày mai.

Tôi sẽ tự hỏi tại sao tôi vẫn còn đứng lỳ một chỗ trên con đường đáng lẽ phải tiến, vì đã hết sức cố gắng và quyết chí thắng vượt mọi khó khăn. Có lẽ tại tôi chưa am tường hết mọi ngõ lối chăng! Đâu là đường đi nước bước của các tâm hồn đạo đức?

Lạy Chúa Giêsu, lạy Mẹ Maria, lạy thánh cả Giuse, xin các Ngài hãy gửi ánh sáng từ Trời xuống chiếu soi tâm hồn con và hãy nâng đỡ thương giúp con những gì còn thiếu thốn Xin cho con được hô hấp trong bầu khí nhà Nazareth! Xin các Ngài huấn dụ con bằng các gương lành của các Ngài! Xin nâng đỡ con trên đường theo chân các Ngài! Ước mong sao con sống được nếp sống huy hoàng rực rỡ tiềm ẩn nơi cung lòng Thiên  Chúa.

 

NGUYỆN NGẮM

 

LỜI MỜI SỐNG ĐỜI NỘI TÂM

Đời sống nội tâm không phải là con đường độc đạo của một nhóm người nhưng là của chung mọi người. Hơn thế nữa nó còn bắt buộc mỗi người Kitôâ hữu phải đi và phải hướng về, hầu đạt tới cuộc sống thánh thiện như khoa thần học dạy. Tuy nhiên một bổn phận dù nhẹ nhàng dẽ dãi đến đâu cũng không thể chu toàn được nếu không có ơn thánh phụ giúp. Thế nên không ai có quyền nói rằng: nếp sống này cao siêu quá, vượt trên bản năng của tôi, hoàn cảnh của tôi khó mà cáng đáng nổi!

Có nhiều tâm hồn tránh được thái độ tự kỷ ở trên. Họ sẵn sàng hy sinh, hoạt động cho những công cuộc cam go vất vả. Đó là cách thế phụng sự Thiên Chúa của họ. Phương thế này không phải là không tốt đẹp, tuy nhiên vẫn còn bất toàn nếu chưa có đời sống nội tâm đêå phổ vào luồng sinh lực bên trong mọi hoạt động.

Một số tâm hồn lương thiện khác lại gặp phải trở ngại trong cuộc sống bận rộn choán chiếm tâm trí, con tim và thời giờ của họ. Làm sao tôi sống hồi tâm được và sống khi nào mới được chứ, vì tôi không có nơi nào thinh lặng, chẳng có lúc nào rảnh  rang! Thật khó mà kiếm nổi lấy một phút để đọc một câu kinh vắn tắt giữa muôn việc chồng chất lên tôi. Than ôi, chẳng có hơi sức nào nữa! Đó là lý chứng viện dẫn của tôi.

Này bạn, cuộc sống bản năng của bạn không mấy thuận lợi cho nếp sống nội tâm ư? Bạn đừng quên rằng ơn thánh có bổn phận và quyền lực giúp đỡ bạn và biến nó thành một nhu cầu cho đời sống. Bạn hãy nhớ rằng những cố gắng được làm đi làm lại sẽ tạo thành những thói quen trong lãnh vực tinh thần cũng như thể lý. Bạn hãy bắt đầu và suy niệm đi! Hãy chọn lựa đề tài và hãy thi hành cho cẩn thận công việc suy niệm này, bạn sẽ thấm nhuần được lời hay ý đẹp trong đó. Bạn hãy cố gắng đặt mình trước nhan thánh Chúa trong lúc suy niệm cũng như trong ngày sống. Bạn cứ bền tâm và cố gắng tới cùng! Tất cả bí quyết thành công là như thế. Các tâm hồn chưa quen với đời sống hồi tâm cuối cùng đã đạt được như ý nhờ theo qui luật cứng rắn này!

