TRỞ LẠI GALILÊ

Chú Dẫn: Chúa Giêsu chưa muốn tuyển chọn các môn đệ. Trong thời gian lưu lại Juđê khá lâu, có rất nhiều người đến xin theo Ngài. Có người chỉ theo Ngài mấy hôm rồi lại trở về với công việc hằng ngày. Có người chỉ theo để nghe Ngài giảng dạy trong thời gian Ngài trú ngụ tại bản quán họ. Khi Ngài bỏ Samaria để về Galilê, những người đó đều rút lui và trở về sống với gia đình. Ngài không lưu giữ họ lại với mình, vì chỉ ít ngày nữa, Ngài sẽ trở về nguyên quán Nazareth để đón nhận một nhục nhằn lớn lao.

Trong thời gian đó, Ngài vẫn tiếp tục công việc chuẩn bị bằng cách làm phép lạ và giảng dạy. Ngài phán: ‘Đã đến giờ rồi! Các con hãy ăn năn thống hối và chuẩn bị đón nhận Tin Mừng!’ Phần nhiều Ngài giảng dạy trong các Hội Đường, chẳng hạn tại Nazareth mà chúng ta sắp sửa đề cập tới.

Thiết tưởng chúng ta nên tìm hiểu cách xếp đặt trong Hội Đường, và đề tài của cuộc nhóm họp tại Hội Đường.

Các Hội Đường hoàn toàn khác biệt với Đền Thánh. Đền Thánh là nơi chỉ các thầy tư tế là những người tận hiến cho Thiên Chúa mới được vào để dâng lễ vật thờ kính Đức Giavê. Toàn xứ Palestine chỉ có một ngôi Đền Thánh ở Giêrusalem mà thôi. Ngôi đền này do vua Salomon xây cất, rồi bị phá hủy và trùng tu lại nhiều lần. Lần tu sửa cuối cùng do Vua Hêrôđê Cả chủ xướng. Còn Hội Đường là những ngôi nhà dùng để nhóm họp công cộng, để nghe sách luật và để cầu nguyện. Đây là nơi hoạt động của các tiến sĩ hay đạo sĩ.

Nguồn gốc Hội Đường có từ thời phát vãng bên Babylon vào thế kỷ thứ V trước Chúa Cứu  Thế. Khi hồi hương, Esdras được cử làm tổng uỷ viên kế hoạch phục hưng xứ sở. Ông thấy cần phải tái giáo dục đạo giáo cho đại chúng. Do đó ông phát động chương trình xây cất các ngôi nhà đặc biệt dùng làm nơi hội họp cho các tín hữu. Họ sẽ qui tụ tại đây theo định kỳ để nghe nhắc nhở về bổn phận phải giữ hầu luôn sống trung thành với Đức Giavê.

Con số Hội Đường lên tới mức rất cao vào đầu kỷ nguyên Kitôâ giáo. Cứ một xóm chừng mười gia đình cũng có thể cất một Hội  Đường riêng biệt. Nguyên tại Giêrusalem đã có tới bốn, năm trăm Hội Đường. Mỗi khu phố, mỗi xóm nhỏ, có khi mỗi gia đình đều có Hội Đường riêng. Các thành phố khác cũng tổ chức như vậy, có điều con số ít hơn mà thôi. Ngay các làng mạc, thôn xóm nhỏ bé cũng tương tự như vậy.

Thường thường Hội Đường được xây theo hình chữ nhật. Phía trước là cổng chính, bên trong là một vài hàng cột. Trong phòng có nhiều hàng ghế dài. Những chỗ hàng đầu được dành cho các nhân vật quan trọng đã bỏ tiền ra mua. Trên chiếc bục kê khá cao là cái tủ ‘Têbah’, dùng để đựng các sách thánh. Tủ Têbah được kê hướng về Đền Thánh Giêrusalem, phía trước có treo một tấm màn như ở Đền Thánh vậy.  

Tín hữu có thể đến các Hội Đường hằng ngày để cầu nguyện sáng, trưa,  tối. Giờ phụng vụ chính nhằm ngày thứ Bảy, tức là ngày Sabatô. Buổi họp phụng vụ được bắt đầu bằng một kinh nguyện. Ai cũng có thể được vị chủ tọa mời xướng kinh khai mạc.

