BÀI THỨ 295

CHÚA GIÊSU LÊN THÀNH GIÊRUSALEM

 

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Lòng căm phẫn nơi người biệt phái và luật sĩ đối với Chúa Giêsu đã chuyển sang thái độ gây hấn ngày một rõ rệt và mãnh liệt hơn. Họ trách cứ Ngài về điểm gì? Chiêu bài họ viện dẫn để công kích là cho rằng Ngài đã làm đảo lộn luật lệ và phong tục cổ truyền. Nhưng thực ra thâm tâm họ uất ức vì Ngài đã lột mặt nạ giả hình và các nết xấu của họ. Ngài đến thế gian đâu phải để phá bỏ luật lệ Mai-sen, Ngài đến để tu chỉnh những điều quá rườm rà, thiển cận do họ bày đặt ra để đè nặng trên vai dân lành. Và như thế, Ngài lột mặt nạ con người thực xấu xa và giả hình của họ không ngoài mục đích soi dẫn dân chúng khỏi đi vào nếp sống dối trá ấy.

Trong thời ấy, nhóm biệt phái được coi là những người Israel chân chính, những người đạo đức thật, nhưng họ chỉ chiếm phần thiểu số trong dân chúng. Đứng đầu là những người có tham vọng và đầy kiêu ngạo, các phần tử này có chân trong Hội Đồng Cộng Tọa và đảm trách nhiều chức vụ quan trọng trong cộng đoàn: như đầu mục các Hội Đường, thành phần của Hội Đồng Cộng Tọa, tư tế trưởng, thầy cả thượng phẩm.

Chúa Giêsu là nhà cải cách danh tiếng được dân chúng mến chuộng. Ngài đã làm cho địa vị ưu thế của họ phải lung lay bằng cách tố giác bộ mặt thực đáng tiếc nơi họ. Ngài làm cho họ phải tủi hổ trước dân chúng. Thế nên, bất cứ giá nào họ cũng phải triệt hạ Ngài, một đối thủ không đội trời chung. Họ cho Ngài là người phá hoại trật tự công cộng và đặt Ngài ra ngoài vòng pháp luật. Đồng thời họ tìm cách xâm phạm đến thân xác Ngài. Nhưng vì sợ dân chúng nổi loạn nên họ còn phải chờ cơ hội thuận tiện để lén lút hành động. Chúa Giêsu biết rõ thâm ý đó nên liền né tránh các cạm bẫy của họ bủa vây. Thái độ né tránh này là khuôn vàng thước ngọc cho Hội Thánh sau này, khi bị thế gian bách hại từ đời nọ sang đời kia. Ngài càng trốn tránh, họ càng ráo riết lập mưu giăng bẫy một cách qui mô thủ đoạn hơn. Khi thấy tình thế ngày một gay go, Ngài rút lui vào sa mạc, để rồi lại xuất hiện vào lúc tình hình lắng dịu, hay khi bổn phận đòi buộc. Dầu sao, Ngài luôn muốn dùng cái chết để chuộc tội nhân loại, nên Ngài chờ đợi giờ Chúa Cha đã định thi hành chương trình cứu độ. Đến giờ đó Ngài mới ra mặt và nộp mình trong tay họ. Và khi giờ đã tới gần, tâm tư Ngài luôn luôn bị thời điểm của giờ vinh quang kia ám ảnh.

Vài ngày nữa là lễ Vượt Qua, dân Israel từ khắp tứ phương trở về Giêrusalem mừng lễ. Cả thành thánh chật ních những người với người. Người ta phải trú ngụ ở cả các miền lân cận. Đâu đâu cũng thấy bàn tán về nhân vật Giêsu với các phép lạ và lời giáo huấn của Ngài. Danh tiếng Ngài mọi người đều biết. Ai cũng biết và nghe về Ngài. Người thì hỏi: liệu Ngài có đến mừng lễ không? Kẻ khác nói: các bạn không biết sao, người ta đang tìm bắt Ngài để xử tử đó. Đa số dân chúng thương mến và cảm phục Ngài, nhưng có thương thì cũng để trong lòng, vì mới có lệnh của Hội Đồng Cộng Tọa là sẽ bắt bất cứ ai đi theo Ngài hoặc ủng hộ Ngài.

