BÀI THỨ 125

ĐUỔI NGƯỜI BUÔN BÁN TẠI ĐỀN THÁNH

I. Người Buôn Bán Tại Đền Thánh

 

Chú Dẫn: Trong các bài nguyện ngắm tới chúng ta sẽ nhiều lần đề cập tới Đền Thánh Giêrusalem. Do đó, thiết tưởng nên quan sát một lần xem cách xếp đặt và vị trí Đền Thánh ra sao. Có như vậy chúng ta mới biết nơi nào người ta buôn bán, trao đổi hàng hóa, chỗ nào Chúa giảng dạy giáo lý và tranh luận với người biệt phái.

          Đền Thánh giống như một pháo đài, tọa lạc trên khu đất vuông vắn, mỗi bề chừng 225 thước, và có một thành lũy  khổng lồ bao quanh. Sau bức tường này, là sân lộ thiên rất lớn. Nơi đây ai cũng có thể vào được kể cả lương dân nên được mệnh danh là ‘tiền đình người ngoại giáo.’ Các người mua bán súc vật hay đổi chác tiền bạc thường chiếm cứ ở đây. Dọc theo tường thành, người ta thấy sừng sững nhiều dãy cột chia lối ra vào thành những ô khác nhau. Cửa chính gọi là cửa Salomon. Tiếp đến là một khuôn sân nữa ăn sâu vào phía trong nhưng cao hơn sân ngoài và cách biệt với sân ngoài bằng một bức tường. Sân trong nầy được gọi là ‘tiền đình Israel’ có chia thành hai khu đàn ông và đàn bà riêng biệt. Đi qua sân trong là tới ‘tiền đình tư tế’â, ở giữa có bàn thờ hiến tế. Trong cùng và cao hơn cả là chính ‘Đền Thánh’, với lối kiến trúc thật tráng lệ. Lần lượt từ ngoài vào, trước hết là tiền đường, rồi tới ‘cung thánh’, là chỗ các thầy tư tế dâng hương mỗi ngày tại bàn thờ tiến hương, cuối cùng là ‘nơi cực thánh’, nơi mà chỉ thày cả thượng tế mới được vào dâng hương một năm một lần vào ngày lễ Xá Giải mà thôi.

 

CHUẨN  BỊ HÔM TRƯỚC

Trong bài nguyện ngắm ngày mai, chúng ta sẽ lại nói tới đức tính tự xóa mình của vị Thiên-Chúa-làm-người, đức tính mà chúng ta đã tìm hiểu nguyên nhân trong các bài trước đây. Việc tự xóa mình này có liên quan đến giai đoạn chuẩn bị sắp tới: Hạt giống không còn vùi sâu trong bóng tối thành Nazareth nữa, mà giờ đây dần dần lộ diện ra ánh sáng. Chúa Giêsu chưa muốn tuyên bố vai trò người đương thời sẽ ngạc nhiên sửng sốt. Sao lại thế được, chàng thanh niên thợ mộc con ông Giuse thuộc miền quê Nazareth ấy lại là Thiên Chúa ư! Cha mẹ cậu là người tầm thường như chúng ta, có khác biệt gì đâu!.. Để gột rửa thành kiến trên, Ngài phải tạo lập uy tín trước đã. Làm sao cho các thính giả phải thốt lên trước lời giáo huấn của Ngài: ‘Thật không có ai nói được như Ngài’! Các chứng nhân nhãn tiền khi  mục kích những phép lạ Ngài làm phải công nhận Ngài chính là Thiên Chúa. Vậy ngay trong lần gặp gỡ với đại chúng đầu tiên sắp tới, Ngài muốn cho dân chúng biết đến tâm hồn nhiệt thành của Ngài, và lôi kéo chú ý của họ bằng những lời nói bí nhiệm mà mãi về sau họ mới hiểu được ý nghĩa.

          Vậy chúng ta sẽ theo chân Chúa rời khỏi miền Galilê, trà trộn vào đoàn hành hương tiến về Đền Thánh Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Chúa đi âm thầm và lặng lẽ giữa các môn đệ vừa đi vừa trò chuyện tâm tình với các ông. Dân chúng khó mà biết Ngài là ai.

NGUYỆN  NGẮM

 

+ Cấu tạo nơi chốn: Tôi sẽ hình dung ra tiền đình người ngoại giáo với tường thành đồ sộ, dẫy cột cẩm thạch quí giá, khuôn cửa khắc tỉ mỉ, phiến đá đủ mầu sắc, cửa vòng cung làm bằng gỗ trắc, trạm trổ tinh vi. Thế mà nơi đó đang bị phàm tục hóa. Chốn thánh thiện bị hoen ố bởi những người mua bán tội lỗi và đoàn súc vật bầy bán. Tôi xin ơn hiểu biết tâm tình của Chúa Giêsu lúc đó và thấm nhuần lấy cho sâu xa.

 

CHÚA GIÊSU KIÊN NHẪN CHỜ ĐỢI                            

Trước khi đề cập đến cơn giận hào hiệp của Chúa Giêsu, tôi muốn nói về đức nhẫn nại lâu dài của Ngài. Đức nhẫn nại này được biểu lộ ra ngoài bằng một sự kiện mà ít ai đề ý tới. Hàng năm Chúa Giêsu đã lên Giêrusalem nhiều lần để chầu lễ do luật buộc nhưng chưa bao giờ Ngài lên tiếng phản đối cảnh buôn bán bầy biện lố lăng trước mắt. Tôi hình dung thấy Ngài âm thầm lướt qua đám đông hỗn độn, ồn ào, để tìm góc tường thanh vắng, thuận lợi cho việc hồi tâm và cầu nguyện với Thiên Chúa.