Sau phần kinh nguyện đến phần nghe đọc sách Thorah, tức là sách Luật (Sách thời đó thường là những tờ rời dán nối đuôi nhau thành một cuốn dài, hai đầu gần hai khúc cây để có thể cuộn vào mở ra từ từ theo đoạn đọc). Đọc xong sách Thorah, người xướng kinh khai mạc lúc này đứng lên đọc một đoạn sách Tiên Tri. Mỗi câu đều được dịch ngay từ bản văn chính là tiếng Do Thái sang tiếng bình dân là Araméen hoặc Hy Lạp. Tiếp theo lời dịch thường có thêm lời chú giải, như bài giảng ngắn vậy. Cuối cùng là phép lành kết thúc, sau đó ai nấy ra về. (Phỏng theo Lepin).

----------o0o---------

 

BÀI THỨ 150

CH ÚA GIÊSU BỊ ĐUỔI KHỎI NAZARETH

 I. Giảng Tại Nhà Hội

 

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Tại sao khi rời xứ  Samaria, Chúa Giêsu không về Nazareth ngay? Vì Ngài thấy trước thái độ không mấy niềm nở của người đồng hương. Ngài đã nói: ‘Không có tiên tri nào được tín nhiệm nơi người đồng hương.’ Tuy thế, rồi đây chúng ta thấy, sau khi loan truyền giáo lý cứu rỗi và minh chứng sứ mệnh của mình cho dân chúng các thành lân cận bằng nhiều phép lạ, Ngài cũng đương đầu với thử thách đó.

Danh tiếng Ngài vang dội từ miền bình nguyên lên tới miền cao nguyên Nazareth, Ngài sẵn sàng trở về nguyên quán để đón nhận cuộc tiếp đãi đầy ác cảm mà Ngài đã biết trước.

          Tại sao Ngài lại muốn đối diện với cuộc tiếp đón ác cảm ấy? Lý do là trước khi bước sang giai đoạn phong phú của hoạt động Tông Đồ, Ngài muốn nhận một cuộc thanh tẩy mới, đau đớn và mãnh liệt hơn cuộc thanh tẩy sám hối; đó là thanh tẩy bằng ô nhục.

Ngài tìm kiếm thanh tẩy này trong sự tự hạ thấp nhất và mối thất vọng đau đớn nhất đối với bà con thân thiùch tại nguyên quán. Cuộc sống ẩn dật, khiêm nhường suốt 30 năm trời, Ngài chưa lấy làm đủ. Ngài còn muốn tăng thêm đức khiêm nhường bằng chính sự ô nhục. Đó sẽ là sự tận hiến cả cuộc đời sứ mệnh của Ngài, cũng như của các thánh sau này.

          Ôi, đức khôn ngoan đáng ngưỡng mộ, và lòng nhân từ đáng ghi nhớ dường nào! Mẫu gương của Chúa Giêsu sẽ là tia sáng soi đường, là điểm tựa vững chắc, là niềm an ủi sâu xa cho chúng ta.  Chính Ngài cũng biết như thế.

          Đó là đề tài tôi nguyện ngắm ngày mai. Tôi có thể rút tỉa ở đó nhiều lời giáo huấn tốt đẹp và ích lợi. Giả sử cuộc sống tôi không gặp phải những thử thách tương tự, tôi sẽ đưa mắt nhìn vào Hội Thánh, và trước những cuộc bách hại liên miên, tôi sẽ cảm thấy mình được nhẫn nhục, tin cậy và hãnh diện.  Ôi lạy Chúa Giêsu, Chúa nhìn xa và nhân hậu biết bao!

 

NGUYỆN NGẮM

 

+ Cấu tạo nơi chốn: Tôi hình dung ra Hội Đường nhỏ bé của thành  Nazareth. Căn nhà hình chữ nhật, với chiếc bục cao trung bình dành cho diễn giả, trên đó là chiếc kệ và cuốn Sách Thánh, phía dưới là hai dãy ghế dài đã đầy người ngồi.

          Xin ơn thấu hiểu các tâm tình của Chúa Giêsu, ngưỡng mộ, yêu mến và cảm tạ Ngài.

 

CHÚA GIÊSU ĐỌC SÁCH TIÊN TRI  ISASIA

Chúng ta hãy chú ý đến sự việc sắp xảy ra! Kinh nguyện mở đầu và mấy câu sách luật đã đọc xong. Chúa Giêsu khoan thai và trịnh trọng đứng lên xin đăng đàn.