Trong khi đó, Thầy Chí Thánh đang ở gần sa mạc Ephrem. Các Sứ đồ và môn đệ cũng lánh mặt cùng với Ngài, họ lo sợ cho Ngài cũng như cho chính bản thân họ. Vì giờ đó các ông chưa được mạc khải rõ ràng về mầu nhiệm cứu chuộc. Giờ quan trọng đã điểm, và Chúa Giêsu muốn nhân cơ hội này tỏ lộ cho các sứ đồ về giai đoạn cam go nhất của công trình cứu chuộc mà Ngài sắp thực hiện. Đức tin và tình yêu của các ông đang phải đối diện với nhiều trở ngại. Ngài báo cho các ông biết cuộc tử nạn Ngài sẽ chịu vì vâng lời Chúa Cha để cứu chuộc thế gian. Ngài cho các ông biết trước nhiều chi tiết nhục nhã dữ dằn. Và cuối cùng để trấn an tâm hồn các ông, Ngài loan Ngài sẽ sống lại sau khi chết ba ngày.

 

NGUYỆN NGẮM

+ Tiền nguyện: Hình dung con đường mòn ngoằn ngoèo chạy tít tắp đến giữa sa mạc xa xăm. Chúa Giêsu đang đứng giơ tay chỉ về thành phố bất nghĩa sắp sửa tra tay bắt Ngài. Bên cạnh là mười hai vị sứ đồ, và Ngài đang tâm sự với họ lần cuối.

Xin ơn thông hiểu các lời tâm sự của Chúa. Xin Ngài giúp sức để can đảm theo Ngài đến cùng.

Tin mừng ghi lại lời vàng ngọc của Ngài như sau: ‘Này đây chúng ta lên Giêrusalem và lần này thì mọi lời các tiên tri loan báo về Con Người đều được ứng nghiệm: Ngài sẽ bị nộp trong tay các trưởng tế, luật sĩ, bô lão. Họ sẽ lên án xử tử Ngài, rồi trao Ngài cho dân ngoại. Người ta nhạo cười chế giễu Ngài, nhổ vào mặt Ngài, đánh đòn rồi treo Ngài lên thập giá. Nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại.’

Chúng ta hãy chiêm ngắm thái độ Chúa Giêsu trong hoàn cảnh nghiêm trọng này! Đồng thời tìm hiểu xem nguyên do nào đã thôi thúc Chúa hăng hái dấn thân chịu tử nạn như thế. Chính điệu bộ của Ngài cũng cho chúng ta hiểu được phần nào rồi. Ngài đứng giữa sa mạc và nóng lòng chờ đợi giây phút lên đường. Rồi chút nữa, Ngài vội vã ra đi, nhanh chân đến nỗi làm các người theo sau phải ngạc nhiên. Tại sao Ngài lại vội vã hăng hái như thế?

 

THỰC HIỆN THÁNH Ý CHÚA  CHA

Ngài yêu mến thánh ý Chúa Cha như yêu chính Ngôi Vị Chúa Cha vậy, và yêu một cách say sưa kỳ thú. Ngài biết mỗi ý muốn của Chúa Cha đều cao cả đáng ca tụng, tràn đầy khôn ngoan và thương xót. Ngài cảm thấy mình được vô cùng sung sướng khi kết hiệp với thánh ý đó. Ngài coi mọi cơ cực đau khổ mình phải chịu như là liều thuốc xoa dịu các vết thương do những điều lăng nhục xúc phạm tới Chúa Cha là Thiên Chúa uy nghi vô cùng. Ngài coi tất cả như một cơ hội để tôn vinh Cha Ngài. Ngài vui mừng vì có dịp bày tỏ lên Chúa Cha lòng thương yêu vô bờ bến của mình. Suốt đời, Ngài chỉ mong sao đạt tới bằng cả sức lực tài năng nhân loại của Ngài. Ngài nói: ‘Ta sắp thực hiện một cuộc thanh tẩy bằng máu, và ta lo lắng để hoàn tất việc ấy.’

