BÀI THỨ 300

Ả GIANG HỒ THÀNH BÊTHANIA

 

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Khi Chúa Giêsu rời thành Jêricô thì dân chúng vẫn còn theo Ngài, và càng lúc càng đông. Nhân việc người mù được sáng mắt, người ta kể cho nhau nghe lại một vài phép lạ khác do chính mình chứng kiến. Người ta không ngớt nhắc đến lòng nhân từ trong mọi sự của Chúa. Người ta bàn tán về các lời Ngài nói và rất ngạc nhiên khi hiểu được nhiều ý tứ mới lạ thâm sâu. Chàng thanh niên Nazareth chẳng học hành gì mà kiến thức hơn người và trí khôn sắc xảo lạ thường. Chắc hẳn phải là Đấng Cứu Thế, là Người Nhà Trời do Thiên Chúa gửi đến, là Đấng giải phóng Israel. Họ truyền tai nhau về Ngài với tất cả tấm lòng mộ mến. Số người chống đối thật là hiếm, và cũng không ai dám ra mặt, có chăng chỉ ngấm ngầm thực hiện một vài hành vi phản trắc thế thôi. Thế nhưng đó lại là chút mầm thối hư, rồi đây đâm nụ nở hoa, kết thành trái xấu là sự chết.

Bêthania nằm trên con đường độc đạo nối liền Jêricô và Giêrusalem. Hơn nữa Chúa cũng muốn đến Bêthania thăm Lazarô mà Ngài đã cho sống lại, cùng Martha ngoan ngùy nghe lời Ngài giảng, cùng Mai Đệ Liên  đáng mến thương.

Tin Mừng kể lại Chúa dùng tiệc tại nhà một người giàu có, có lẽ là người được Ngài chữa khỏi phong hủi nên người ta mới gọi là Ông Simon tật phong. Các Sứ đồ và bạn hữu của Chúa cũng được mời dự tiệc. Tuy nhiên, duy một sự kiện làm ta chú ý, một sự kiện theo lệnh của Thầy Chí Thánh sẽ được loan truyền cho khắp mọi thời đại: đó là việc xức thuốc thơm.

Ngay từ tối nay, chúng ta hãy tưởng tượng như chúng ta đang theo Chúa đi từ Jêricô về Bêthania, và ngồi vào bàn tiệc nơi sắp diễn ra cảnh tưởng đáng ghi nhớ: ả giang hồ Mai Đệ Liên  quỳ dưới chân và xức thuốc thơm cho Chúa Cứu Thế. Chúng ta hãy tỏ lòng ước ao thâm sâu các tâm tình của nàng lúc đó để thông cảm với nàng và cùng dâng lên người bạn tình chí ái là Chúa Giêsu.

 

NGUYỆN NGẮM

 

+ Tiền Nguyện: Công việc đầu tiên là xác định nơi chốn. Làng Bêthania nằm giữa Jêricô và Giêrusalem. Để đi từ Bêthania tới Giêrusalem, người ta phải đi qua núi Cây Dầu.

Hãy nhớ lại các chi tiết đã nói về bữa tiệc theo tục lệ người Do Thái: phòng tiệc rộng rãi, ở sát tường có xếp ít ghế dài cho dân chúng, giữa là bàn tiệc với ba dãy đi-văng, một loại đi-văng cổ truyền, một chiếc ngang quay ra và hai chiếc khác kê thẳng góc với chiếc trên ở hai đầu. Các thực khách mặc y phục yến tiệc thật đẹp. Chúa Giêsu chủ tọa tại chỗ danh dự, Ngài mặc bộ áo dệt liền không đường may, chắc hẳn do thân mẫu đã thêu dệt cẩn thận. Đặc biệt tưởng lại cử chỉ thật đẹp của ả giang hồ trung thành. Đồng thời xin ơn thông hiểu để chu tòan bổn phận sống thân mật đối với Chúa Giêsu ngự trong Nhà Tạm.