Mọi người nhìn Ngài với con mắt soi mói khinh bỉ. Người ta thì thầm với nhau: Cậu ta đấy! Nào có thay đổi gì đâu! Trông chẳng có vẻ gì đặc biệt cả, thế nhưng cậu ta ăn nói trôi chảy, và còn tự xưng mình là tiên tri nữa. Nhìn kỹ mà xem, cậu ta có dấu hiệu gì của Thiên Chúa đâu! Thời xưa lúc Maisen xuống khỏi núi Sinai, mặt mày ngời sáng. Thôi thì cứ để xem sao!

Trong khi các ý nghĩ trên ám ảnh tâm trí họ, thì Chúa Giêsu cầm lấy cuốn sách đã mở sẵn trước mặt. Đoạn sách Ngài đọc như sau: ‘Thần Khí Chúa ở trên tôi, bởi Ngài đã xức dầu cho tôi. Ngài đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đày, cho người đui mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được giải oan, loan báo năm hồng ân  của Chúa.’[1] Đoạn sách tuyệt diệu biết bao! Một mạc khải về vai trò Chúa Giêsu thật là rõ ràng!

 

CHÚA THỰC HIỆN LỜI TIÊN TRI ISAIA

Quang cảnh thực trang nghiêm. Chúa Giêsu ngừng đọc. Một bầu khí yêu lặng bao trùm cả Hội Đường như chờ đợi điều Ngài sắp nói. Với một giọng trầm hùng và bình thản, Ngài lên tiếng: ‘Hôm nay những lời này được ứng nghiệm.’

Bầu khí càng trở nên yên lặng hơn. Và Chúa Giêsu lặp lại từng chi tiết, giải thích thần khí Chúa ngự trên Ngài thế nào, tại sông Jordan có Gioan làm chứng, rồi việc Ngài đi ra giảng Tin Mừng cho muôn dân, chữa bệnh tật, tha thứ tội nhân, nâng đỡ người yếu kém, công bố năm hồng ân của Chúa không phải chỉ 50 năm một lần cho dân Israel, nhưng là giải phóng cho toàn thể nhân loại của mọi thời đại.

Chúng ta hãy dừng lại ngưỡng mộ Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh của chúng ta! Thái độ và cử chỉ của Ngài đầy vẻ oai nghi. Gương mặt Ngài tỏa ra sự âu yếm hiền dịu. Giọng Ngài nói quyến rũ đến nỗi cử tọa phải ngây ngất trước vẻ hấp dẫn của Ngài và quên đi trong chốc lát mọi thành kiến.

 

HÃY CHÚC MỪNG CHÚA CỨU THẾ

Chúng ta hãy đứng dậy và tiến đến gần Ngài để tung hô chúc mừng! Vâng, lạy Chúa, Chúa quả thực là Đấng Cứu Thế nhân từ hiều hậu mà tiên tri Isaia đã loan báo. Sách Thánh tự mở ra để chào mừng Chúa. Chúa thực hiện mọi điều tiên tri loan báo! Vâng, Thần Khí Thiên Chúa ở trong Chúa, nơi trí khôn mẫn tiệp của Chúa để mạc khải bí mật Nước Trời; ở trong đức nhân từ quảng đại của Chúa để Chúa an ủi và chữa khỏi mọi tật bệnh; trong trái tim cao thượng của Chúa để Chúa thông chuyển cho loài người tình yêu mà Chúa đã nhận nơi Chúa Cha. Rồi đây Chúa còn nhắc lại những lời nói ấy với mọi thời đại, mọi thế hệ, và Chúa cũng sẽ làm cho mọi người ngây ngất như vậy. Xin Chúa chúc lành cho những người đã hiểu biết Chúa và trung thành với Chúa. Xin Chúa thứ tha cho biết bao người thuộc mọi thời đại cũng lặp lại thói vô ơn như dân thành Nazareth xưa.

----------o0o---------

 

 



[1] Năm hồng ân là năm đặc xá, cứ  50 năm mới có một lần. Trong năm ấy, theo luật, mọi của cải di nhượng sẽ trở về với chủ cũ. Ruộng đồng bỏ hoang, hoa mầu vô chủ đều được phân phát cho người bần cùng.