Chúng ta hãy ngưỡng mộ các tâm tình cao đẹp trên của Chúa Cứu Thế! Hãy dâng lời chúc tụng Chúa Cha vì Ngài có được người con đáng yêu như thế! Ôi! Công ơn của Chúa Giêsu như trời như bể sao mà sánh ví được!

 

THÍCH NHỤC NHẰN ĐAU ĐỚN

Nguyên do thứ hai thôi thúc Chúa vui chịu tử nạn là lòng yêu thích nhục nhằn và đau khổ. Quan sát nếp sống của Ngài thì biết. Khi được mời đến những nơi danh dự thì Ngài tới chậm chạp như có vẻ miễn cưỡng. Chẳng hạn lúc vào Nhà Hội để chủ tọa các buổi họp mừng phụng vụ, hay khi đến trú đêm nơi những nhà giàu có. Là Chiên Thiên Chúa, Ngài cảm thấy mình có nhiệm vụ gánh tội trần gian, và Ngài muốn nhận lãnh. Đó là lý công bằng, nên phải dấn thân chịu nạn là lẽ đương nhiên. Không phải vì tội Ngài, mà vì tội của mọi người chúng ta. Thật là cử chỉ cao thượng khuyến cáo nhân loại tội lỗi!

 

YÊU THƯƠNG LOÀI NGƯỜI

Nhưng phải nói rằng động lực cảm động và mãnh liệt nhất khiến Chúa hăng say chịu khổ, đó là tình thương mến nhân loại. Tình yêu này bao la như đại dương và hàm chứa nhiều sắc thái. Chỉ cần gợi ý đôi chút chúng ta cũng có thể nhớ lại và nhìn thấy tất cả. Tuy nhiên, ít ai lưu tâm đến và suy niệm cho thấu đáo!

Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đổ máu để cứu độ loài người sớm quá! Vâng, con nhắc lại, thật quá sớm! Ôi lạy Chúa là bạn tình chí ái của con, Chúa bày tỏ tình yêu Chúa đối với con sớm hơn con dự tưởng! Khi đã yêu nhau tha thiết, người ta cố gắng tìm mọi cách chứng tỏ cho biết mối tình dành cho nhau. Hơn thế nữa, người ta còn yêu một cách vô điều kiện, yêu mà không muốn, không cần được yêu lại. Chúa yêu loài người chúng con như thế đó. Nhưng than ôi, mấy ai biết đáp lại tình yêu của Chúa! Mỗi cơn đau khổ, mỗi nỗi nhục nhã của Chúa như nói với con rằng: hãy yêu Cha đi, con biết đấy, Cha đáng được yêu lại lắm chứ!

Chúa Giêsu biết bản tính nhân loại hay chống đối và rất sợ đau khổ nhục nhằn, nên khi xuống thế gian Ngài làm dịu bớt vị đắng cay đi bằng cách chịu đựng nhục nhằn và đau khổ làm gương ‘Ngài chịu tất cả vì tôi và thay thế cả phần của tôi nữa.’ Do đó, hôm nay chúng ta mới thấy Ngài vội vã hăng hái như thế. Ngài nhanh bước hơn cả các sứ đồ. Trên đường lên núi Sọ, Ngài cũng vui vẻ chịu và mau mắn không kém. So với thái độ của chúng ta trước cam go cuộc đời, thật là khác biệt một trời một vực!

Hãy thành tín bày tỏ tâm tình thờ lạy và hối tiếc. Cương quyết thực hành vài điểm cụ thể để tập thái độ dấn thân như Chúa. Cầu nguyện xin ơn để có thể bắt chước và yêu mến Ngài hơn!

---------oOo---------