BÀI THỨ 250

‘LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY’

 

LƯƠNG THỰC GỒM MỌI CỦA CẢI

Lương thực ở đây thực ra có nghĩa tượng trưng. Nói đến lương thực chung của đời sống thì phải hiểu không những cơm bánh mà thôi nhưng tất cả mọi của cải khác kèm theo. Nếu có trực tiếp ám chỉ những của cải vật chất, thì đàng khác cũng gián tiếp ám chỉ cả những phạm vi trần thế ở mức độ cao hơn như sức khoẻ, việc làm, kinh doanh, gia đình và tình bằng hữu. Tất cả đều là nhu cầu cần thiết đối với chúng ta. Như thế chúng ta đâu có thể loại trừ khỏi những kinh nguyện những của cải quý giá và tế nhị này được!

Nội dung của lời kêu xin này nhiều không kể xiết, chúng tràn đầy trong cuộc sống ta và gây cho ta thật nhiều bận tâm sôi động nhất. Có nhiều điều kiện khác nhau đặt ra cho các loại cầu nguyện này, nhưng với đa số thì Thiên Chúa không có hứa hẹn gì rõ ràng và nhất định cả. Bây giờ không phải là lúc suy niệm những điều đó, tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ lại các nguyên tắc: a) tìm ra nguyên do; b) luôn sống khiêm nhường và tin tưởng; c) không quá lo lắng tới thành công hay thất bại, mà thể mặc Chúa định liệu để Ngài được vinh danh hơn và hữu ích cho chúng ta hơn.

Lạy Chúa Giêsu, không biết con có những tâm tình đó chưa? Chẳng hạn trong vấn đề sức khoẻ của những người thân thuộc hay của chính bản thân con, về vấn đề tài sản hay địa vị, sung túc hay thiếu thốn, con lại thường hay quên lời khuyên quan trọng của Chúa: ‘Trước hết hãy tìm nước Thiên Chúa đã; mọi sự khác Thiên Chúa sẽ ban cho gấp trăm.’ Than ôi, ‘sự khác’ này lại chiếm chỗ quá rộng rãi trong con! Thực vậy, con thường chỉ lo lắng, bồn chồn, báo động ầm ỹ chứ không lo tìm nước Chúa. Khi bảo con phải dâng lên Chúa những lời cầu xin này, Lạy Chúa, Chúa đã muốn con kêu xin cách bình thản và trong tinh thần từ bỏ. Con cần hiểu rằng tìm được Nước Chúa là tìm được tất cả.

Lạy Chúa Giêsu, chắc chắn không phải vô cớ mà Chúa đặt hai tiếng ‘hằng ngày’ vào ngay cuối lời cầu xin. Hai tiếng này cũng là cả một bài học, vì đây là xin lương thực ngày hôm nay, chứ không phải ngày mai và nhất là không phải những ngày xa xôi chưa tới. Giao phó cho Thiên Chúa lo lắng của ngày mai, đó thật là tình con thảo. Và không chồng chất những lo âu tương lai thêm vào lo âu hiện tại, cũng thực là điều khôn ngoan.

Lạy Chúa là Thầy Chí Thánh của con, chỉ hai tiếng này cũng đủ nhắc cho con nhớ đến giáo huấn cao siêu của Chúa về việc giải thoát linh hồn Kitôâ hữu: Chúa muốn chúng con sống phó thác như bông hoa đồng nội, như chim sẻ bé nhỏ sống an bình trong phút giây hiện tại.

 

LƯƠNG THỰC LÀ GÌ?

Công thức cầu nguyện trên đây hàm chứa một ý nghĩa sâu xa. Không phải vô tình mà Chúa Giêsu đã chọn hình thức này đâu. Hình thức đó nói lên những gì? Tại sao chỉ nói hai tiếng ‘lương thực hằng ngày’ mà thôi trong khi phải hiều đó là tất cả những nhu cầu vật chất đời này của ta?

