BÀI THỨ 253

  XIN THA NỢ CHÚNG CON NHƯ

                      CHÚNG CON CŨNG THA’

 

Chúng ta không cần dừng lại quá lâu trước lời khẩn cầu này vì nó có liên hệ với tình yêu tha nhân, một đề tài chúng ta đã suy niệm. Ở đây, bổn phận yêu mến tha nhân biểu lộ dưới một khía cạnh đặc biệt, gợi cho chúng ta nhiều suy tư ích lợi và cảm động.

 

THẾ GIAN ĐẦY TỘI NỢ

Chú ý đầu tiên của chúng ta trong những bài nguyện gẫm sau đây là để tìm ra những điều đáng thán phục trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Phải, ‘thán phục’, chúng ta không bao giờ thôi dùng từ ngữ này, đồng thời luôn hãnh diện vì có Thầy dạy thật là đích đáng.

Để ý thức rõ điều này, chúng ta hãy lập lại hai bảng so sánh. Trong bảng thứ nhất chúng ta thấy cả một đám mây cuốn những tội ác và lỗi phạm hàng ngày, hàng giờ từ đất dâng lên. Những lầm lỗi và tội phạm này đối với Thiên Chúa là gì? Đó là sự khinh thường lề luật của Ngài, và cũng có thể là khinh miệt chính Ngài nữa. Đó là hỗn loạn liên lỉ phá tan chương trình hạnh phúc thương yêu Thiên Chúa ban cho loài người. Cũng có khi là sự hư hỏng tận bản tính. Chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi sự kinh tởm và gớm ghét mà một Đấng vô cùng trong sạch, khôn ngoan và nhân hậu phải chịu đựng trước cảnh tưởng như thế.

Sự ghê tởm mà chúng ta cảm thấy khi nhìn vào một xác chết đang rữa thối cũng không so sánh được với sự ghê tởm ấy.

Trong bảng thứ hai, chúng ta thấy tất cả những đố kỵ, ghen ghét của loài người đối với nhau và tất cả những tai hoạ do lòng ghen ghét gây ra, như nước này thù oán nuớc kia, dân một thành ghen ghét lẫn nhau, và than ôi, nhiều khi anh em, cha mẹ, con cái trong một gia đình cũng ghét nhau nữa. Chẳng ai muốn nhận lỗi của mình, chẳng ai chịu từ bỏ quyền lợi của mình. Trái lại, ai cũng phóng đại lầm lỗi kẻ khác và lúc nào cũng cho rằng mình bị hàm oan. Phải chăng các thiên tai hãy còn quá ít hay sao mà loài người còn bày thêm nhiều tai hoạ nữa để cho vui, và không chịu nhận biết những an ủi do đời sống thuận hòa đem lại. Đam mê làm con người mù quáng, và suy lý của các triết gia cũng không thể soi dẫn con người được, nói chi tới việc dạy khôn nhân loại.

 

QUYỀN LỰC CỦA ĐỨC KYTÔ

Chúa Giêsu xuất hiện như một Đấng ban ơn hòa bình, đã đổ máu ra nên Ngài có quyền thưa với Thiên Chúa và nói chuyện với loài người. Tất cả đều phải lắng nghe Ngài. Ngài đã đưa ra đề nghị gì về hòa bình? Ngài tóm lược đề nghị này vào lời khẩn cầu trong kinh Lạy Cha: ‘Lạy Cha, xin tha thứ những xúc phạm của loài nguời, cũng như loài người đã tha thứ cho nhau các đìều họ xúc phạm lẫn nhau.’ Thiên Chúa chấp nhận đề nghị này mà người Kitôâ hữu lại đành tâm từ chối sao?

Nếu mọi người đều nhận thức được tình yêu bao la của Chúa Giêsu và từ bỏ được lòng thù oán điên cuồng, nếu ai nấy theo lương tri xóa đi những hiềm khích nhỏ nhen, biết nhìn nhận lỗi lầm của mình và biện minh cho lỗi lầm của kẻ khác thì chắc chắn thế giới này sẽ biến đổi ngay.

Chỉ có lòng tin vào Chúa Giêsu mới có thể thực hiện được biến đổi này. Chính vì vậy mà ngày nay đối với những cuộc tranh chấp đẫm máu giữa các dân tộc, đối với những chia rẽ trầm trọng trong một quốc gia, gia đình, người ta thường lập lại câu nói cao sâu này: ‘Hãy cải tổ tất cả trong Đức Kitôâ.’ Than Ôi! Chẳng ai chịu theo cả! Phải thất vọng chăng? Thường thường người ta cũng không thấy những phản ứng cứu nguy chống lại tình trạng truỵ lạc xấu xa. Không, chúng ta không thể dựa vào quá khứ mà khẳng định rằng mọi chương trình của Chúa Giêsu không thực hiện nổi. Ngài đã chẳng ví Hội Thánh của Ngài như hạt cải nhỏ bé không đáng kể, nhưng sẽ nẩy mọc và phát triển lớn mạnh để trở thành cây đó sao? Sẽ có ngày cành lá Hội Thánh bao phủ tất cả vũ trụ. Nếu Hội Thánh có sức bao phủ cả vũ trụ, thì sức mạnh đó có gì ngăn cản mà không đem lại hòa bình cho chúng ta.

