BÀI THỨ 101

CHÚA GIÊSU ĐỐI VỚI TỘI LỖI

I. Sống Giữa Các Người Tội Lỗi

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Sao Chúa lại chen chân vào giữa đám người tội lỗi như thế? Vì Ngài là Đấng gánh tội trần gian, và muốn bày tỏ công việc của mình một cách cụ thể. Đây là vấn đề phức tạp nhưng đồng thời cũng giúp tôi tin tưởng thâm sâu. Tôi phải cảm tạ và biết ơn Ngài vô cùng. Ngài tự nguyện thay thế địa vị tôi!

Tôi phải mặc lấy tâm tình của Ngài lúc đó. Mượn tâm tình của Ngài là điều hợp lý. Cầu xin Ngài ban cho các tâm tình ấy, vì với trí khơn nhân loại, chúng ta không thể hiểu được. Nhận thấy mình tội lỗi là cảm tưởng chung của tất cả các thánh. Đó cũng là cảm tưởng của những tâm hồn đạo đức sâu xa.

Tôi tiến lại gần bên Chúa, đứng chen vào đám người tội lỗi, để bổ túc những khiếm khuyết của tôi, để lôi kéo tôi vào đường lối hãm mình nhiệm nhặt. Sau cùng tôi tự hỏi xem tôi có thể đi xa hơn và có thể đền tội cho tha nhân được chăng.

 

NGUYỆN NGẮM

 

+ Cấu tạo nơi chốn: Tôi hình dung ra con sông Jordan chảy qua các bình nguyên khô cằn trước khi đổ vào Biển Chết. Tôi nhìn kỹ khúc sông bằng phẳng mở lối cho đoàn người buôn bán. Tôi thấy một số người đứng bên bờ sông chờ phép rửa của thánh Gioan.

Xin ơn hiểu biết tâm tình Chúa Giêsu trong hoàn cảnh này và thấm nhiễm lấy những tình cảm đó để biến cải đời sống tôi.

1. Hãy nhớ lại các nét chính của câu chuyện rồi hết sức chú ý vào Chúa Giêsu. Ngài ở giữa đám tội nhân xấu xa, hổ thẹn, đê tiện. Ngài không có gì là tách biệt xa cách với người khác, trái lại còn hòa đồng với các thái độ của họ.

Ngài từ từ bước tới, mặt cúi xuống và đợi tới lượt mình. Ngài sắp bước vào nước thánh tẩy người ta có thể dám kêu lên: thưa Ngài, Ngài làm gì thế? Đây đâu phải là chỗ của Ngài? Phẩm giá của Ngài để đâu? Là Thiên Chúa, Ngài lại không đáng mọi người kính trọng, và là ngườ, Ngài lại không tinh sạch nhất đó sao?

Chắc chắn khung cảnh này rất lạ lùng và gây nhiều ngạc nhiên, như lời thánh Gioan đã soi tỏ một cách sống động: ‘Đây là Đấng gánh tội trần gian.’ Đúng như thế, trong lúc này Ngài không là gì khác hơn được. ‘Gánh tội trần gian’ôi nặng nề hãi hùng quá! Tất cả mọi thứ tội đều xấu xa, nhiều tội rất ghê tởm, mà tội lỗi lại nhiều vô kể! Với từng người, tội lỗi riêng là gánh nặng quá sức rồi. Thế mà mình Chúa Giêsu phải đơn độc gánh tội của mọi người.

Những ý niệm này quá quen thuộc nên không còn gây nhiều xúc động nữa. Hồn tôi ơi, hãy thức tỉnh và suy nghĩ: hãy nhớ rằng, tất cả những điều đó đều có thật. Nếu như ngươi nhìn thấy một người phải chịu ngàn nhát dao thay cho nhiều người khác, nếu như ngươi nhìn thấy cả ao bùn đen bẩn dội trên một người kiều diễm, ngươi lại không hoảng sợ, thổn thức, và vô cùng xúc động sao? Chúa Giêsu gánh tội của tất cả các thế kỷ trước khi Ngài sinh ra và những tội từ nay cho đến ngày cánh chung. Thực là một cảnh tượng hãi hùng nhưng đồng thời cũng chan chứa hy vọng cứu rỗi!

