BÀI THỨ 297

THÁI ĐỘ VÔ TÂM CỦA LOÀI NGƯỜI

 

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Ngày mai chúng ta sẽ đề cập đến một thái độ vô tâm, yếu đuối điển hình của loài người. Ước gì đó là lời cảnh giác nhắm thẳng vào tâm hồn chúng ta.

Bà mẹ của Giacôbê và Gioan đến gần Chúa Cứu Thế, quì xuống như muốn van xin điều gì. Chúa Giêsu liền hỏi: Bà muốn chi? Lạy Ngài khi trị vì trong Nước Ngài, xin cho hai con tôi đây một đứa ngồi bên tả, một đứa ngồi bên hữu Ngài! Lúc đó Giacôbê và Gioan cũng có mặt bện mẹ mình, nên Chúa Giêsu nói với hai ông như trả lời cho Bà mẹ: Các con không hiểu biết gì về điều đã xin. Các con có thể uống chén đắng ta phải uống và chịu cuộc thanh tẩy khổ cực như ta chăng? Thưa Ngài, chúng tôi có thể! Nghe hai chàng thanh niên trả lời, Chúa Giêsu tiếp: được, các con sẽ được uống chén đắng của ta và chịu thanh tẩy như ta; còn việc ngồi bên tả bên hũu ta, ta không có quyền, chỉ mình Chúa Cha trên Trời mới có quyền thôi.’[1]

Chúa Giêsu thấy mười Sứ đồ khác có vẻ khó chịu về thái độ tự cao tự đại của anh em ông Giacôbê và Gioan, nên Ngài gọi các ông lại gần và nói: ‘Các con biết rằng vua chúa thế gian thường bắt dân chúng suy phục mình. Và các cường quốc hay áp bức dân tộc nhược tiểu. Phần các con không nên làm thế. Trái lại ai muốn làm lớn phải làm đầy tớ mọi người, và ai muốn làm đầu giữa anh em, phải hầu hạ anh em. Cũng như Con Người không đến để được hầu hạ nhưng đến để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn dân.’

Đoạn văn này giúp chúng ta biết tìm một nếp sống đạo chân thật cụ thể. Trong bài nguyện ngắm ngày mai ta sẽ bàn tới điều đó.

Ngay từ tối nay, chúng ta hãy tự hỏi lòng mình xem có để ý và thực tâm muốn sống phù hợp với lời Chúa dạy không.

 

NGUYỆN NGẮM

HAM MUỐN DANH VỌNG

Các Sứ đồ vừa nghe Thầy Chí Thánh loan báo về cuộc tử nạn khổ nhục, các ông cảm thấy mủi lòng và rưng rưng nước mắt vì thương mến Ngài. Hơn thế nữa, mấy ngày trước đây, lúc Ngài trở lại gần Giêrusalem cho Lazarô sống lại, các ông tỏ ra quả cảm sẵn sàng hy sinh với Ngài. Chính một người trong các ông là Thomas đã thốt lên rằng: ‘Chúng ta hãy đi theo Ngài để cùng chết với Ngài’ (Jn 11,16). Thế mà giờ đây, khi phải lên đường để chịu hy sinh, thì các ông như quên tất cả, và còn muốn nêu lên thắc mắc đã từng dằn vặt tâm tư bấy lâu, đó là danh vọng tương lai: ai trong các ông sẽ là người lớn nhất. Các ông đều tự hỏi như thế và ai cũng muốn mình chiếm được vinh dự ấy.

Tâm trạng con người đổi thay thật là nhanh chóng. Mới vừa hăng say, sẵn sàng dấn thân chịu khổ nhục, mà giờ đây lại chuyển sang thái độ ích kỷ đi tìm thỏa mãn riêng tư. Hai thái độ trái ngược cùng một lúc ở trong một người! Thầy Chí Thánh đã tâm sự rất nhiều về cuộc tử nạn Ngài sắp chịu, và  các ông chẳng hề nghĩ gì đến điều đó hết. Đầu óc các ông lúc này chỉ nhớ có một điều trong muôn điều Ngài nói đó là cuộc phục sinh của Ngài. Trong ý tưởng Phục sinh thì các ông chỉ dừng lại ở Vương Quốc mà Thầy Chí Thánh sắp lập thôi.