 

Ả GIANG HỒ VỚI THUỐC THƠM

Tin Mừng thuật lại biến cố này như sau: ‘Giữa bữa tiệc Maria bước vào phòng ăn, mang theo một bình bạch ngọc đựng thứ dầu thơm hảo hạng. Nàng quỳ dưới chân Chúa Giêsu, đổ thuốc thơm vào chân Chúa rồi lấy tóc mà lau.’

Qua việc làm như thế, ai mà chẳng nhận ra đó là nàng Mai Đệ Liên ? Có điều đáng chú ý là lúc này gương mặt nàng đã thay đổi. Nhìn nàng, người ta cảm thấy hiện nét thanh thản an bình của Trời cao, tạo bởi một tình yêu trong sạch nhất. Nàng không xông xáo đi thẳng vào phòng tiệc như một ả giang hồ ngày nào, bất chấp mọi dị nghị. Nàng đến khoan thai như một công chúa đang tiến vào hoàng cung của phụ vương để thi hành phận vụ hiếu thảo thường nhật. Đôi chân của Chúa Giêsu lúc này thuộc về riêng nàng, đôi bàn chân đã từng rã rời chạy đi tìm kiếm chiên lạc đàn. Nàng kính cẩn hôn say mến và rửa bằng chính nước mắt của mình. Phải, đôi chân này thuộc về riêng nàng, nàng đã chiếm hữu được nhờ chính thái độ và tâm tình sám hối.

Hôm nay, nàng có một hoài bão tiến tới một cuộc chiếm hữu khác, cao cả hơn, quý giá hơn. Tình yêu đưa tới hành động bạo dạn và can đảm không ngờ. Nàng cầm lấy bình đưa lên khỏi đầu Chúa Cứu Thế, bẻ vỡ và để dầu thơm chảy xuống đầu Chúa. Đó là một việc chưa ai làm bao giờ! Nàng không hề tiếc dầu thơm đã mất mát, vì nàng đem hết tâm tình thờ lạy và yêu mến dâng trao về Chúa Giêsu, và chỉ một mình Ngài thôi.

Có thể nói, đôi chân Chúa Cứu Thế tượng trưng cho nhân tính, và đầu Ngài tượng trưng cho Thiên Tính. Cô gái giang hồ đã thờ lạy cả Thiên Tính lẫn nhân tính nơi Ngài. Nàng quì trước Đấng Cứu Thế luôn tha thứ và hay thương xót. Tâm hồn sám hối của nàng chìm đắm trong tình yêu mến cao độ.

Chúng ta hãy ngưỡng mộ Chúa Giêsu vì Ngài rộng lượng và vô cùng thương xót. Ngài không xét đến tội lỗi quá khứ, nhưng để mặc tâm hồn sám hối tỏ bày mọi cử chỉ thân mật phát xuất từ đáy tâm hồn đã được tinh luyện không còn dính bén tội nhơ.

Chúng ta hãy mừng cho Mai Đệ Liên! Nàng đã yêu Chúa thật nhiều, và hiểu rõ được tình yêu tha thứ của Ngài đối với nàng còn bao la gấp bội. Hãy thán phục nàng, vì nàng bất chấp mọi dị nghị khinh miệt đang nhắm đến nàng! Chúng ta hãy tỏ lòng ao ước niềm vui của nàng lúc đó. Biết đâu sẽ có dịp chúng ta cũng được hưởng niềm vui như thế.

