BÀI THỨ 094

NGÀY LÊN ĐƯỜNG

I. Trường Dạy Khiêm Nhường

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Mục đích bài nguyện ngắm ngày mai là tìm hiểu sâu xa hơn về nét dịu hiền của trái tim Chúa Giêsu và vẻ đơn sơ đáng thờ lạy của Ngài. Có lẽ khi ngắm nhìn những bằng chứng dịu hiền ấy, trái tim tôi cũng trở nên hiền dịu với Đấng hằng được yêu mến. Ngài cũng có một trái tim và những xúc động như tôi. Vậy tôi có thể làm cho Ngài yêu mến tôi với mức độ nào? Tình yêu của Thiên Chúa không đo lường được. Tôi liên tưởng tới những thân mật thiêng liêng của Ngài đối với các thánh. Khi từ giã Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã sống những niềm xúc cảm của tình yêu nhân loại một cách thật đơn sơ đáng mến. Ngài thích ứng với những thói quen của các tâm hồn theo từng hoàn cảnh: với những kẻ đơn sơ Ngài nói một cách hồn nhiên bình dị; với những tâm hồn cao thượng Ngài lại mạc khải những điều cao sâu hơn.

Ôi, nếu tôi được trông thấy diễn lại trước mắt tôi cảnh lên đường, cảnh chia ly của Chúa chắc tôi sẽ xúc động lắm. Và tâm tình của tôi đối với Chúa Giêsu và Mẹ Maria bây giờ càng trở nên đằm thắm tha thiết và sống động hơn nhiều!

Lạy Chúa Thánh Linh, Đấng làm sống động các tâm hồn cao thượng, xin cho tâm hồn nhỏ bé của con cũng được sống động với những tình cảm ấy, vì Chúa thật là Đấng Thần Linh sáng tạo.

 

NGUYỆN NGẮM

 

+ Cấu tạo nơi chốn và tiền nguyện: Tôi liên tưởng ra những tia sáng ban mai chiếu rọi xuống mái nhà Nazareth, nhưng trong nhà vẫn còn mờ tối. Sau đó tôi xin ơn được hiểu biết sâu xa về trái tim dịu hiền của Chúa Giêsu, để thấu hiểu và cương quyết theo Ngài bất cứ nơi nào Ngài muốn dẫn tôi đi.

1. Chúng ta có thể tin được rằng, sau lúc từ giã ban chiều, Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã thức suốt đêm để cầu nguyện và bàn về những sự cao trọng trên Trời. Biết bao vị thánh cũng đã từng làm như vậy lúc đêm khuya trước khi khởi sự công việc vĩ đại. Tôi muốn chiêm ngắm nét mặt ngời sáng của Chúa và Mẹ Maria lúc ra khỏi lò lửa tình yêu: quả cảm chấp nhận hy sinh, niềm khao khát tôn vinh Thiên Chúa nung nấu tâm can. Màn đêm dần dần tan biến. Người ta đã có thể phân biệt được đường sá đi lại. Và Chúa Giêsu muốn rời Nazareth âm thầm không để ai hay biết.

Lúc này trái tim Chúa và Mẹ cảm động mãnh liệt nói không nên lời: nhưng chính giây phút thinh lặng đã nói lên mọi sự.

Chúa và Mẹ quì gối rồi đứng lên để nhìn nhau thật lâu. Và Chúa Giêsu, con Thiên Chúa phủ phục dưới chân Mẹ Maria (theo thánh Bonaventura) và nói rằng: Thưa Mẹ, xin Mẹ chúc lành cho con Mẹ! Mẹ Maria vô cùng cảm động, lưỡng lự và đứng như bất động. Sao? Mẹ lại chúc lành con! Chúc lành cho Thiên Chúa ư? Nhưng Mẹ nghĩ rằng đó là mệnh lệnh của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cầm lấy tay Mẹ đặt lên đầu mình, và Mẹ đã chúc lành cho người con yêu dấu. Mắt Mẹ đẫm lệ.

Được trở lại một trẻ nhỏ sống bên người Mẹ hiền thật là điều ai cũng ước ao, nhưng đối với Chúa Giêsu như vậy phải chăng là lãng quên phẩm giá Thiên Chúa của mình? Tuy nhiên Ngài cũng là người như ai khác, nên cũng cần phải có đức khiêm nhường. Ở đây đức khiêm nhường và tình con thảo nơi Chúa đã giúp chúng ta chiêm ngưỡng quang cảnh duy nhất, rất lạ lùng và bao hàm những bài học quí giá.

2. Lòng khiêm nhường nơi Chúa Giêsu và Mẹ Maria cực kỳ lôi cuốn, nhưng trong hai Đấng ai khiêm nhường hơn? Phải chăng là sự bối rối không thể diễn tả nổi của người mẹ? Hay là sự bình tĩnh hạ mình của người con? Lạy Chúa Giêsu, lòng khiêm nhường giúp Chúa thấy nơi Mẹ Maria tất cả những gì nâng cao Mẹ lên: quyền phép linh thiêng của Mẹ, nhân đức cao vời, thiên chức trọng vọng và lòng nhiệt thành trọn hảo của Mẹ. Hình như Chúa quên rằng Mẹ chẳng qua cũng chỉ là một thụ tạo, còn Chúa là Thiên  Chúa.

Nơi Mẹ Maria, nhân đức khiêm nhường cũng sinh ra những hậu quả đáng ngưỡng mộ. Trong cuộc sống bên cạnh người con cao trọng, Mẹ nhận thấy rõ sự hoàn toàn hư không của mình, nên chỉ muốn luôn luôn thờ lạy dưới chân Ngài. Nhưng hôm nay khi thấy Chúa là Đấng cao cả phủ phục dưới chân Mẹ để xin chúc lành. Thực ra người bề trên bao giờ cũng là người chúc lành. Mẹ cũng thấy mình chìm đắm trong sự khiêm nhường sâu xa.

3. Ai lại không yêu mến sự khiêm nhường khi nghĩ rằng nó giúp tất cả mọi việc bổn phận trở nên dễ chu toàn và đem lại lòng kính trọng. Trong gia đình, sự khiêm nhường đưa lại bình an, nguồn hạnh phúc bền bỉ và tình yêu thương toàn hảo. Dưới sự che chở của đức khiêm nhường tình thân ái được hoàn toàn tự do, vì không gì ngăn cản, không gì làm sai lạc hoặc phá vỡ tình thân ái đó.

Trái lại, kiêu ngạo là một kẻ thù phá hoại. Người kiêu ngạo cứng cỏi, đòi hỏi, khinh miệt và tự ái. Người khiêm nhường khinh chê mình và quí trọng người khác.

Nếu biết sống khiêm nhường, tôi đã không bị tha nhân khinh bỉ nhạo báng, và thoát được những chống đối, những lạnh nhạt tuy chưa hủy diệt đi sự hiệp nhất, nhưng cũng làm cho nó mất đi vẻ đáng yêu. Tôi phải cố gắng nhìn vào những đức tính tốt hơn là xét những nết xấu.

Theo đức khôn ngoan hướng dẫn, tôi phải từ bỏ và khiêm hạ trước mặt người dưới. Nếu thái độ này không tiện tỏ ra bên ngoài, thì ít ra cũng thực hiện ở bên trong. Việc thực hành đơn giản này sẽ giúp kẻ có nhiều quyền thế biết kiềm chế mình.

 

----------o0o---------