 

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI

Có lẽ sẽ có người nói như thế là quá mơ mộng! Nhưng nếu Thiên Chúa muốn, Ngài lại bất lực không thực hiện nổi tất cả những điều đó sao? Chính Ngài có thể đưa nhân loại ra khỏi bánh xe xa lầy trong quá khứ. Thời đại chúng ta ngày nay, tất cả mọi sự đều biến đổi mau chóng hơn bao giờ hết. Những tiến bộ vật chất thật kinh khủng, như con người chế ngự trái đất, đại dương và không gian sẽ đem chúng ta tới đâu? Những tai ương bất ngờ biết đâu lại làm cho xã hội thay đổi mới mẻ như hay gây ra cho thiên nhiên. Lý do người này đưa ra để chứng minh dấu hiệu ngày tận thế, người khác lại coi đó chỉ như là báo hiệu một thế giới đang đổi mới, vì đó là sự kiện sinh sản phát triển chứ không phải là hiện tượng suy yếu.

Liệu người ta có thể tin rằng ý định thần thánh hóa con người của Thiên Chúa còn đi xa hơn cả tham vọng chinh phục của một số người yếu kém! Hoặc tin rằng rốt cục rồi chương trình của Ngài cũng sẽ luôn luôn toàn thắng. Đặc tính phổ quát của Hội Thánh Ngài chưa lan rộng suốt trong các thế kỷ qua, một ngày kia, biết đâu sẽ khơi động những mối thông hiệp thâm sâu nơi loài người và khắp cùng thế giới. Một chiến thắng như thế dĩ nhiên cần thiết cho công cuộc mà Thiên Chúa đem hết danh dự ra thực hiện. Thiên Chúa đích thân giáng trần, đổ máu mình ra, và ở lại mãi mãi với loài người thử hỏi Ngài còn có thể làm được gì hơn? Chúa yêu thương và hy sinh tất cả như thế, thì không có lý gì chúng ta lại không nhận thức được rõ ràng để khỏi lầm tưởng với các hình thức tôn giáo khác. Công cuộc yêu thương của Chúa một ngày kia sẽ phát triển và vượt xa mọi tôn giáo trên hoàn cầu. Các tinh vân trở thành những mặt trời và các mầm sống siêu nhiên do Chúa Giêsu mang đến, các Tông Đồ gieo vãi. Có thể là những tạo vật không có tương lai! Trái đất chúng ta đang sống đây có thể tồn tại hằng ngàn vạn thế kỷ, và hai mươi thế kỷ vừa qua mới chỉ là phần nhập đề để mở đầu cho một cuốn sách chép đầy những kỳ công của Thiên Chúa.

Hãy đi vào những niềm hy vọng này! Ai nỡ tâm kết án hy vọng? Hy vọng thực êm dịu đối với những ai đau khổ vì thấy mình quá tầm thường trước một sự cao trọng vô biên.

 

SUY NIỆM VÀ DỐC QUYẾT

Là những nguyên tử nhỏ bé yếu kém giữa vũ trụ bao la, chúng ta có thể làm được những gì? Chúng ta hãy bắt chước những tạo vật bé mọn đang âm thầm kiên nhẫn giúp cho trái đất trở nên phong phú tốt tươi. Các tạo vật đều tiến tới và hoạt động từ từ. Công việc một ngày của chúng không thể thấy được, nhưng kéo dài hàng thế kỷ mới đạt tới những mùa thu hoạch rực rỡ, những đồng cỏ xanh tươi bao la. Hoạt động của chúng ta cũng phải giống như thế: chiếm cảm tình và cảm hóa dần dần một linh hồn tội lỗi; gây cho tâm hồn sống bên cạnh một ý thức đạo đức nào đó; gợi lên một tình cảm tốt, một lời cầu nguyện hay một sự hối hận. Nhờ tiến trình liên tục và tiên tiến này, chúng ta sẽ thấy sinh hoạt tương lai phát triển và lan rộng mãi.

Nếu thế giới này trở thành Kitôâ Giáo, thì lúc ấy và chỉ khi đó thế giới mới hiểu được rằng đức từ bỏ và lòng yêu mến là điều kiện đem lại hòa bình. Con người, ý thức được lầm lỗi của mình với Thiên Chúa, sẽ sung sướng lập lại lời khẩn xin của kinh Lạy Cha ‘Xin tha nợ chúng con như chúng tôi cũng tha.’

----------o0o----------