BÀI THỨ 269

AI THẤY TA TỨC LÀ THẤY CHA TA

 

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Nghĩ đến Thiên Chúa Cha ở trên Trời qua hình ảnh người cha trong dụ ngôn ‘đứa con phung phá’, tôi sẽ có được ý tưởng cảm động nhất về lòng nhân hậu, xót thương và khoan dung bao la của Ngài. Nhưng dụ ngôn đó vẫn chưa đầy đủ, vì thế Thầy Chí Thánh còn trình bày cho chúng ta thấy rõ tình phụ tử đó qua các liên hệ siêu nhiên với linh hồn ta, mạc khải cho ta thêm một lần nữa cách rõ ràng hơn về vẻ cao cả, lòng cậy trông và bổn phận của chúng ta.

Bổn phận chúng ta thật cao cả và dịu êm thay! Rất cao cả, làm sao chúng ta nhận ra và chu toàn được? Rất dịu êm, sao chúng ta lại không hết lòng nhiệt thành hăng say tìm kiếm?

 

NGUYỆN NGẮM

 

ĐIỀU THỨ NHẤT

Lạy Chúa Giêsu, một lần kia, thánh Philipphê Tông Đồ khi nghe Chúa dạy về Chúa Cha cách trìu mến và đầy yêu thương đã mạnh dạn thưa cùng Chúa: ‘Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con bt Chúa Cha và chúng con sẽ được mãn nguyện.’ Lạy Chúa Giêsu, con đã nghe và thấy câu trả lời của Chúa thật đáng ghi nhớ: ‘Philipphê ơi! Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy.’

Thật là một mặc khải sâu xa và dịu ngọt! Lạy Chúa, khi chiêm ngưỡng Chúa, con sẽ biết được Chúa Cha mà Chúa sẽ ban cho con: Ngài cũng tốt lành và nhân hậu như Chúa, cũng khoan dung dịu dàng như Chúa, cũng đầy quyến rũ với những tâm tình như Chúa. Con phải nói gì nữa đây, chính nhờ Ngài mà Chúa có được những nét quyến rũ đó! Ôi Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Chúa đã đem con tim của Ngài từ Trời xuống cho chúng con. Tất cả những gì Chúa làm cho chúng con đều do trái tim cao cả đó soi dẫn Chúa. Nghĩ đến đây, con cảm thấy hoàn toàn tự do như một người con dám bầy tỏ với Ngài mọi sự, hoàn toàn tin cậy và chờ đợi tất cả nơi Ngài, yêu thương tràn trề đến nỗi không còn có thể làm cho Ngài phải phiền lòng bao giờ nữa.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy hoàn tất công việc của Chúa, để nhờ Chúa, con biết Chúa Cha, con biết phải tôn kính, phụng sự và yêu mến Ngài như thế nào. Dĩ nhiên những lời giáo huấn tuyệt diệu của Cháu đã dạy con điều đó, nhưng Chúa có biết con ước ao như thế nào không? Con không dám nói ra vì đó là con muốn được đọc thấy trong linh hồn xinh đẹp của Chúa tất cả những tình cảm riêng tư của Chúa đối với Chúa Cha. Lạy Chúa, chắc chắn tình cảm của con còn kém xa vô cùng tình cảm của Chúa, nhưng nếu vay mượn được một chút tình cảm của Chúa thỉ cũng đủ làm vui lòng Chúa Cha, Đấng yêu mến Chúa trên hết mọi sự.

+ Chúa Giêsu: Hỡi con, không gì làm Cha thích thú hơn là chấp nhận lời cầu xin của con. Phải, Cha sẵn sàng mở rộng tâm hồn Cha cho con, Cha luôn sẵn sàng giúp con hiểu thấu điều đó. Hơn thế nữa, Cha sẽ thông ban cho con chính những tâm tình của Cha. Tâm tình của Cha sẽ trở nên tâm tình của con và đồng thời Cha sẽ biểu lộ tâm tình đó qua trái tim con và trái tim Cha.

Đây là bài học đầu tiên của Cha. Bài học phảng phất trong cuộc sống Cha và quy hướng về Thiên Chúa Cha đáng mến của Cha, mọi tư tưởng, mọi tình cảm, và mọi hành động của Cha: ‘Thày làm đẹp lòng Ngài từng giây từng phút.’