Đó, chúng ta đã xét đoán thật đúng đắn và hữu lý về thái độ sống của các vị Sứ đồ, nhưng còn chúng ta thì sao? Chúng ta hiểu rõ về cuộc tử nạn của Chúa hơn cả các Sứ đồ ngày xưa, vậy thử hỏi nó có ảnh hưởng gì và ảnh hưởng tới mức độ nào trên tâm tình chúng ta? Khi vừa đi chặng đàng thập giá, hồi tưởng lại các nỗi cơ cực nhọc nhằn đau đớn của Chúa, chúng ta xúc động và thương cảm Chúa, tỏ lòng biết ơn và thờ lạy Chúa, và nhất là chúng ta đã tìm chọn vài điều dốc quyết để cải hóa đời sống. Việc làm này rất hay và đáng khuyến khích, nhưng thử hỏi chúng ta đã thực hiện được tới đâu?

Lạy Chúa, con từng ước ao trở nên giống Chúa, chia sẻ vui buồn với Chúa! Nhưng con chẳng thực hiện điều mơ ước đó được bao lâu. Lúc này con tủi hổ vô vàn vì đang khi Chúa bị người đời chà đạp dưới chân, thì con lại đi tìm danh vọng hão huyền để sống tự kiêu tự đại. Đang khi Chúa tự ý làm kẻ hèn kém nhất loài người thì con lại muốn đứng đầu trên anh chị em con! Thôi từ nay con muốn tỉnh ngộ. Con xin bỏ hết mọi bận tâm vị kỷ mơn trớn lòng tự ái của con. Con sẽ không khó chịu, phẫn nộ, chống đối những ý hướng dấn thân chịu đựng đau khổ và hy sinh nữa. Con không muốn được đứng trên ai hết, mà muốn sống khiêm nhường bên cạnh Chúa thôi!

Lúc đối diện và cầu nguyện với Chúa, tôi nhận biết mình là ai và muốn ăn năn hối cải. Nhưng sau đó trở về với nếp sống thường nhật và gặp phải hoàn cảnh nào đó, tôi lại quên đi tất cả những điều đã hứa và cầu xin cùng Chúa. Tôi tiếp tục tìm kiếm sở thích cá nhân, tìm kiếm những lời khen tặng rỗng tuếch hay ít ra cũng muốn nếm thử để thỏa mãn tính tự ái đôi chút. Tôi bực tức khi người đời không kính trọng tôi. Tôi vênh váo lên giọng kẻ cả với người chung quanh  Than Ôi! tôi chẳng bắt chước và theo gương Chúa Giêsu chi cả! Tâm tư, tình cảm với bao nhiêu khổ đau nhục nhã Ngài đã chịu đối với tôi lúc này thật là xa lạ!

Lạy Chúa, Đấng hằng đưa mắt theo dõi con mọi nơi mọi lúc: Chúa biết rõ con, nếp sống con vô dụng chẳng đạt tới kết quả siêu nhiên nào! Tuy thế, xin Chúa cũng đừng buồn phiền về con! Chúa biết rõ con yêu Chúa nhiều. Xin thương xót tâm trí thiếu suy xét của con! Xin Chúa cất đi khỏi con mối bận tâm về bản thân, vì đó là một ngăn trở đáng kể gây khó dễ cho việc tìm kiếm cơ hội để sống theo gương Chúa.