Còn bạn, bạn đang chìm đắm trong muôn ngàn bận bịu của đời sống, bạn có tin rằng bạn đã dấn thân thái quá cho công việc thế tục này không? Bạn quan niệm như thế đã xác đáng chưa? Bạn tin rằng những giây phút dành cho hoạt động thiêng liêng sẽ tai hại cho cá nhân bạn và cho thân quyến bạn sao? Bạn chẳng tìm thấy nguồn sống cao cả khi bạn sống trong hồi tâm, xa cách người và vật đó sao? Những lúc thinh lặng do hoàn cảnh đời sống tạo nên, những khi hướng lòng lên với Chúa, việc dè dặt lời nói và giữ vẻ mặt thư thái luôn luôn, tất cả đều là những cách thức đa hiệu và đơn sơ mà ai cũng có thể làm được dễ dàng. Quả thực đời sống nội tâm có giá trị là nhờ ở những cố gắng kiên trì và những hy sinh nhiệt thành. Bạn sẽ thấy như vậy trong bài nguyện ngắm ngày mai.

            

ĐÀ TIÊÁN TRONG ĐỜI SỐNG NỘI TÂM

Là tâm hồn đạo đức, có lẽ bạn đang buồn phiền và lo lắng về trạng thái ù lỳ không sao tiến được của bạn. Bạn thắc mắc và đi tìm những phương thế giúp đỡ bạn tiến lên trong đường tu đức. Thì đây, chúng tôi xin trình bày một vài điểm có thể giúp bạn mà nhiều người đã dùng và đã thành công.

1.  Điểm thứ nhất là giản dị hóa lời cầu nguyện. Một khi đã nguyện ngắm thường xuyên về các chân lý trong đạo, một khi đã tuân theo chân Chúa Giêsu từng bước một trong cuộc sống trần gian của Ngài, một khi ý thức được Ngài luôn tác động trong tâm hồn nhờ Chúa Thánh Thần, tâm hồn đạo đức sẽ có một cái nhìn bao quát về tất cả, và không cần phải đi vào từng chi tiết mà vẫn có thể sống trong vòng ảnh hưởng của các chân lý ấy.

Tuy nhiên vì quá khôn ngoan, họ lại tưởng rằng phải suy niệm kỹ càng lần lượt mọi điều trong sách như khi họ muốn bước vào đời sống nội tâm. Nhưng hỡi bạn, đối với các điều suy niệm này, bạn chỉ cần mở mắt ra là tìm lại được chúng. Chúng ở nơi bạn rồi, ở trong tâm hồn bạn như khách trọ thường xuyên. Tuy bạn không ý thức và quan tâm tới sự hiện diện của chúng, thực ra chúng vẫn còn đó. Cái nhìn bao quát trên kia dù hỗn độn đi nữa nhưng cũng đủ sức gợi lên tâm tình kết hợp với Thiên Chúa là việc chính yếu của đời sống nội tâm.

2. Trong khi giảm thời giờ suy niệm như thế, bạn đã dành thời giờ rộng rãi hơn cho phần tâm tình. Tuy nhiên bạn đừng nên lưu luyến quá lâu ở phần này. Hãy giản dị hóa việc tâm sự bao nhiêu có thể. Chắc chắn là khi bộc lộ từng tâm tình, bạn gợi được mọi dư âm của trái tim nhờ đó làm phát triển các nhân đức nhiệt thành và làm gia tăng công đức của bạn. Nhưng nếu việc giản dị hóa các tâm tình mang lại nhiều lợi ích quí báu thì việc tập trung tư tưởng vào một tâm tình nào đó thôi sẽ đem đến kết quả quan trọng hơn bao giờ hết. Việc tập trung như vậy giúp ta hướng về Thiên Chúa mãnh liệt hơn để luôn vươn tiến về kết hợp với Ngài mật thiết hơn. Chẳng hạn nếu ta tập trung toàn lực lâu giờ vào một tâm tình duy nhất như ngưỡng mộ hoặc yêu mến thì cảm quan của tâm tình ấy dần dần tràn ngập trong ta, thấm nhuần nơi ta, và từ đó ta tiến tới chỗ tiếp xúc thực sự với Thiên Chúa một cách thực sự nào đó. Cảm quan càng mạnh thì càng lưu lại trong ta thắm đậm hơn trong ngày sống. Cảm quan càng êm dịu bao nhiêu thì càng nâng đỡ trái tim ta sống động bấy nhiêu.