Tâm hồn nào càng biết tận hiến cho tình yêu Chúa Giêsu, thì càng chiếm được nhiều quyền lợi mới mẻ, và mỗi ngày một nhiều hơn. Họ ý thức về sự hèn mọn của mình, nên trước hết họ chỉ dám hôn chân Vị Chúa làm Người thôi. Về sau bạo dạn dần, họ đi đến chỗ bày tỏ nhiều cử chỉ âu yếm thân mật chân thành khác. Chẳng hạn một Âu-Tinh, một Têrêxa hay bao nhiêu tâm hồn thánh thiện khác, đã từng say sưa cởi mở trái tim tràn ngập yêu mến, trút đổ thuốc thơm dịu ngát vào Hội Thánh, như nàng Mai Đệ Liên  trút thuốc thơm đựng trong bình bạch ngọc lên đầu Chúa Giêsu xưa. Quả thật là một chân Trời hạnh phúc đã mở ra trước mắt tâm hồn nhiệt thành yêu mến. Không ai sẽ còn nhớ đến tình trạng tội lỗi quá khứ hay lầm lỡ hiện tại, khi bước đi trong tình yêu Chúa. Nguồn tình yêu vô tận làm tiêu tan mọi tội lỗi, như ánh nắng mùa hè làm tan biến sương mù ban mai!

 

NHỮNG LỜI ĐÀM TIẾU

Bên cạnh hình ảnh quảng đại đầy yêu mến trên đây, Tin Mừng ghi lại một thái độ bần tiện đầy vụ lợi: ‘Của đâu lại có của phí như thế! Bình thuốc thơm ấy ít ra cũng đáng giá ba trăm bạc. Sao không đem bán lấy tiền cho người nghèo khổ?.’ Người nói câu đó chẳng biết thực tình có lo lắng đến người nghèo không. Đọc và suy niệm tiếp đoạn Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy người đó là Juda, kẻ sắp phản bội Thầy Chí Thánh vì tiền bạc.

Đáng buồn thay, vì không phải chỉ mình Juda mà còn nhiều người khác cũng thốt lên lời tiếc của như trên. Đó là các thực khách ngồi đồng bàn với Chúa và cả các Sứ Đồ nữa. Tâm tình đáng buồn nơi họ đó làm cho chúng ta phải ngạc nhiên. Tuy nhiên suy nghĩ thấu đáo, thì sẽ thấy nó rất tự nhiên. Bấy lâu nay họ vẫn còn ngộ nhận, hiểu sai về vẻ cao trọng của Thầy Chí Thánh. Không phải là họ không biết, mà chính vì họ không ý thức và nhận ra đó thôi. Con mắt họ chỉ quen dừng lại ở thái độ khiêm cung và quần áo thô sơ bên ngoài của Chúa Giêsu, nên họ mới có nhận thức sai lầm: quả là con người ta xét đoán theo bề ngoài.

Đáng tiếc hơn nữa là chính chúng ta cũng xử sự như thế đối với Thiên Chúa. Trước bàn thờ nghèo nàn trang trí đơn giản, chúng ta có khi cũng mất ý thức rằng Ngài thực sự hiện diện ở đó qua Bí Tích Thánh Thể. Sự trang trí nghèo nàn đây xem ra quá tầm thường. Ngay những người giầu có ở thế gian cũng thấy là bất xứng nếu trang hoàng nhà cửa của mình như thế. Vào những thời đức tin phát triển mạnh, người ta xây nhiều thánh đường và đền đài dâng kính Thiên Chúa còn nguy nga tráng lệ hơn mọi cung điện vua chúa thế gian. Còn ngày nay, nhiều nơi chỉ cất lên những căn nhà gỗ sơ sài làm nơi cho Chúa Trời cư ngụ!

