BÀI THỨ 201

 

BẢN TÍNH CON NGƯỜI VÀ TÁM MỐI PHÚC THẬT

 

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Bài nguyện ngắm ngày mai có mục đích phơi bày bề mặt thực của con người chúng ta. Tâm hồn chúng ta có nhiều chống đối mù quáng ngược lại giáo huấn của Thầy Chí Thánh: trí khôn chống đối qua việc cố giữ các thành kiến thế tục, giác quan phản ứng và lôi cuốn lý trí chiều theo tình cảm. Sau này chúng ta sẽ đề cập tới khía cạnh thực hành và nói đến những đề phòng phải giữ. Như thế, những chống đối và phản kháng trên đây sẽ dần dần tan biến, và không còn làm tâm hồn chúng ta phải rối loạn nữa. Chúng ta hãy đi từng bước một trên con đường đầy ánh sáng. Công việc ngày mai chúng ta là nhận định tâm trạng của mình, và chuẩn bị cải hóa.

Hồn tôi ơi, khi đề cập đến một chân lý trong giáo huấn, ngươi đừng chỉ nghe Chúa Giêsu nói không thôi, nhưng phải nhìn vào đời sống của Ngài nữa! Nếp sống của Ngài sẽ làm sáng tỏ lời Ngài khuyên dậy. Tám Mối Phúc Thật’ chính là những bài học cần phải được thể hiện qua đời sống.

 

NGUYỆN NGẮM

 

BẢN TÍNH CHỐNG ĐỐI CỦA CON NGƯỜI

Chỉ cần rảo qua từng điểm một là ta có thể nhận ra điểm chống đối ngay, vì nó biểu lộ thật rõ ràng. Khi Chúa Giêsu ‘chúc phúc cho đức khó nghèo’, thì bản tính con người lại khinh miệt đời sống nghèo khó, nguyền rủa những hy sinh hãm mình cần thiết mà đức đó đòi hỏi, ghét bỏ thái độ khiêm cung thể hiện ra bên ngoài. Xã hội không mấy thiện cảm với giai cấp nghèo. Cảnh túng quẫn hạ giá người nào không còn giàu sang và trưởng giả nữa. Người đời không để ý tới giới cùng đinh. Người ta coi những người phải luôn luôn nghéo khó, là giai cấp hạ tầng, và cho rằng họ thiếu vốn liếng văn hóa hay quần áo thanh lịch. Người ta khinh bỉ người nghèo!

Chúa Giêsu ‘chúc phúc cho đức hiền lành’ là muốn đề cao đức tính biết trấn át được sự bồng bột, giận dỗi mà tránh xúc phạm đến kẻ khác, và nên dễ thương với mọi người luôn biết ăn nói êm ái ngọt ngào. Sống như thế phải chăng là phải diệt đi bản tính cố hữu của mình, hay ít ra cũng làm nó trở nên sai lạc? Như vậy khác nào tự mình biến thành con người vô danh và ba phải? Nói cách khác là tự hạ giá con người mình một cách thái quá?

         Qua từ ngữ ‘than khóc’, Chúa Giêsu ‘chúc phúc cho người đau khổ’. Bản tính con người phải đương đầu với kẻ thù không đội trời chung là ‘đau khổ’ nên gắng sức vùng vẫy chống đối và phản kháng. Còn không người ta sẽ thốt lên những lời than thân trách phận, và đôi khi còn dám nói cả những lời phạm thượng nữa.

Qua từ ngữ ‘công chính’, Chúa Giêsu chúc phúc cho người làm việc thiện. Người đói khát sự công chính’ là người luôn tỉnh thức, chống lại mọi lầm lỗi, thiếu sót, vươn lên cao để đạt tới nếp sống đạo hạnh cao cả hơn. Thế nhưng theo lời Cha Rovignan, ‘bản tính con người lại kinh tởm sự thiện hảo’, nó tìm cách phản lại và thích sống buông xuôi theo hoàn cảnh.

Với lời ‘phúc cho người hay thương xót!...,’Con hãy làm điều lành cho mọi người, hãy tha thứ cho những ai xúc phạm đến con, và hãy yêu mến cả kẻ thù địch nữa!’ Bản tính con người sẽ đối đáp: ‘Tha thứ là trò bịp bợm, là tỏ ra yếu hèn. Tốt nhất là cư xử với đối phương xứng với việc làm của nó. Tha phạt cho nó là khuyến khích cho nó làm điều dữ.’

Phúc cho người có lòng thanh sạch!’ có nghĩa là đức trong sạch đòi ta không được có cái nhìn đưa tới nguy hiểm, không được ước muốn sự xấu xa, hay tư tưởng điều quấy quá. Nhưng bản tính sẽ la lên rằng: con người không thể giữ được đức này, vì nó trái nghịch với bản năng, với nhu cầu hạnh phúc con người.

           Phúc cho người hòa thuận! Người hòa thuận là người không bào chữa cho mình, và biết nhượng bộ những đòi hỏi bất công. Chúa dạy: ‘Nếu ai muốn đoạt áo trong của con, con hãy nhượng cả áo ngoài nữa. Ai tát con má bên này, con hãy đưa cả má bên kia nữa!’ Bản tính con người không cho quan niệm như thế là anh hùng: đó là thái độ nhát đảm, tự giảm thiểu uy tín của mình. Con người phải đòi và bảo vệ quyền lợi mình chứ!

 

NHÌN VÀO BẢN THÂN

Lập luận của bản tính con người là thế đó. Và đấy cũng là quan niệm của người đời. Nhưng khốn nỗi bản tính lại sống trong ta, và quan niệm của thế gian lại chế ngự ta; ta phải làm gì bây giờ?

Có nên chấp nhận ý tưởng của Chúa Cứu Thế và sống theo đó không? Hay ngược lại, có nên nhượng bộ bản tính và để quan niệm thế gian xâm nhập vào tâm chí chúng ta ngày một đậm đà hơn không?

          Hãy từ từ đọc lại từng mối phúc thật, rồi tự đặt cho mình hai vấn nạn như sau: Tôi đã xác tín chưa? Một khi đã xác tín, tôi có trung thành với lời giáo huấn đó không?

          Nếu chiêm ngắm các chân lý cao siêu này, chúng ta sẽ thấm nhuần tinh thần Kitôâ giáo ngày một sâu. Nhưng tiếc thay, chúng ta còn do dự nhiều quá! Còn bao nhiêu chống đối, bao nhiêu dè dặt vô lý! Còn bao nhiêu thái độ phản kháng và muốn bỏ cuộc!

Hãy biểu lộ tâm tình hối tiếc! Tỏ lòng ao ước lành thánh và hãy cầu nguyện!

 

NHÌN LÊN CHÚA GIÊSU

Chúng ta đừng ngần ngại gì mà không so sánh hành động của Chúa Giêsu. Lời Ngài dạy, điều Ngài làm, là làm để dạy dỗ và nêu gương cho chúng ta. Ngài đã đi vào con đường chông gai vì chúng ta, sao chúng ta lại nỡ từ chối không theo Ngài?

Hãy tưởng nhớ mọi biến cố trọng đại trong đời Ngài! Xin Ngài thêm ơn soi sáng và sức lực! Đừng xao xuyến trước những tư tưởng phản kháng hay chống đối nổi dậy trong chúng ta và làm tinh thần chúng ta phải rối loạn. Cứ kiên nhẫn cầu  nguyện rồi đợi chờ: ánh sáng sẽ đến đúng lúc.

----------o0o----------