3. Tâm hồn liệu có thể tiến xa hơn được nữa trong việc giản dị hóa trên đây không? Rất có thể. Đôi khi cứ thử yên lặng để lắng nghe xem, hãy gạt ra mọi tư tưởng cá nhân và chìm đắm trong thinh lặng thâm sâu để chờ xem tâm hồn sẽ thấy gì? Tâm hồn sẽ thấy một tiếng nói vang lên từ thâm cung bên trong, sẽ nhìn thấy một ánh sáng mạc khải, và cảm thấy một va chạm huyền nhiệm.

4. Việc giản dị hóa các tư tưởng, tâm tình cũng như thái độ yên lặng và chờ đợi trên đây chắc chắn không tạo nên những trạng thái huyền bí. Tất cả vẫn nằm trong phạm vi bình thường. Tất cả đều là những hành vi lệ thuộc vào ý chí chúng ta cùng vời sự phụ giúp của ơn thánh thông thường. Như chúng ta thường thấy, ơn thánh hay sử dụng đến phương tiện tự nhiên. Khi tôi giữ thái độ yên lặng và chờ đợi là tôi để cho các thái độ ấy hoạt động ngấm ngầm trong tôi cách vô thức, và rồi đến giây phút bất ngờ nào đó thái độ kia làm phát hiện những quan điểm mới mẻ và những tâm tình lạ lùng. (Trong trường hợp này Thiên Chúa vẫn hoạt động mạnh mẽ trong tâm hồn ta, nhưng hoạt động một cách gián tiếp qua các nguyên nhân phụ thuộc. Ngài có thể dùng tới hay không các nguyên nhân này tùy ý Ngài mà vẫn phát sinh các hiệu quả).

5. Công việc nguyện ngắm không phải là tất cả đời sống nội tâm. Nó tuy là động lực chính yếu, nhưng chính việc hồi tâm thường xuyên mới là căn bản của đời sống. Để thực hiện và duy trì việc hồi tâm, chúng ta cũng dùng các phương pháp giống như nguyện ngắm: suy niệm vắn tắt, bày tỏ tâm tình lâu giờ, yên lặng để Chúa hoạt động trong ta.

6. Thái độ yên lặng và giản dị hóa cần phải có một điểm khởi hành. Chúng ta hãy tìm điểm ấy ở:

a) Trong một câu nói nào đó nơi Tin Mừng, Gương Chúa Giêsu, hay các phương châm của các thánh (nhất là thánh nữ Têrêxa);

b) Bằng cách chiêm niệm các đặc tính của Thiên Chúa: vẻ đẹp đáng tôn sùng, lòng nhân hậu khôn ví, lòng khôn ngoan đáng ngưỡng mộ. Hãy đi sâu vào đặc tính vĩnh cửu của Ngài. Hãy nhìn ngắm vào sự hiện diện của Ngài trên từng ngọn cỏ, từng hạt bụi ngoài thiên nhiên. Hãy nhìn ngắm chính Thiên Chúa phục vụ chúng ta qua muôn loài thụ tạo như lời nhắn nhủ của thánh Y-nha-xi-ô với các tâm hồn thánh thiện;

c)  Chúng ta hãy hướng tâm trí về cả Ba Ngôi Thiên Chúa qua từng Ngôi vị đáng tôn thờ và đời sống của từng Ngôi;

d)  Hãy hướng tâm tư về ‘hạnh phúc vĩnh cửu’ với những cảnh vực huy hoàng và những niềm vui khôn tả bên Đấng Vô Biên;

đ)  Hãy theo chân Ngôi Lời Nhập Thể, vị Thiên-Chúa-làm-người và Chúa Thánh Linh, Đấng tạo và nuôi dưỡng đời sống ân thánh cho ta. Kết hợp với hai Đấng này để ca tụng Chúa Cha.