Dĩ nhiên, Chúa Giêsu là Đấng khiêm nhượng cũng vẫn bằng lòng ở trong các căn nhà như vậy, vì khung cảnh đó giúp Ngài trở về cảnh sống thanh bần như xưa kia. Thực vậy, Bê Lem và Nazareth đã từng thấy Ngài nghèo khó đến độ thiếu thốn mọi sự. Ngài chọn nếp sống nghèo hèn dưới thế, với mục đích chia sẻ số phận với loài người trong một thời gian, đồng thời cũng là để tập luyện nhân đức, hầu chiếm đoạt dồi dào công huân ân sủng, và nhất là để nêu gương cho chúng ta noi theo. Bây giờ, ngự trên Trời đầy tràn vinh quang, Ngài để mặc chúng ta đối xử với Ngài theo địa vị xưa kia dưới thế. Có nhiều tâm hồn quảng đại đã dâng cúng vàng bạc quí báu, hoặc kim cương đắt giá để tô điểm bình thánh làm nơi cho Thầy Chí Thánh ngự trị. Trước tấm gương hy sinh này, chúng ta sẽ không còn bắt chước tính bần tiện của Juda, và một số thực khách xưa kia đã thốt lên lời tiếc xót: ‘Của đâu lại có của phí như thế! Đem bán lấy tiền cho người nghèo có hơn không!’ Thầy Chí Thánh sẽ nhắc lại câu trả lời xưa kia rằng: ‘Các con sẽ luôn có người nghèo sống giữa các con. Còn Ta, các con không có mãi đâu!’ Ý Ngài ở đây là muốn nói rằng sự hiện diện hữu hình, thì cần phải có những dấu hiệu cụ thể hơn nữa ở bên ngoài, như thế mới làm chứng về Ngài được trước mặt mọi người, nhất là trước mặt những người chưa tin. Các dấu hiệu ấy ít ra cũng nói lên đức tin của chúng ta. Người lương dân sẽ nghĩ ra sao khi nhìn thấy các tín hữu ăn mặc lộng lẫy, trang sức đầy vàng bạc quí giá bên cạnh Nhà Tạm nghèo nàn trống trơn ?

Tâm hồn nào quảng đại với vị khách trú ngụ trong Nhà Tạm thì cũng sẽ biết quảng đại với người nghèo khó, hay ít ra không làm thiệt hại gì cho họ. Những bàn tay tô điểm bàn thờ Chúa Giêsu cũng chính là những bàn tay rộng rãi nhất giúp đỡ người nghèo. Chúa Giêsu là bạn của người nghèo, nên trường hợp thấy bạn hữu mình sống quá túng quẫn, Ngài sẽ linh ứng cho những người giầu có hơn để tìm cách giúp đỡ tận tình. Có khi Ngài linh ứng cho các bạn tâm phúc Ngài bán đi những chén lễ bằng vàng bằng bạc, lấy tiền phân phát cho người nghèo với tấm lòng yêu mến và xót thương.

 

Ý NGHĨA CỦA VIỆC XỨC THUỐC THƠM

Trước sự kiện dâng thuốc thơm quý của cô gái giang hồ thành Bêthania, người ta liên tưởng đến bao cuộc dâng hiến quý trọng khác: như dâng hiến mọi tâm tư ý tưởng và cả trái tim mình cho Thiên Chúa. Bình bạch ngọc vỡ ấy sẽ không dùng vào việc gì nữa cũng tượng trưng cho việc dâng hiến hồn xác của nhiều tâm hồn.

Trường hợp một người có nhiều năng khiếu đặc biệt tận hiến toàn thân cho Chúa Giêsu, thì chắc chắn sẽ có những tiếng bàn ra tán vào đầy vẻ tiếc xót, như các thực khách tiệc của  Bêthania xưa kia: thật uổng cả một đời! Phí cả tuổi xuân! Con người trí lực thông minh, phong nhã hào hoa như thế mà giam mình vào một nếp sống vô ích cho xã hội! Tài năng ấy biết đâu chẳng làm rạng rỡ cho quê hương, bây giờ lại tự khép đóng vào một cuộc sống ích kỷ, khác nào dòng nước mất hút trong sa mạc cát trắng. Vả lại, ích gì cho cá nhân cũng như đoàn thể các cuộc sống cầu nguyện đọc kinh ngày đêm ấy! Ích gì đâu với những hy sinh hãm mình mệt xác thường xuyên? Tại sao có người dại khờ đi hủy hoại cuộc đời có tương lai đầy hứa hẹn như thế?

