BÀI THỨ 258

CÁM DỖ VÀ TỘI LỖI

 

CÁM DỖ KHÔNG PHẢI TỘI LỖI

Cho dù cơn cám dỗ nào đi nữa, dù xấu xa, mạnh mẽ nhất, kéo dài nhất, nhưng tự nó vẫn không bao giờ là tội lỗi. Nó chỉ trở thành tội nếu chúng ta chủ ý gây nên cám dỗ đó cách ý thức và vui thích với cơn cám dỗ. Ngoại trừ trường hợp chủ ý và lấy làm vui thích này, gặp cơn cám dỗ, chúng ta cứ bình tĩnh để cho nó qua đi, đừng ân hận gì hết. Chúng ta hãy thương xót các linh hồn khốn khổ cuống cuồng khi gặp phải cám dỗ có thể làm cho họ trở thành tội lỗi xấu xa bẩn thỉu dù họ không ưng thuận. Chúng ta phải cẩn thận coi ấn tượng cảm thấy trong thâm cung của bản tính như là một sự ưng thuận. Cảm giác nhận thức và việc ưng thuận là hai điều hoàn toàn khác biệt. Chúng ta hãy nhớ lại lời Thầy Chí Thánh quả quyết với một thánh nữ sau một cơn cám dỗ linh hồn: ‘ Chưa bao giờ con đáng quý yêu hơn thế! Lúc đó cha vẫn ngự ở giữa trái tim con.’

 

CÁM DỖ LÀ SỰ XẤU

Dù không phải là tội lỗi nhưng cám dỗ là một điều bất toàn. Dù vậy cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu phải chịu trong sa mạc không thuộc đặc tính bất toàn đó, và càng ở nơi các tâm hồn đạo hạnh có nhân đức cao cả, ta càng gặp thấy sự miễn trừ này. Đôi khi Chúa cũng để cho các tâm hồn vững mạnh bị nhiều cơn cám dỗ tấn công mãnh liệt và dồn dập. Lúc đó ma quỷ được tự do hoạt động. Về phần các tâm hồn đạo đức, sau cơn thử thử thách đó, càng trở nên trong sạch, anh dũng và trở nên khiêm nhường hơn. Thiên Chúa mến sự khiêm nhường biết bao!

 

SAO THIÊN CHÚA ĐỂ MA QUỶ CÁM DỖ ?

Có thể nói rằng Thiên Chúa chỉ có thể cho phép ma quỷ cám dỗ để mưu ích cho chúng ta mà thôi. Đối với tất cả mọi người, cám dỗ chính là cơ hội luyện tập nhận đức, là nguồn công phúc. Đối với người này, cám dỗ là sự báo động để thức tỉnh; nhưng với người khác, nó lại là một roi đòn răn phạt tính ươn hèn.

Người kiêu ngạo thường bị cám dỗ nhiều vì Thiên Chúa mới nhờ đó mà thức tỉnh họ nhận biết sự yếu hèn của họ. Lúc đó họ sẽ kêu lên như thánh vương David lúc đền tội: ‘Ôi lạy Chúa, Chúa hành động tuyệt diệu biết bao khi Chúa hạ nhục con.’

Làm thế nào để biện minh cho Thiên Chúa khi Ngài có vẻ độc đoán, chỉ hành động theo ý Ngài? Thí dụ có linh hồn bị cám dỗ luôn luôn. Còn linh hồn khác lại được bình an mãi mãi. Trước hết, chúng ta có thể giải đáp như sau: cả hai trường hợp, nhân đức vẫn tiến triển, cho dù phương pháp tiến đức khác nhau, đường đi khác nhau, nhưng nếu cũng dẫn tới một đích thì nào có hệ chi? Tuy nhiên, chúng ta hãy tìm ra lý do sâu xa hơn. Chúng ta vẫn thừa biết rằng Thiên Chúa luôn tôn trọng những luật lệ tự nhiên do Ngài lập ra. Vậy tâm hồn có bản chất là hay xúc động hay lo âu sợ sệt, thì rất bị xao động. Còn tâm hồn ưa lý luận, bình tĩnh, biết tự chủ thì ngược hẳn lại. Thiên Chúa không tỏ ra bất công, thiên vị ai hoặc thay đổi bất thường, nhưng Ngài là Đấng khôn ngoan.

 

SUY NIỆM VÀ DỐC QUYẾT[1]

a. Một lần nữa, chúng ta hãy tỏ lòng thán phục sự miễn trừ tốt đẹp nơi Chúa Giêsu và Thánh Mẫu Maria. Chúng ta hãy ước ao tình trạng miễn trừ mà các thánh đã đạt được. Nếu còn cách xa quá, cũng đừng buồn sầu nản chí hoặc tuyệt vọng, vì phải từ từ mới đạt được điều đó. Trong lúc chờ đợi, chúng ta hãy chấp nhận những lợi ích mà các cơn cám dỗ đem lại. Cám dỗ cho ta thấy rõ khuyết điểm của ta, làm cho ta trở nên khiêm nhường hơn và thúc đẩy ta dùng lời cầu nguyện để xin Chúa ra tay giúp đỡ.

b. Nhờ có nhân đức, người ta mới ít bị cám dỗ, vậy chúng ta hãy tập luyện, tập các nhân đức cho vững chắc, như sự từ bỏ, hãm dẹp tình cảm.  Chúng ta hãy chuyên lo luyện tập những nhân đức liên quan tới việc sống đạo giúp ta cải tổ đời sống cách hữu hiệu, chẳng hạn đặc biệt lưu tâm tới việc xưng tội, xét mình riêng, nguyện ngắm hằng ngày. Dù đọc nhiều kinh, dù ngồi trong nhà thờ lâu giờ, vẫn không bằng những việc kia được.

c. Khi bị cám dỗ, hãy nhớ rằng ý chí chúng ta, một cơ năng chủ động trong việc ưng thuận hay không, chưa hẳn là đã ưng thuận theo cám dỗ qua những ấn tượng của nó. Vì thế phải phân biệt sự ưng thuận của ý chí với những ấn tượng mà người ta có thể gọi là sự ưng thuận tự nhiên, vì nó vẫn có sự vui khoái dù chúng ta không chiều theo.

d. Ngoài những phương thế đó ra, còn phải kể tới cầu nguyện. Thực là quá kiêu căng nếu chỉ cậy vào sức riêng ta mà đòi chiến thắng các cơn cám dỗ! Sự cầu nguyện phải len lỏi vào tất cả các phương thế kia. Thầy Chí Thánh đã để lại cho chúng ta công thức cầu nguyện: ‘Xin chớ để chúng tôi sa trước cám dỗ!’ Đây là lời thú nhận sự yếu hèn của con người và tin tưởng vào sức phù hộ của Thiên Chúa.

e. Chiến thuật ‘đánh lạc hướng’ là một trong những phương thế hữu hiệu nhất để dẹp tan cơn cám dỗ: làm việc chăm chỉ, đi dạo, thăm viếng, đổi chỗ. Tránh tất cả những gì có thể gợi lại tư tưởng ám ảnh. Ngay cả sự cầu nguyện cũng có thể đem lại bất tiện khi nó nhắc nhớ tới cơn cám dỗ. Chỉ duy trì lối cầu nguyện trực tiếp với Thiên Chúa và kết hiệp chặt chẽ với Ngài.

----------o0o----------

 

 

 

 



[1] Có thể dùng phần này làm thành một bài nguyện ngắm khác.