BÀI THỨ 182

NGƯỜI BẤT TOẠI BÌNH PHỤC

II. Tha Tội

VẺ CAO TRỌNG CỦA CHỨC LINH MỤC

Người biệt phái nói rằng: ‘Duy mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội.’ Quả đúng như vậy, vì tội lỗi phạm tới Thiên Chúa. Thiên Chúa không ủy quyền này cho một tư tế Do Thái nào cả. Vị tư tế  Do Thái thi hành những điều luật định, chứng thực việc tha tội của Thiên Chúa thôi. Còn hối nhân nhận ơn tha tội trực tiếp chính nơi Thiên Chúa. Việc làm của vị tư tế không phải là tha tội mà là công bố tội trạng đã được tha. Quyền công bố này không tồn tại mãi nơi vị tư tế.

Ở đây Chúa Giêsu tha tội không phải với tư cách là Thiên  Chúa, vì Ngài xưng mình là Con Người. Do đó, Ngài không xác nhận Thiên Tính trong khi Ngài thực hiện việc tha tội. Ngài hé cho chúng ta thấy quyền bính của Ngài là nhận lãnh nơi Thiên Chúa, nên Ngài có quyền thực sự và quyền này tồn tại mãi trong Ngài.

Trong tòa cáo giải, vị linh mục cũng có quyền tha tội là quyền đã nhận lãnh nơi Đức Kitôâ. Thế nên, dù linh mục là người tầm thường hay tội lỗi thế nào mặc lòng, một khi thi hành quyền tha tội, chúng ta đều phải kính trọng, vì linh mục không tha tội với tư cách cá nhân của mình, nhưng nhân danh quyền bính Đức Kitôâ trao ban. Quyền tha tội cho người phạm tới Thiên Chúa là quyền riêng của Thiên Chúa, và Thiên Chúa trao lại cho linh mục, nên các linh mục có quyền thực sự. Khi xá giải, linh mục đọc: ‘Ego te absolvo’, có nghĩa là ‘chính cha đây là người tha tội cho con.’ Ngoài ra việc ăn năn tội và ý chí quyết tâm chừa cải không có trong lời đọc tha tội, nhưng đó cũng là điều kiện cần thiết để được tha tội. Tâm hồn nào không ăn năn dốc lòng chừa là chối từ hiệu quả của ơn tha tội, điều đó không quan hệ gì tới quyền bính tha tội nơi vị linh mục. Các tư tế của luật cũ không có quyền tha tội. Dù tất cả các tư tế có tụ tập đông đủ tại Đền Thánh Giêrusalem tráng lệ, trong phẩm phục tế tự lộng lẫy mấy đi nữa, cũng không thể tha được một tội nhẹ. Thiên Chúa không ban cho họ quyền ấy. Trái lại nơi một nhà thờ nghèo nàn thuộc xứ đạo miền quê hẻo lánh, vị linh mục mặc chiếc áo các phép đơn giản,  ngồi trên mấy tấm ván xếp thành tòa cáo giải, và dù Ngài có tội lỗi mấy, thì tất cả mọi tội nặng nhẹ thế nào chăng nữa, cũng được tha hết cho người đến xưng tội. Chính Thiên Chúa đã trao ban quyền nầy cho các linh mục để săn sóc Dân Chúa và tôn vinh danh Ngài.

