BÀI THỨ 111

LỢI ĐIỂM CỦA SA MẠC

II. Đền Tội Bằng Đời Sống Sám  Hối

 

1. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Chúa Giêsu sống đời hãm mình trong sa mạc. Ngài chỉ nhìn thấy cảnh vật tang tóc, hãi hùng, những sườn núi thẳng đứng lởm chởm. Trời đất bao la, tất cả mọi ngọn núi trọc như muốn che lấp hết bầu trời: không một bông hoa, không mảy may vết tích sự sống, không có ai để làm bạn. Thân mẫu Ngài thì ở xa. Còn lại mình tôi có thể đến gần Ngài, và có thể cảm thấy những đau khổ của Ngài!

Ngài không sợ đau đớn khi quì trên tảng đá để cầu nguyện lâu giờ. Ngài ngủ trên đá cứng để khi thức dậy cảm thấy nhức nhối khắp mình. Ngài ăn chay liên lỉ, có lẽ cũng như thánh Gioan Tiền Hô: đồ ăn chỉ là rễ cây và cỏ dại! Nhưng có lẽ Ngài đã không ăn gì cả. Nếu thật như vậy thì đúng là một phép lạ. Nhưng dầu có phép lạ nâng đỡ Ngài đi nữa, thì cũng vẫn còn lại nơi Ngài tất cả những cơn đói nhọc cơ cực do việc ăn chay, nếu không thì tất cả chỉ là những việc làm vô giá trị.

Và ở đây, chúng ta hãy thương cảm nạn nhân hiến tế dịu hiền đó. Chúng ta cảm thấy rõ ràng hơn những khổ cực thể xác. Hãy thương cảm Ngài vì chúng ta đã yêu mến Ngài là người đang phải chịu cơ cực trăm chiều: đó là điều chúng ta thường làm đối với những người chúng ta yêu mến! Phần Ngài, Ngài chịu khổ cực thay chúng ta, vì chúng ta. Chúng ta không bao giờ thương xót Ngài đầy đủ được. Giờ đây chúng ta hãy chân thành nói điều đó với Ngài, với cả tâm hồn xúc động đau đớn nếu có thể. Hãy cố gắng đi sâu vào tâm tình của Ngài: hãy tỏ lòng đau đớn về những tội lỗi đã được tha thứ, vì chúng chỉ được tha thứ bằng đau khổ của Ngài.  Hãy tỏ lòng đau buồn về những tội nhỏ mọn của chúng ta vì Chúa Giêsu cũng phải gánh vác cả những tội đó.

Có bao giờ chúng ta nghĩ tới việc cảm tạ Ngài chưa? Than ôi, rất ít khi! Chúng ta muốn bắt chước Ngài, thế nhưng chúng ta lại quá hạn hẹp các việc hy sinh hãm mình. Ở thời buổi chúng ta, việc ăn hay hãm mình hầu như bị bỏ quên, mà thực ra chúng ta có thể thực hiện rất dễ dàng. Ít ra chúng ta nên tự đặt cho mình một vài việc hãm mình vô hại: như trong bữa ăn, bớt đi một món ăn hay giảm lượng món ngon miệng; ngủ ít giờ hơn thường lệ; xác định và nghiêm giữ những giờ thinh lặng; làm việc chăm chỉ hơn; bãi bỏ hay hạn chế những cuộc thăm viếng không cần thiết; bỏ đi những tiệc tùng và sách báo trần tục. Việc hãm mình đòi hỏi việc làm cụ thể.

2. Chúa Giêsu đã phải vào sa mạc để hãm mình phạt xác và ăn chay suốt 40 ngày đêm. Mùa Chay cũng nhằm mục đích đó và cũng kéo dài như vậy. Nhưng than Ôi! Mùa Chay bây giờ ra sao? Đâu còn hình bóng những khổ hạnh của Chúa Giêsu? Đâu còn những khổ hạnh của thời đức tin sống động? Mùa Chay qua đi mà không ai ý thức: người ta vẫn tiếp tục đời sống xa xỉ và tiện nghi. Đức từ bỏ được hiểu theo quan niệm quá rộng rãi đến nỗi chẳng còn ý tưởng gì về hãm mình. Nhiều nhân đức một ngày một tăng tiến: rước lễ thường xuyên hơn, những cuộc rước sách long trọng. Nói chung tất cả đều có vẻ tăng tiến, tuy nhiên chỉ có việc hãm mình xem ra như lùi bước.