 

CHỈ CÓ CHÉN ĐẮNG VÀ NHỤC NHẰN

Trước lời xin thiếu suy xét của hai anh em ông Giacôbê và Gioan, Thấy Chí Thánh sẽ trả lời sao? Ngài trả lời bằng chính ý nguyện hiến thân của hai con bà Zêbêđê với trái tim hiền lành khiêm nhường của Ngài. Hai ông đã bỏ mọi sự để đến theo Ngài. Hai ông sẵn lòng thực hiện mọi ý muốn của Ngài, và liên kết chặt chẽ với Ngài, dù hướng mắt về tương lai có nhìn thấy muôn ngàn trông gai, hai ông cũng không nề quản gì. Do đó, Ngài liền hỏi hai ông: ‘Các con có uống nổi chén đắng ta phải uống và chịu cuộc thanh tẩy khổ cực như ta chăng?’ Chén đắng ở đây có ý nói đến các nỗi dằn vặt đắng cay trong tâm hồn, và việc thanh tẩy tức là cuộc tử nạn đẫm máu Ngài sắp phải chịu.

Câu hỏi thật là tuyệt diệu! Các con có bằng lòng chịu chung số phận với ta không? Lời nói ướp đượm mọi vị đắng cay của chén tân khổ, mọi nỗi đớn đau khổ nhục của cuộc thanh tẩy đẫm máu. Chia sẻ số phận với Chúa còn gì lương chính và cao quí hơn! Sống theo Chúa còn gì bảo đảm và tốt đẹp hơn! Không phải anh em Giacôbê vô tình và nhắm mắt thưa liều: ‘Chúng tôi có thể’ đâu! Hai ông đưa mắt nhìn về trái tim độ lượng của Chúa Giêsu  để cân nhắc rồi mới trả lời quả quyết rằng thưa Ngài chúng tôi có thể làm được việc đó.

Cả con cũng thế, lạy Chúa, con có thể và con muốn uống chén tân khổ của Chúa và chịu cuộc thanh tẩy với Chúa. Con sẽ theo các vết chân Chúa lưu lại trên đường lên núi Sọ. Con sẽ kề môi vào chén đắng, chén mà thực ra Chúa đã uống cạn. Con biết sức con có thể thực hiện điều kiện Chúa đòi, vì thế nào mà Chúa chẳng hộ giúp con. Con muốn làm theo ý Chúa vì con yêu mến Chúa. Tâm tình hiện tại của tôi là như vậy! Nhưng thử hỏi chúng có phù hợp với nếp sống quá khứ của tôi không? Thử hỏi chúng có bảo đảm chắc chắn trong tương lai chăng? Lạy Chúa Cứu Thế, xin Chúa nhắc lại với con như đã nói với Sứ đồ xưa: ‘được con sẽ uống chén đắng của Cha và sẽ chịu cuộc thanh tẩy khổ nhục với Cha!’ Và con xin một điều nữa là hãy giữ con sống bên cạnh Chúa luôn, cả những khi con tỏ ra sao nhãng ươn lười không màng chi tới Chúa! Vào những lúc con hoài nghi tình yêu Chúa đối với con, hoài nghi về thái độ bền tâm của con, xin Chúa nhắc lại lời nói êm dịu thuở nào: ‘Được con ạ, con sẽ uống chung chén đắng với Cha!

 

BÀI HỌC CHO NGƯỜI LÃNH ĐẠO

Câu trả lời thêm của Chúa Giêsu cho hai vị Sứ đồ chứa ẩn một bài học thâm sâu: ‘Được, các con có thể uống chén đắng của Ta và chịu thanh tẩy như Ta; còn việc ngồi bên tả bên hữu Ta, thì đó không phải là quyền của Ta mà là quyền của Chúa Cha ở trên Trời.’

Sao! Chúa Giêsu lại không có quyền chỉ định ngôi thứ trong vương quốc Ngài lập ư? Ngài chẳng phải là con Thiên Chúa, và là Thiên Chúa thật đó sao? Thật ra ở đây Ngài không trả lời với tính cách là Thiên Chúa, nhưng với tư cách là một người như chúng ta. Ngài muốn quên đi Ngôi Vị Ngài lúc đó, mục đích là để cho chúng ta nhận thức một bài học quan trọng: ‘không ai trong Hội Thánh có quyền xếp đặt, phong ban ngôi thứ, chức vị, dù người ấy là ai chăng nữa.