Hãy đặt câu hỏi tại sao với nàng Mai Đệ Liên thì sẽ rõ! Khi yêu ai, mến ai, thương ai nhất đời, người ta hy sinh tất cả, dâng hiến tất cả, và ngay cả chính bản thân mình cũng không nề quản. Nhất nữa người mình yêu lại là Đấng hoàn hảo, toàn năng, thì không còn lý do gì để tiếc xót nữa. Đó là luật của tình yêu, là đòi hỏi của trái tim ngây ngất tình mến.

Vị Chúa làm Người là Đấng đã ban cho chúng ta, mọi sự và đã hóa thân làm của ăn cho chúng ta nên Ngài có quyền đòi chúng ta cũng phải trao hiến cho Ngài. Thủ lãnh của cả nhân loại lại không được quyền dành riêng cho mình một số tâm hồn ưu tú làm đội cận vệ sao? Dù bị loài người hiểu lầm, sỉ nhục, bách hại chăng nữa, thì Thiên Chúa cũng có được ít nhiều tâm hồn tận hiến trọn vẹn cho Ngài chứ? Không còn gì vinh hiển đầy ơn phúc cho chính nhân loại.

Thầy Chí Thánh đã thăng hoa việc làm của Mai Đệ Liên  khi nói: ‘Khắp thế gian, hễ Tin Mừng rao truyền nơi nào, đều thuật lại việc chị ta làm bây giờ.’ Cũng thế, các việc làm đạo đức của tâm hồn quảng đại vì mến Chúa yêu người, có thể là thế gian không biết đến hay cố tình quên lãng, nhưng sẽ được vinh thưởng trên các tầng Trời cho đến muôn thuở.

Chúa còn nói thêm: ‘Việc chị ta vừa làm là để tẩm liệm trước thân xác Thầy.’ Thật là lời nói đầy bí nhiệm mà nội dung được thực hiện sáu hôm sau. Quả thế, buổi sáng ngày lễ Vượt Qua, khi Mai Đệ Liên và mấy thiếu phụ thánh thiện khác đến mồ để tẩm liệm thêm dầu thơm thuốc ướp, thì các bà thấy nhà mồ trống không. Lúc bấy giờ người ta mới hiểu ra rằng thuốc thơm mà nàng Mai Đệ Liên đã đổ xuống đầu Chúa tại nhà ông Simon chính là tượng trưng cho việc xức xác Chúa hôm đó.

Điều mà Chúa ban phép làm trước khi chết đó liệu có thể tái diễn lại về sau không? Dĩ nhiên là có, và tâm tình chúng ta dâng lên Ngài chính là hương thơm xức trên thân xác Ngài, còn nhà mồ là Nhà Tạm. Ai lại chẳng muốn đóng vai Mai Đệ Liên  xức xác Chúa? Và Chúa Giêsu, chính Chúa ngày xưa cũng với tâm tình như thế, sẽ sung sướng đón nhận tình yêu và các hy sinh tỏa hương thơm của chúng ta.

 

ĐIỀU DỐC QUYẾT

Tôi nhất định không bao giờ nhìn một thánh đường, một bàn thờ theo tiêu chuẩn giàu nghèo nữa, nhưng luôn nhắc nhở mình về sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong đó với lòng tin yêu sống động.

Tôi sẽ suy nghĩ rằng: Ngài hiện diện sống động ở trên bàn thờ trong các thánh đường, và Ngài nhìn biết rõ ràng thái độ hững hờ của tôi, sự vô tâm lãnh đạm của tôi, hay nói đúng hơn là tâm tình bất trọng kính của tôi đối với Ngài.

Tự hỏi xem tôi có thể làm gì để bắt chước Mai Đệ Liên  phần nào!

----------o0o----------