NGUYÊN DO BỆNH TẬT

Tại sao Chúa Giêsu lại khởi đầu nói với người bất toại bằng câu: ‘Hỡi con, hãy vững  lòng tin! Tội lỗi con đã được tha hết’? Nói như vậy   Ngài muốn tỏ  ra rằng mối bận tâm chính của Ngài là phần rỗi các linh hồn. Còn các phép chữa bệnh tật chỉ là điều phụ mà thôi. Chúng ta xác tín chân lý này từ lâu, nhưng trên thực tế lại không mấy quan  tâm. Giả như được lành bệnh bằng phép lạ, có lẽ chúng ta sẽ thốt lên những lời vui mừng và hết sức biết ơn vị đại ân nhân, người đã làm phép lạ. Còn trong tòa cáo giải, chúng ta nhận được sự sống mới, trở về địa vị làm con Thiên Chúa, thế mà chúng ta vẫn thờ ơ không mảy may xúc động và tỏ lòng biết ơn. Chúng ta cũng đã được khỏi bệnh bằng phép lạ, nhưng là phép lạ vô hình; phải có tinh thần đức tin sâu xa mới cảm biết được.

Người bất toại có lẽ ý thức được rằng bệnh trạng của mình là hình phạt các tội lỗi riêng: lời nói Chúa Giêsu hé cho anh ta biết như vậy. Không cần phải làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta cũng có thể nói được rằng đó là điều được ghi chú trong luật cũ, và đôi khi cũng có trong luật mới: bệnh tật thường do tội lỗi mà ra. Hình phạt ở thế gian là một việc nhân từ và thương xót. Người bất toại đáng thương trên đây ý thức được điều đó, nên biết thân biết phận, không nói năng gì, và điểm làm anh khổ tâm nhất là sợ mình mất hạnh phúc vô tận. Bệnh tật luôn nhắc nhở cho anh ta nhớ tới số phận hẩm hiu của mình.

Phần chúng ta, một khi tội lỗi đã được tha nơi tòa cáo giải, thì hình phạt đời đời cũng không còn đe doạ nữa, nhưng chúng ta vẫn còn mắc một món nợ đó là việc đền tội. Nếu không đền tội theo như vị lịnh mục dạy, thì đừng ngạc nhiên khi thấy hình phạt Chúa bủa xuống chúng ta đời sau, và có khi ngay cả đời này nữa. Nhiều trường hợp cụ thể cho thấy tội nhân cố chấp phải chịu hình phạt ngay khi còn ở dương thế.

NHỮNG TÂM TÌNH KHÁC BIỆT

Trước cảnh cảm động ấy, dân chúng ra về nói với nhau: ‘Hôm nay chúng ta được mục kích bao nhiêu sự lạ.’ Quả thực, nhiều điều thật lạ thường: một người bất toại nằm trên chõng dược thả xuống từ mái nhà, được chữa khỏi, bệnh nhân vác chõng ra về vui vẻ, dân chúng nhiệt liệt chúc tụng Chúa Giêsu và tin theo Ngài. Trái lại, nơi các nhà luật   người biệt phái thì khác, tâm trạng của họ đối nghịch với Chúa Giêsu. Họ thất bại chua cay trước mắt mọi người, nên lòng ghen ghét càng bốc cháy. Do đó họ tìm đủ mọi lý lẽ hủy diệt lòng tin của dân chúng. Họ tìm các chứng cớ để bắt bẻ Chúa. Trước phép lạ nhãn tiền không thể chối cãi được, họ đưa ra lý luận gàn: ‘Chính nhờ ma quiû mà ông ta làm được như vậy.’

Ở đây chúng ta hãy chiêm ngắm và ngưỡng mộ Chúa Giêsu. Ngài cho dân chúng thoáng thấy thiên tính nơi Ngài. Dân chúng tung hô Ngài, số người tin theo Ngài rất đông. Chúng ta hãy cảm phục dân chúng biết tín trung, và tỏ niềm hối tiếc vì không có những tâm tình sống động nhiệt thành như họ đối với Chúa Giêsu, Đấng chúng ta biết là Thiên Chúa thực.

Nếu tâm hồn chúng ta bất toại, nghĩa là ươn lười uể oải, thiếu sinh lực, ngại hoạt động, hãy xin người bất toại trong câu chuyện trên can thiệp cho chúng ta. Anh ta biết nếp sống bất trung phải trả một giá đắt đến mức nào!

----------o0o----------