BÀI THỨ 110

LỢI ĐIỂM CỦA SA MẠC

I.  Hiến  Vật Hy Sinh

 

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Bài nguyện ngắm ngày mai sẽ cho ta thấy Chúa Giêsu vào sa mạc để khởi sự công khai sứ mệnh của Ngài là làm hiến vật hy sinh thay cho nhân loại; khiêm nhường và hy sinh, đó là đặc điểm của cuộc đăng trình sứ mệnh này. Như thế mới có người quan niệm sa mạc không phải là nơi thanh vắng giúp người ta dễ dàng dâng lên lời kinh nguyện, nhưng là nơi đầy ải với mọi cơ cực và nhục nhã.

Còn chúng ta sẽ theo Chúa Giêsu đến đó, để ca tụng và cảm tạ Ngài, nhất là để ý thức về một bổn phận mà người ta ít biết đến, bổn phận tẩy xóa tội lỗi chúng ta. Có nhiều người không mấy quan tâm hoặc quan niệm sai lầm về vấn đề này.

Gương sống của Chúa Giêsu lôi kéo một số tâm hồn trong sạch, quảng đại tiến xa hơn nữa, và họ cũng sẽ sẵn sàng hiến mình sống đời hãm mình đền tội cho tha nhân như Chúa Giêsu.

 

NGUYỆN NGẮM

+ Cấu tạo nơi  chốn: Chúng ta hãy hình dung ra một sa mạc khô cằn hoang vu. Quang cảnh vắng vẻ, với hào huyệt, hang hố đầy thú vật: con thì dữ tợn, con thì mang nọc độc. Chúng ta hãy lắng tai nghe chúng kêu gầm vào lúc đêm về. Tiếng chó sói tru trếu lạnh lùng. Tiếng sư tử thét vang ghê rợn. Đó là nơi thích hợp với ý muốn của ‘Đấng gánh  tội trần gian.’

1. Tại sa mạc Chúa Giêsu đền tội cho chúng ta. Có lời viết: ‘Chúa Giêsu được thúc giục’, phải được thúc đẩy và lôi kéo. Chúng ta đã gặp những tiếng này, nhưng chưa đi sâu vào ý nghĩa của nó.

Hồi xưa dân Do Thái có thói quen do luật định và phải thi hành hằng năm là: dân chúng, các thầy thượng phẩm và các thày Lêvi hợp nhau tại một nơi vắng vẻ. Rồi dẫn tới một con dê đực trói chặt, để mọi người trút đổ vào con vật chịu trận câm nín đó mọi tội lỗi đã xúc phạm tới Thiên Chúa và tha nhân. Sau đó người ta cởi trói và thả cho con vật được tự do. Con vật hy sinh sợ hãi liền chạy trốn. Người ta đuổi nó vào sa mạc như mọi con vật bị chúc dữ.

Theo lời giải thích của thánh Phaolô, nơi người Do Thái, tất cả lễ nghi mang sắc thái gợi hình và tượng trưng. Lễ nghi xá tội trên đây biểu lộ ý nghĩa rõ ràng nhất. Chúa Kitôâ thường hay được ám chỉ như một con chiên, CON CHIÊN VƯỢT QUA được sát tế để cứu chuộc mạng sống chúng ta. Ở trong sa mạc Ngài xuất hiện dưới hình ảnh của sợ hãi, nói lên sự thật về tội lỗi và nhục nhã. Ngài tự đồng hóa với con vật ghê tởm, mặc lấy mọi lời lăng mạ để chạy trốn vào sa mạc một cách xấu hổ.

2. Hãy ngưỡng mộ Chúa Giêsu gánh chịu tội lỗi nhân gian. Lúc này Ngài muốn mặc lấy thái độ của con vật hy sinh. Ngài chạy trốn và tìm nơi nương ẩn trong sa mạc bao la. Hơn nữa không phải chỉ dân Do Thái trút đổ trên Ngài mọi tội lỗi, mà tất cả nhân loại, khắp nơi và mọi thời đại. Trong số đó có cả tôi nữa. Và Chúa Giêsu đã nhìn thấy tôi rõ ràng! Ngài đã nhận gánh tội lỗi nặng nề của tôi, một gánh nặng buồn chán không có gì là hứng thú.Vả lại gánh nặng sầu khổ nhục nhằn còn nặng nề hơn cả gánh nặng vật chất đè trên vai. Ôi, Thiên Chúa là Đấng tinh tuyền trọn hảo mà phải chịu những chồng chất bao nhiêu lăng mạ. Than Ôi! thế mà việc xác định tội lỗi trên không gây trong tôi ấn tượng nào cho tôi, khiến tôi có thể nhận thức ra tình trạng khốn nạn của tôi!

Phải chăng diễn tả như thế là quá đáng? Trình bày như trên chưa lột được hết thực tại, vì ngôn ngữ chúng ta bất lực không biết nói thế nào cho đúng với việc bất tuân phục của thụ tạo về mọi mặt đối với Đấng Vô Biên. Hình ảnh ‘con vật hy sinh’ trong đạo cũ Do Thái đã nói lên được đầy đủ hơn tất cả mọi ngôn từ.

3. Chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu tự ý đứng vào địa vị chúng ta, một địa vị xấu xa thấp hèn để thông cảm và thức tỉnh chúng ta, thế mà chúng ta không nhận ra tội ác của mình. Thật là lầm lỗi lớn nếu chúng chỉ nhìn tội lỗi dưới ánh sáng của lý trí. Lý trí đem lại được gì nếu không phải là cái vỏ bề ngoài của tôi, dù là lý trí của người thông thái. Vậy hãy đặt lý trí ra ngoài, vì lý trí chẳng biết được và có khi còn đánh lừa ta. Chúng ta hãy xét đoán tội lỗi theo ánh sáng đức tin. Duy mình Thiên Chúa mới biết rõ thế nào. Ngài nói đến ác tính trầm trọng của tội lỗi với lời đe dọa: ‘Hãy đi khuất khỏi ta hỡi những kẻ bị chúc dữ!’ Ác tính này hiện lên rõ ràng trong khung cảnh ta vừa suy niệm.

Bên bờ sông Jordan, Chúa Giêsu đứng giữa các tội nhân. Hôm nay, Ngài đem cất nỗi niềm cay đắng và xấu hổ của Ngài trong sa mạc. Chúng ta hãy thương cảm Ngài trong tâm tình đau khổ này, đau khổ tới mức tối đa quá sức tưởng tượng. Càng nhận ra tội lỗi loài người bao nhiêu. Ngài càng khổ nhục bấy nhiêu! Mà Ngài lại là người biết mọi ngọn nguồn tội lỗi!!!

----------o0o---------