Đến như Ta đây là Con Người, là Thiên Chúa làm người, hoàn thiện hơn hết mọi người thế gian cũng không có quyền đó. Trường hợp dùng quyền đó thì chỉ là lúc ta lạm quyền mà thôi. Phương chi các con, các môn đệ yêu dấu của Ta trong lúc hiện tại đây, và các con yêu dấu khác, những người kế vị các Tông Đồ về sau, dù có quyền cao chức trọng, tài giỏi mấy đi nữa, quyền ấy cũng không có nơi bản thân các con. Các con chỉ là người thừa hành quyền đó thôi.

Nói cách khác, các con là dụng cụ để Chúa Cha điều hành mọi sự. Các con không chọn lựa, xếp đặt tùy ý các con được, nhưng chỉ là người thực hiện sự lựa chọn và xếp đặt của Thiên Chúa. Việc chọn lựa này, các con phải tìm hiểu bằng cách suy nghĩ, bàn hỏi và cầu nguyện để nhận thức một cách vô tư.’

Sau những lời quan trọng ấy, Chúa Giêsu đưa ra huấn dụ thực hành, một huấn dụ lưu truyền mãi trong Hội Thánh nhưng tiếc thay nhiều khi không được thực hành. Ngài dạy: ‘Phần các con, không nên làm thế. Trái lại, ai muốn làm lớn phải làm đầy tớ mọi người, và ai muốn làm đầu anh em, phải hầu hạ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được hầu hạ, nhưng đến để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn dân.’ Thực là lời khuyến cáo gay gắt cho tất cả những ai có trọng trách lãnh đạo người khác.

Khi dấn thân chinh phục thế gian, các Sứ đồ còn đầy óc tự cao tự đại và tham vọng bá chủ người khác; thế nên hoạt động của các ông đã thất bại. Từ đó, chương trình cứu rỗi bao lần sai laic, hư hỏng bởi những tham vọng cá nhân, đầu óc danh lợi, lòng ham muốn của cải thế gian. Từ ngữ ‘tôi tớ hầu hạ’ vẫn dùng để gọi các thừa tác viên của Thiên Chúa từ đó trở nên đề tài diễu cợt. Thầy Chí Thánh đã phải hổ thẹn khi nhìn thấy nhiều người hiểu sai và áp dụng lệch lạc bài học Ngài dạy cũng như gương mẫu Ngài sống.

Ước gì mỗi người trong chúng ta tùy hoàn cảnh mình mà duyệt xét lương tâm về điểm này. Mỗi một Kitôâ hữu đều được mời gọi làm việc thiện mưu ích cho tha nhân; có thể là nhiệm vụ điều hành đứng đầu một nhóm người nào đó, một nhóm trẻ chẳng hạn. Trường hợp chúng ta đứng đầu hay có chân trong ban điều hành một công tác nào, chẳng hạn phái đoàn đi thăm người nghèo, chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu tỏ ra là những người hầu hạ tha nhân thực sự. Người tôi tớ phải kính trọng mọi người, chịu đựng mọi thái độ khiếm nhã hất hủi của người khác. Họ luôn luôn nín thinh và tiếp tục công việc chu đáo.

Chúng ta là đoàn chiên nhỏ của Chúa Giêsu. Thế gian sẽ nhìn chúng ta với cặp mắt khinh bỉ. Dầu thế nào đi nữa, chúng ta cũng đừng gây chia rẽ hay phê bình chỉ trích nhóm người nào để tránh gây gương mù gương xấu cho thế gian. Hãy sống tinh thần hiền dịu khiêm nhường của Chúa Giêsu khi dấn thân phục vụ.

 



[1] Xin xem Mt 20,20-28. Ở đây cũng như nhiều chỗ khác, tác giả vừa trích dẫn Tin Mừng vừa chú giải, nên không đúng như nguyên văn.