2. Gánh tội lỗi nghĩa là gì? phải chăng đó chỉ là một hành động quảng đại của một người đứng ra bảo lãnh món nợ của kẻ khác? Đó không phải là một nhục nhã nhưng là một vinh dự. Với Chúa Giêsu thì khác hẳn: Ngài thay thế chúng ta thực sự, ở vào địa vị chúng ta thực sự. Và theo kiểu nói mạnh bạo của Thánh Kinh: ‘Ngài tự nhận mình là tù nhân.’ Hoàn cảnh của Ngài giống như một người vừa bị bắt quả tang đang phạm một tội hết sức thô bỉ, đang bội ước, đang mưu phản hoặc đang làm điều ô nhục. Và tình trạng ấy cứ tiếp tục tăng thêm đến vô cùng, chồng chất trên đầu một người! Ngài cảm thấy tất cả mọi ghê tởm. Thực là buồn chán và cực tâm vô vàn! Nhưng Ngài vẫn đón nhận!

Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa đã gánh lấy mọi tội lỗi trần gian thì chắc chắn Chúa cũng đã gánh lấy tội của con. Vào giờ phút con chiêm ngắm Chúa đang cúi đầu và chen chân vào giữa đám tội nhân, con nghĩ rằng Chúa nhìn thấy rõ tất cả mọi tội lỗi của con, cả những tội con không còn nhớ tới cũng hiện ra trước mắt Chúa. Chúa hoàn toàn biết rõ số tội và mức độ nặng nhẹ của mọi tội con đã phạm. Khi gánh tội lỗi, Chúa gánh chịu lấy cả sự nhơ nhuốc do tội lỗi đem lại, sự nhơ nhuốc tủi hổ mà lẽ ra con phải chịu, nhưng Chúa lại lãnh chịu cho con. Than ôi, mãi tới khi suy tưởng như thế con mới bắt đầu cảm thấy tủi hổ!

Tôi nhớ lại từng tội tôi đã phạm và cố tránh cả các tội nhẹ có thể làm cho tôi bối rối. Tôi tưởng tượng ra rằng nếu Chúa Giêsu phạm những tội ấy thì Ngài sẽ nghĩ ngợi và tỏ ra thế nào? Ngài nhục mạ và vô ơn bội nghĩa với Cha Ngài! Ngài làm mất danh giá của Cha Ngài, đuổi Cha Ngài ra khỏi tâm hồn! Ngài, Đấng trong sạch, cảm thấy có tội vì những tư tưởng và hành động nhơ nhuốc! Ngài chịu làm đối tượng cho Thiên Chúa nguyền rủa thay cho tôi!

3. ‘Gánh tội lỗi tôi’, Chúa đã chịu đựng vì tôi. Phải, vì tôi mà Ngài đã thấy mình hoàn toàn cô độc. Còn tôi, tôi chẳng cảm thấy gì! Tôi mù quáng? Tôi dửng dưng? Tôi không biết và cũng không hề nghĩ đến điều đó! Lạy Chúa Giêsu, xin chiếu ánh sáng cho con. Con nhận biết tội lỗi con rồi. Xin cho con gớm ghét tội lỗi.

Ít khi chúng ta hồi tưởng đến những tội lỗi đã phạm. Tâm hồn chúng ta chai đá, trơ lỳ. Tuy nhiên những tội ấy luôn hiện diện trước mắt Chúa, gợi lên cho Ngài những tình cảm đau thương. Dĩ nhiên các tội đó cũng gợi lên cho tôi những tình cảm tương tự!

Ta hãy xét đến tình cảm của các thánh và nhất là của các người ít tội hơn. Chúng ta hãy nhớ tới những tiếng kêu hãi hùng trong các bài Thánh Vịnh. Lòng đạo đức ngày nay không còn mang những sắc thái như thế nữa. Sự kiện cụ thể này có thể giải thích được dễ dàng là người ta không cảm thấy gánh nặng của tội lỗi đã được tha thứ. Cũng vì thế nên các nhân đức đời này không cao độ như xưa. Tôi muốn xét lại tội lỗi tôi với thái độ của Chúa Giêsu khi đứng giữa đám tội nhân để mọi tội lỗi quá khứ khích động lòng nhiệt thành và trở nên bài học khiêm nhường thực sự cho tôi.

Và kết quả có hai ý tưởng khiến phải suy nghĩ: càng đau đớn nghĩ đến tội lỗi, càng làm giảm đau khổ của Chúa Giêsu và làm nhẹ bớt gánh nặng của Ngài. Nếu tôi còn đang tâm cố ý phạm thêm tội mới là làm cho vai Ngài phải đau chĩu sâu xuống nữa sao! Đây không phải là một quan niệm đạo đức vô tưởng, nhưng chính là một chân lý. Ôi, giá xưa kia tôi đã biết nghĩ như thế! Vậy bây giờ tôi sẽ nghĩ lại.