          Phải chăng những lúc đối diện với cảnh buôn bán như thế, tinh thần đức tin của Ngài chưa thức dậy? Chắc chắn Ngài biết rằng, Đền Thánh này là nơi chính thức mà Cha Ngài đã chọn để ngự trị, và cũng là nơi để Thiên Chúa đón nhận muôn lời chúc tụng của dân riêng Ngài và toàn thế giới! Thực vậy, Đền Thánh phải là nơi độc nhất biểu hiện sự hợp nhất linh thiêng. Ngài thừa hiểu rằng, chính nơi đây hằng năm được dâng lên Thiên Chúa bao nhiêu hiến tế mà tất cả sẽ là hình bóng của hiến tế thập gía trong Tân Ước. Ngài cũng quá biết rằng những lời kinh nguyện vang lên trong cung thánh của các tư tế tôn vinh Thiên Chúa sẽ bị chìm đắm trong bao tiếng động, kêu la ầm ỹ của người vật ngoài tiền đình người ngoại giáo.

 

GIỜ NGÀI CHƯA ĐẾN

Ngài biết tất cả, và cảm thấy tâm hồn tê tái đắng cay, một nỗi cay đắng cực độ dù vậy Ngài vẫn lặng thinh, ngoảnh mặt làm ngơ: ‘Vì giờ Ngài chưa đến.’ Giờ Ngài chưa đến? Ngài là Thiên Chúa mà còn phải lệ thuộc vào thời giờ nữa sao? Ngài lại không có quyền tự ý bày tỏ được lời trách cứ hay than phiền ư? Ngài yên lặng như thế phải chăng là đồng lõa với sự dữ?

          Có lẽ chúng ta đã quên đức kiên nhẫn và chờ đợi của Thiên Chúa có khi lâu tới một thế hệ trong thái độ yên lặng và làm thinh trước mọi sự việc! Và chúng ta không biết rằng, Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên Ngài biết trước mọi hoàn cảnh và sự việc, nhưng đồng thời Ngài cũng là người như ai khác nên Ngài để mặc hoàn cảnh đưa đẩy. Ngài chưa được lệnh hành động, vì ‘giờ Ngài chưa đến.’ Giờ này đã được ấn định rõ ràng: Ngài phải sống chờ đợi và chuẩn bị suốt 30 năm trời. Trong thời gian dài đằng đẵng ấy, Ngài không hành động gì hết, ngay đến việc phản đối nữa, vậy Ngài đã làm gì? Ngài đau khổ và dâng mọi đau khổ từng giây từng phút hiện tại cũng như tương lai lên Chúa Cha. Ngài luôn sống trong bầu khí hồi tâm và cầu nguyện. Tâm hồn Ngài tràn ngập những tiếng kêu gào thảm thiết tạ tội cho loài người, và nao nức hành động. Trái tim Ngài hằng ao ước bày tỏ lên Chúa Cha một tình yêu bát ngát như đại dương để nhận chìm vào đó mọi bất trung của loài người.

 

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

Thật là một bài học quí giá cho chúng ta! Thời gian, giờ giấc của chúng ta luôn tùy thuộc thánh ý Thiên Chúa. Thánh ý đây được biểu lộ bằng nhiều cách như chúng ta đã nhiều lần suy niệm. Có thể là một mãnh lực hợp lý hợp tình. Có thể là một tư tưởng xuất hiện trong trí khôn do Chúa linh ứng hay được lương tâm duyệt xét cẩn thận. Có thể hoàn cảnh xảy ra trong cuộc sống thời giờ hành động và diễn tiến của sự việc phải chờ đợi.

Mọi lời trách cứ, cả những lời đúng đắn nhất không phải lúc nào cũng nên có và xảy ra theo ý muốn của chúng ta. Các cơ hội để thực hiện lòng nhiệt thành không đến với ta ngay một lúc. Sự thiện mà chúng ta nhận thức và ngưỡng mộ cũng không luôn luôn có sẵn trong tầm tay chúng ta. Nói tóm lại, chính lòng khôn ngoan và tiếng Chúa sẽ xác định cho thời gian mọi sự việc.

          Trong khi chờ đợi tiếng chuông báo hiệu tới giờ hành động, chúng ta thường nóng lòng với nhiều ước ao lành thánh, muốn sám hối đền tội và cầu nguyện. Có nhiều tâm hồn không làm gì khác ngoài việc sống với các tâm tình như vậy. Thật là một công trình đáng giá, là kho tàng chung của Hội Thánh do nhiều bàn tay đóng góp và phân phát. Đó cũng là phương tiện hoàn hảo nhất để chuẩn bị cho tâm hồn thêm lòng nhiệt thành bên ngoài, vì ai được huấn luyện bằng đức kiên nhẫn sẽ trở thành con người điềm đạm và có sức mạnh.

Hãy xét mình về thái độ hấp tấp của ta. Sở đoản này lấn át sáng kiến của Thiên Chúa và đi tới các hành vi thiếu khôn ngoan.    

----------o0o---------