+ Linh hồn:  Lạy Chúa Giêsu, những câu nói đơn sơ này thật tinh trong, thật xinh đẹp và cảm động biết bao! Con thấy chúng giống như một luồng sáng và bao bọc đời sống bình an và êm dịu của con.

 

ĐIỀU THỨ HAI

+ Chúa Giêsu: Con ơi, Cha sắp cho con hiểu được ý nghĩa thâm sâu của câu nói đó, và nó sẽ trở nên quý giá đối với con hơn nữa.

Đầy tớ đợi lệnh của chủ. Con cái tìm biết sở thích của cha mình. Sở thích của Thiên Chúa là chính ý muốn của Ngài, ý muốn xét theo khía cạnh có thể đem lại cho Ngài sự vừa lòng và niềm vui; đó là điều mà tâm hồn con cái hiếu thảo phải nhắm tới và phải tìm kiếm: ‘Chớ gì Cha Thày được hạnh phúc, được vinh danh và Thày phải làm cho Ngài được như vậy.’

Đó là điều đem lại vẻ dịu dàng huyền diệu cho Ngài, và làm cho sự cay đắng của Ngài trở nên ngọt ngào.

Để thẩm định đúng mức giá trị của tâm tình này, phải biết rằng nó thực hiện được hai luật cao trọng của đời sống thiêng liêng: từ bỏ để siêu thoát và hướng về Thiên Chúa. Sự từ bỏ này vừa sâu xa, vừa êm dịu.

Sâu xa, vì sự từ bỏ nhằm vào chính khuynh hướng linh hoạt nhất, ngạo mạn nhất và tự nhiên nhất của con người chúng ta: đó là tình yêu vị kỷ, lo lắng cho mình, ước mong vô tận lôi kéo mọi sự về mình. Tình yêu hiếu thảo mãnh liệt sẽ xâm chiếm khuynh hướng này và đem tất cả sức mạnh để hướng dẫn khuynh hướng đó đến một đối tượng cao thượng hơn là chính Thiên Chúa. Vẻ cao cả tuyệt vời của Ngài luôn lôi cuốn những hữu thể thấp hèn về với mình, như mặt trời lôi kéo các hành tinh xoay chung quanh nó.

Sự từ bỏ đó, dù rất thâm sâu, nhưng cũng thật dịu dàng. Không phải tâm hồn bị cưỡng bức phải thoát khỏi chính mình, nhưng là do một vẻ quyến rũ lôi cuốn. Phải nói gì thêm nữa? Sự từ bỏ đó không phải là đặc tính riêng biệt của con trẻ, nhưng do nó còn liên hệ vối nhiều tâm tình khác. Vì thế tâm tình con thảo đối với Thiên Chúa không phải là tâm tình nhân loại, nhưng vượt quá trên trật tự tự nhiên. Điều này không có gì đáng lạ lùng vì đó là tâm tình của Chúa Giêsu từ Trời cao đem xuống.

 

ĐIỀU THỨ BA

Mục đích của đời sống thiêng liêng là kết hợp với Thiên Chúa. Đời sống này càng trọn hảo khi sự kết hợp đó được thực hiện bằng những mối dây thật tốt đẹp và thân thiết. Còn gì tốt đẹp hơn là đến với Thiên Chúa do nét quyến rũ chính Ngài gợi lên! Còn gì thân mật hơn khi tự bỏ mình để sống với thú vui lành thánh của Ngài! Một sự kết hợp như vậy làm ta nghĩ đến sự kết hợp trên Trời, đồng thời chuẩn bị cho cuộc sống kết hợp ấy. Trên Trời cao, mọi sức mạnh của con người ta được tan biến vào trong sự chiêm ngưỡng và yêu mến Đấng tối cao. Thiên Chúa sẽ là tất cả đối với chúng ta. Niềm vui của Ngài là niềm vui của chúng ta, hạnh phúc của Ngài cũng là hạnh phúc của chúng ta. Mọi tâm hồn đã biết quên mình để sống đẹp lòng Thiên Chúa khi còn ở trần gian lại chẳng phải là một cách chuẩn bị xa xa đó sao?

Từ bỏ. – Kết hợp với Thiên Chúa. – Niềm vui sâu xa. – Đơn sơ nhìn nhận: ‘Điều đẹp lòng Cha ta ở trên Trời.

----------o0o----------