Ôi, đây thực là một bài học sâu xa, được diễn tả cách tế nhị mà ít ai hiểu rõ! Bài học dạy ta chỉ xin những gì cần thiết và không xin dư thừa. Người Kitôâ hữu không bao giờ được tham lam tìm kiếm của cải giàu sang và sung sướng để hưởng thụ, vì nếu là công dân Nước Trời, họ sẽ tự làm mất giá trị, còn nếu người sống thuần theo tình cảm, họ sẽ đi đến chỗ sa đọa.

Bạn đã hiểu kỹ bài học này chưa và khi đọc những tiếng ‘lương thực hằng ngày’ trong kinh Lạy Cha, bạn có nhớ tới bài học đó chăng? Đây là lời nhắc chúng ta nhớ đến phẩm giá chúng ta, đồng thời cũng là một lời khiển trách kín đáo đối với những ai muốn tìm kiếm giàu sang và xa hoa. Về phương diện này người ta dễ lầm tưởng biết bao! Chỉ là một thói quen hưởng thụ của cải thặng dư vô bổ nào đó cũng được coi như là một nhu cầu cần thiết, không có không được. Người ta chẳng hề nghĩ tới việc giảm bớt những tiêu xài hoang phí để thực hiện việc bác ái rộng rãi hơn, hoặc nhất là để bắt chước nếp sống nghèo khó của Chúa Giêsu. Một tâm hồn Kitôâ hữu đích thực thì luôn luôn sẵn sàng chấp nhận những thiếu thốn do hoàn cảnh mang đến, và có lẽ họ cũng sẽ không nghĩ rằng mình trở nên sáng chói cao đẹp hơn nhờ chính những từ bỏ tình nguyện.

Khi tự ý hạn chế một vài tiện nghi, sở thích này nọ, việc ăn uống hoặc trang điểm, người ta cho rằng mình đã đi đúng đường lối và không nhìn xa trông rộng thêm nữa. Bạn hãy so sánh hoàn cảnh của bạn với bao nhiêu người khác, bạn sẽ thấy ngay mình có thể bỏmbớt được biết bao nhiêu điều mà Thiên Chúa đang ước ao và mong đợi bạn từ bỏ.

 

KẾT LUẬN THỰC HÀNH

Đừng để các suy tư trên đây đánh động tâm trí chúng ta trong giây lát để rồi lại im lìm mà không thay đổi được gì. Trái lại, chúng ta hãy nghiêm chỉnh xét lại thái độ của ta đối với các tiện nghi của cải dưới đất này. Chúng ta hãy tự hỏi: ‘Nếu tôi được toàn quyền tự do, tôi có giảm bớt mức sống, giảm bớt những kiểu cách chưng diện và những tiêu phí không cần thiết chỉ nhằm đem lại một vài vui thú chăng?’

Tôi thích có đời sống nghèo khó không? Có sẵn lòng dùng những thứ đồ ăn vừa phải, những vật dụng tầm thường, những quần áo nhạt mầu và có hơi cũ chăng? Ý tưởng về sự thay đổi này và những vấn đề liên hệ lại không làm tôi bực mình sao? Biết đâu lại không thầm hài lòng khi gia đình hoặc sức khoẻ khiến tôi có những lý do để từ bỏ như thế?’

Cùng các tâm hồn đạo đức! Nếu Thiên Chúa không đòi các bạn phải từ bỏ tất cả đến nỗi thay đổi hẳn đời sống bên ngoài của các bạn chẳng lẽ Ngài lại cũng không đòi các bạn từ bỏ một ít điều nào đó sao? Các bạn hãy xem xét có thể dâng lên Ngài những gì từ ngay bây giờ, ngay từ hôm nay. Các bạn hãy quan tâm đến hoàn cảnh sống và cả đến nấc thang nhân đức của các bạn nữa! Làm ít vẫn còn hơn là không làm gì. Hãm mình chút ít như thế chính là khởi sự chống lại những tìm kiếm tham lam thái quá, là bắt đầu đoạn tuyệt với các tập quán xấu, là một bước tiến xích lại gần sự nghèo khó của Chúa Giêsu.

----------o0o----------