Dù sao, đó cũng thật là điều bất hạnh. Vì việc hãm mình có hiệu năng rèn luyện ước muốn, khơi dậy lòng nhiệt thành, xa tránh trần gian. Không có hãm mình, con mắt đức tin sẽ mờ dần. Đời sống hãm mình sẽ làm đức tin thêm sống động. Nó gợi lại sự sa ngã nguyên tội, những lầm lỗi cá nhân, những nghiêm khắc và nguy hiểm của cuộc đời giúp ta hiểu được tội ác, biết được sai lầm và tránh khỏi sa ngã.

Chúng ta hãy nhớ rằng tội lỗi luôn để lại một món  nợ. Một khi đã được xá miễn, chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng nếu dấu vết vẫn còn mà chúng ta có thể tẩy xóa chúng nơi luyện ngục. Luyện ngục và nơi bảo đảm thanh toán nợ nần về các hình phạt của tội lỗi đã được tha. Nhưng luyện ngục vẫn còn xa vời! Đúng thế, luyện ngục sẽ trả tất cả những món nợ của chúng ta, nhưng tiếc thay, với một giá rất đắt. Trong khi đó chúng ta có thể thanh toán bằng cách khác: giữ tâm hồn khỏi dính bén ô nhơ, cậy vào quyền năng can thiệp của Chúa sống tiến tới trong đàng nhân đức, kết hợp với Thiên Chúa, nhất là hy sinh và hãm mình. Tất cả cách sống này đem lại lợi ích song hiệu: tẩy xóa dấu vết tội lỗi, và lãnh nhận nhiều ơn thánh mà luyện tội không thể cung cấp nổi.

3. Người ta ngạc nhiên về những hoạt động tôn giáo không mấy hiệu quả đối với đại chúng. Dân chúng nghèo nàn chất phác làm sao hiểu được một thứ tôn giáo, một Hội Thánh đầy đủ tiện nghi vật chất. Không phải đời sống giàu sang phú quý có khả năng đem Tin Mừng tới cho đại chúng, nhưng chính việc hãm mình, sống nghèo khó mới làm cho đại chúng biết Chúa Giêsu mà chúng ta muốn rao giảng. Có như thế họ mới tin theo, vì người loan báo Tin Mừng cũng sống nghèo khó vật chất hay có tinh thần khó nghèo của Chúa Giêsu. Chân lý này chứng tỏ đại chúng chỉ tin tưởng vào cuộc sống vĩnh cửu vì người Tông Đồ đã hy sinh cuộc sống hiện tại cho họ.

Tất cả những cuộc cải tà quy chánh phát nguyên từ đâu! Từ ơn thánh. Ơn thánh do đâu mà có? Do Thiên Chúa ban. Ngài ban cho những ai? Những tâm hồn biết hãm mình và cầu nguyện, như Chúa Giêsu đã nói: ‘Có loại ma quỷ mà người ta chỉ thắng được chúng bằng ăn chay và cầu nguyện thôi.’ Việc ăn chay bao hàm sự hãm mình.

Hỡi tâm hồn Kitôâ hữu, hãy trỗi dậy! Hỡi tâm hồn đạo đức, hãy đau đớn về yếu đuối của bạn! Hãy hãm mình hơn nữa, hãm mình để có thể kiên tâm tiến tới, hãm mình để kết hợp với những đền tạ của Chúa Giêsu, hãm mình để cùng với Ngài cứu rỗi tha nhân!

Trong thời đại chúng ta, vẫn có nhiều tâm hồn biết hy sinh đền tội. Điều ích  lợi do hoạt động cụ thể bên ngoài của con người đều bắt nguồn từ trái tim tận hiến. Ôi tâm hồn tươi đẹp biết bao và đáng ước ao biết mấy! Đó là những trợ lực của Chúa Giêsu rong sa mạc và là nguồn an ủi của Ngài.

 

ĐIỀU DỐC QUYẾT

1.     Đưa vào đời sống hàng ngày nhiều hành vi hy sinh. Tiên đoán và tìm ra điều tôi có thể làm thêm nữa trong mùa chay.

2.     Hãy nghĩ tới vết tích còn lại do các tội lỗi đã được tha thứ: Người ta thường hay quên mất điều đó.

----------o0o---------