Các điểm khởi hành thì rất nhiều, kể ra không hết: Mỗi tâm hồn hãy lựa chọn điểm nào thích hợp với mình.

,

NHỮNG ĐIỂM SAI LẦM CÂÀN TRÁNH

Trong khi sống đời sống nội tâm, điều phải tránh trước hết là ‘tâm trí căng thẳng.’ Cần cố gắng thường xuyên, nhưng phải điều hòa và thư thái. Cố gắng vô chừng mực chứng tỏ rằng việc làm nhuốm màu thế tục thái quá và thường đi tới chỗ mệt mỏi thân xác rồi buông xuôi tháo thứ.

Trái tim cũng giống như tâm trí sẽ gặp nhiều nguy hiểm trong con đường này. Sống từ bỏ mọi tình cảm thế gian chỉ đáng ngưỡng mộ nơi những tâm hồn có ơn chọn gọi đặc biệt và không vướng mắc bổn phận nào hết. Đó là trường hợp của các ơn kêu gọi tu trì và cũng là trường hợp của một vài người thong dong trước mọi ràng buộc gia đình. Còn ngoài ra, đối với bậc cha mẹ, con cái, vợ chồng, việc từ bỏ như vậy là bất hảo và sa sút. Sống như thế là thoái thác sứ mạng Thiên Chúa trao phó. Săn sóc đến sức khoẻ người thân quyến, đến tương lai cũng như của cải vật chất và tinh thần mà thôi, cũng chưa làm tròn hết bổn phận. Còn một bổn phận nữa là phải yêu mến thật tình với trọn vẹn con tim. Đó là luật tự nhiên, ai đi ra khỏi trật tự này sẽ không đạt được đích điểm đã nhắm. Tuy không rõ ràng nhưng người ta có thể nhận biết sự thiếu sót tình cảm nơi người khác một cách nào đó: như các tương giao tình người mất đi vẻ thân mật, có khi mất cả tình tương thân tương ái nữa. Thiếu vắng tình âu yếm chân thật, trái tim con trẻ sẽ lệch lạc, và trái tim người chồng sẽ xa cách người vợ, người vợ ngược lại chỉ săn sóc chồng như máy móc không hàm chứa tình yêu.

Tình yêu Thiên Chúa nồng nhiệt nhất có thể sống và phải sống động cùng với mọi tình yêu chân chính khác của chúng ta. Chúng ta đã suy niệm điểm này trong đời sống của Thánh Gia tại Nazareth. Mỗi đối tượng đều chiếm hữu một chỗ trong trái tim ta mà không ai có thể đoạt nổi: Thiên Chúa phải được yêu mến đặc biệt hơn hết mọi loài. Ngài không phải để được yêu mến như một người con, người chồng, hoặc người vợ, mà phải hơn thế nữa. Tình yêu Thiên Chúa phải trổi vượt hẳn. Hãy để tình yêu này bá chủ đời sống chúng ta. Tuy nhiên nói thế không có nghĩa là gạt bỏ mọi tình yêu khác nhưng hãy để chúng hoạt động trong âm thầm. Tâm hồn có đời sống nội tâm hãy ngụp lặn say sưa trong vẻ đẹp khôn sánh của Thiên Chúa, nhưng cũng nên chê bỏ các niềm vui mờ nhạt thế gian khác vì chúng cũng là các sản phẩm do Thiên Chúa tạo dựng và ban phát cho chúng ta theo sự Quan Phòng của Ngài.

 

ĐIỀU DỐC QUYẾT

Tôi có thể tấn tới trong đời sống nội tâm bằng phương thế nào? Có những trở ngại nào cần phải tránh? Có những điểm nào cần phải bắt đầu? Hãy tỏ lòng ao ước sống đời nội tâm và luôn luôn cầu xin Chúa để Ngài ban cho ta lòng ao ước này.

----------o0o----------