BÀI THỨ 238

ANH EM LY KHAI

 

LÝ DO CẦN CẦU NGUYỆN CHO HỌ

Chúng ta đã cầu nguyện đầy đủ cho anh em Tin Lành và ly giáo chưa? Chưa, ngàn lần chưa, chúng ta dễ dàng xúc động thương tâm trước những người ngoại giáo bất hạnh. Lòng tin tưởng của họ cho dù có đáng ghét, nhưng cũng không khiến chúng ta phải tức giận chống lại họ. Trái lại, tận đáy lòng chúng ta vẫn luôn còn cay đắng và thù nghịch đối với anh em ly khai. Như thế những mối oán hận trong đại gia đình Kitôâ giáo càng khốc liệt và dai dẳng hơn.

Chúng ta hãy coi chừng thái độ này vì nó làm ngưng trệ lời cầu nguyện của mình. Chúng ta đừng lẫn lộn giáo thuyết xấu và người tin theo giáo thuyết xấu đó. Người ta chưa ghét bỏ và ghê tởm điều sai lầm cho đủ. Và người ta cũng chưa thông cảm và yêu mến đúng mức những người bị thuyết sai lầm đó đánh lừa.

Ở đây chúng ta không nói đến các mối liên lạc phải giữ hay phải tránh, vì điều đó tùy thuộc sự khôn ngoan, và thay đổi tùy thời, tùy nơi, nhưng chỉ bàn đến việc cứu rỗi các linh hồn. Những tâm hồn gần gũi chúng ta lại không thân thiết với chúng ta sao? Người Tin Lành và anh em Ly Khai vẫn là anh em chúng ta, cùng tin một thiên Chúa, một Chúa Kitôâ và một sự rỗi đời đời. Nói chung họ vẫn có ý ngay lành đối với các chân lý mà họ chối bỏ và các điều tuân phục mà họ từ chối.

Nhiều người đã nhận được ơn thánh do phép rửa tội, người khác lại nhận được ơn thánh do tình yêu. Khi tiếp xúc với những người hoàn hảo đó, người ta cảm thấy thực sự họ sống đời sống thần linh; vì không có đời sống thần linh đó, họ không thể có những tâm tình tốt đẹp và êm ái như ta thấy qua kinh nguyện của họ. Họ thờ lạy Chúa Giêsu và người ta thấy họ say mê Ngài như những tâm hồn tươi đẹp nhất giữa chúng ta.

Tiếc thay, họ không ở trong đoàn chiên Hội Thánh, nhưng Thiên Chúa, Đấng mời gọi họ, đã ban ơn sủng để lôi kéo họ về. Chúng ta đã thực sự cầu nguyện cho họ chưa? Có lẽ mới cầu nguyện cho họ chút ít thôi. Nhưng cầu nguyện với tâm tình và mức độ nào? Tiếng của chúng ta còn quá yếu ớt, khó bay lên tới Trời cao được.  Chúng ta chưa thốt lên từ đáy lòng chúng ta những tiếng kêu mời có sức thuyết phục thái độ dửng dưng của họ. Đôi khi chúng còn có vẻ cay chua gay gắt với họ, nếu họ vu khống hay cản trở công việc của chúng ta. Không, vẻ gay gắt đó không giúp chúng ta cầu nguyện, cũng không thể dập tắt những lời vu khống và thù nghịch nơi họ. Chỉ tình yêu thương mới có sức làm được việc đó, vì tình yêu mới tha thứ, chịu đựng và đưa đến cầu nguyện. Các vị Tông Đồ đầu tiên và các tông đồ ở mọi thời đại đều luôn hành động với lòng thương yêu và tha thứ. Chúng ta cũng là những tông đồ, chúng ta cũng phải xử sự như các ngài. Nhất là chúng ta phải luôn nhớ rằng, đối với công cuộc chinh phục này, thì lời cầu nguyện là khí giới cần thiết và mạnh mẽ nhất.

 

LÝ LẼ BÀO CHỮA CỦA HỌ

Chỉ bó buộc gia nhập Hội Thánh hữu hình tất cả những ai đã nhận biết bổn phận này. Còn những người không biết do ý ngay lành, thì cũng không có lỗi. Sự bắt buộc này có lẽ không bao giờ xảy đến với một số tâm hồn, dù là những tâm hồn rất thông thái. Đó là trường hợp của Bác sỹ Pusey, người đã mở ra cho người khác một con đường mà chính ông thì lại không đi theo. Nguyên tắc sai lầm về ‘kinh nghiệm tôn giáo’ đã ngăn giữ ông lại. Ông nói rằng: ‘tôn giáo của tôi làm tôi trở nên tốt, được bình an và hạnh phúc. Đó là tôn giáo thích hợp với tâm hồn tôi.’ Ông coi sự thích hợp này như là tiêu chuẩn nhận ra chân lý. Một tôn giáo vô lý nhất cũng có thể gây ra những hiệu quả tương tự. Dù vậy, ai là người có thể tuyệt vọng về phần rỗi của một người ngay thẳng như thế? Đôi khi ảo tưởng có thể làm trí khôn xuất sắc trở nên mù quáng; nhưng nếu họ thành thật thì họ cũng được cứu rỗi. Đối với anh em Ly Khai Hy Lạp thì lòng tin ngay thẳng này lại còn đáng chấp nhận hơn nữa.

 

THIÊN CHÚA TÔN TRỌNG LUẬT LỆ RIÊNG CỦA NGÀI

Tại sao Thiên Chúa không đem những phần tử thuộc Hội thánh vô hình vào Hội Thánh hữu hình? Đó là câu hỏi tự nhiên đến với tâm trí chúng ta. Thoạt tiên câu hỏi đó như không thể giải quyết được và chúng ta dễ dàng lập lại một câu nói rất hợp với sự ngu muội của chúng ta: ‘Ôi cao sâu thay ý định của Chúa, vì nào ai có thể dò được!’ Nhưng khi suy nghĩ kỹ người ta sẽ thỏa mãn vì nhận thấy rằng câu hỏi đó giúp ta khám phá ra những nguyên tắc quan trọng, nhờ đó chúng ta có thể hiểu được vấn đề khó khăn gai góc này. Chúng ta sẽ lần lượt kể ra các nguyên tắc đó.

Một nguyên tắc được mọi người nhận biết đó là khi đem trật tự siêu nhiên vào cuộc sống ta, Thiên Chúa vẫn không hủy bỏ trật tự trong thiên nhiên. Ngài muốn mỗi trật tự đó cứ theo đường lối riêng biệt của mình. Ngài không muốn can thiệp bằng phép lạ. Phép lạ chỉ là một ngoại lệ họa hiếm và tạm thời. Theo luật tự nhiên của trật tự xã hội, thì con người gắn bó với tôn giáo cũng như với tổ quốc mình một cách bền chặt, không cần lý luận. Con người nô lệ cách vô ý thức vào môi trường. Con người sống theo thói quen và truyền thống. Và tiếc thay con người cũng lại là nạn nhân của những thành kiến thô kệch nhất, bất công nhất.

Đó là những luật chung mà anh em ly khai cũng chịu ảnh hưởng như những người lương dân khác. Dù sai lầm, nhưng nếu có được lòng tin ngay lành toàn vẹn, người con của Thiên Chúa vẫn có thể sống và phát triển. Họ sai lầm khiến ta không nhận ra họ, nhưng Thiên Chúa, Đấng nhìn thấu tâm can sẽ nhận biết họ. Ôi đáng hy vọng và an ủi biết bao!

----------o0o----------